Tổng kết Nghị quyết 13 của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể: Chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng

  • 02/11/2021
  • 15:34
Trồng hoa lan công nghệ cao tại HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Thái, huyện An Dương

 

Thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 9 về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), KTTT thành phố có chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp nhất định phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Ông Lương Minh Huệ, Chủ tịch Liên minh HTX và doanh nghiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo phát triển KTTT thành phố trao đổi với Báo Hải Phòng về kết quả nổi bật của KTTT thành phố sau 20 năm thực hiện Nghị quyết.

-Thưa ông, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương, KTTT thành phố đạt những kết quả nổi bật nào?

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, KTTT thành phố chuyển biến cả về chất và lượng, đóng góp nhất định phát triển kinh tế – xã hội thành phố; góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, nhất là địa bàn nông thôn. Toàn thành phố hiện có 2.500 tổ hợp tác; 359 HTX đang hoạt động với tổng số hơn 63.000 thành viên. Trong đó, có 46 HTX kiểu mới được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả cao theo Luật HTX năm 2012. Kể từ khi ban hành Nghị quyết đến nay, có 160 HTX và 1 Liên hiệp HTX được thành lập mới. Số lao động làm việc trong các HTX hơn 6.800 người. Tổng số vốn hoạt động của các HTX tính đến đầu tháng 9-2021 đạt khoảng 205 tỷ đồng, tăng 85,9% so với năm 2003. Doanh thu bình quân các HTX đạt 4,7 tỷ đồng/năm, gấp hơn 4 lần năm 2003. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong các HTX đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Đạt được kết quả này là do thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT. Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp cũng như chiến lược phát triển kinh tế – xã hội từ thành phố đến các quận, huyện đều xác định KTTT là thành phần kinh tế không thể thiếu. Cơ chế chính sách, thể chế môi trường, tâm lý xã hội đối với khu vực KTTT thành phố và vai trò quản lý nhà nước đối với khu vực KTTT thành phố có sự đổi mới. Ban chỉ đạo Phát triển KTTT nhanh chóng được kiện toàn từ thành phố xuống các quận, huyện, tạo sự thống nhất, đồng bộ, tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT. Thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ khu vực KTTT phát triển, tiêu biểu như: chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực HTX; đào tạo nhân lực làng nghề truyền thống; hỗ trợ, khuyến khích cán bộ trẻ qua đào tạo về làm việc tại HTX; tạo điều kiện để các HTX được tiếp cận vốn vay ưu đãi…Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng như các tổ chức chính trị – xã hội thành phố quan tâm, vận động, tích cực hỗ trợ khu vực KTTT phát triển.

Thu hoạch rau đậu tương xuất khẩu tại HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, huyện An Dương.

-Để đạt kết quả trên, 20 năm qua, Nghị quyết 13 của Trung ương được thành phố thực hiện sáng tạo như thế nào?

Khi triển khai Nghị quyết 13 của Trung ương, thành phố có nhiều cách làm mới, sáng tạo. Trước hết là cách thức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết có nhiều đổi mới sáng tạo, công tác biên soạn tài liệu dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với nhiều loại đối tượng. Nét nổi bật của Hải Phòng trong thực hiện Nghị quyết trên là đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực KTTT. Thành phố chỉ đạo Liên minh thành lập Trung tâm đào tạo trực thuộc Liên minh, phục vụ công tác đào tạo khu vực KTTT; phê duyệt nhiều đề án, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho HTX gồm: cán bộ quản lý, người lao động, thành viên HTX; cán bộ quản lý nhà nước về KTTT; người lao động trong các làng nghề truyền thống…Kết quả, có hơn 200 lượt cán bộ, người lao động trong các HTX được đào tạo dài hạn; hơn 4.000 lượt cán bộ, lao động tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn và gần 4000 lượt người lao động, thợ kỹ thuật trong các làng nghề được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới.

Cùng với đào tạo, bồi dưỡng, thành phố quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, giao Liên minh quản lý với số vốn điều lệ cấp 15 tỷ đồng. Hằng năm, có từ 20-27 lượt HTX được hỗ trợ vay vốn ưu đãi lãi suất từ quỹ. Thành phố ban hành chính sách hỗ trợ mua máy cơ khí phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp cho các HTX. Ngoài ra, thành phố có nhiều chính sách sáng tạo khác thực hiện Nghị quyết như: chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, tiếp thị và mở rộng thị trường, hỗ trợ các HTX giải thể, thành lập mới… Công tác sơ tổng kết được tiến hành thường xuyên, gắn với đánh giá. Với cách làm bài bản, sáng tạo, Hải Phòng là một trong địa phương được Trung ương đánh giá cao về triển khai Nghị quyết 13.

-Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết còn hạn chế gì, cần những giải pháp nào để thúc đẩy KTTT thành phố tiếp tục phát triển?

20 năm qua, KTTT thành phố có chuyển biến tích cực nhưng chưa mang tính đột phá. Tỷ lệ đóng góp của khu vực KTTT vào GDP thành phố còn thấp. Hiện, thành phố còn hơn 200 HTX ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể. Nguồn lực thành phố bố trí thực hiện các chính sách hỗ trợ KTTT chưa tương xứng. Công tác quản lý nhà nước về HTX tại cấp quận, huyện thiếu chặt chẽ. Các HTX còn tâm lý ỷ lại vào hỗ trợ nhà nước. Chất lượng nguồn nhân lực, cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, lúng túng trong hoạch định chiến lược phát triển sản xuất – kinh doanh. Chưa có nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả cao.

Để Nghị quyết tiếp tục đi vào cuộc sống, thúc đẩy KTTT thành phố phát triển, Liên minh đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết, tuyên truyền về KTTT theo hướng rộng khắp. Từ đó, thống nhất về nhận thức, tạo niềm tin, vận động nhân dân tham gia thành viên HTX. Khi xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT, thành phố quan tâm bố trí nguồn lực phù hợp theo hướng thiết thực, khả thi; tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX. Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp các quận, huyện giải thể dứt điểm HTX ngừng hoạt động; chú trọng chất lượng khi thành lập mới các HTX, tránh chạy theo số lượng. Thành phố tạo điều kiện để Liên minh tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT.

Liên minh đề xuất Trung ương sớm ban hành Nghị quyết mới bổ sung, thay thế Nghị quyết 13, bảo đảm sát thực tiễn. Luật HTX năm 2012 sau 10 năm thực hiện bộc lộ nhiều bất cập, cần bổ sung, sửa đổi phù hợp, bảo đảm hiệu qủa cao hơn, để KTTT xứng đáng là thành phần kinh tế trụ cột./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Lan thực hiện (Báo Hải Phòng)

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next