Tạo sức mạnh đa chiều cho HTX ứng dụng khoa học công nghệ

  • 26/11/2021
  • 08:46

Ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi cần thiết của các HTX nhằm thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Để làm được điều này, các HTX rất cần sự trợ lực mạnh mẽ hơn nữa.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi sản xuất, HTX hoa cây cảnh Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) đã xây dựng được vùng trồng hoa chuyên canh, giá trị thu nhập cao gấp 10-20 lần so với trước đây trồng lúa, rau.

Mỗi thành viên HTX khi Tết về có thêm lợi nhuận từ 50-100 triệu đồng do trồng hoa bán. Doanh thu của HTX cũng tăng từ 1,8 tỷ đồng (năm 2014 – bắt đầu ứng dụng công nghệ cao) lên gần 9 tỷ đồng vào năm 2020.

Nguồn vốn hỗ trợ phân tán

Có thể thấy, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Không chỉ nâng cao năng suất cao, chất lượng nông sản, khoa học công nghệ còn giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Và đặc biệt hiện nay, yếu tố môi trường đang là tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu nông sản, nên ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là hướng đi bắt buộc đối với các HTX.

Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2002-2011, có 3.084 HTX được hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ và từ năm 2011 đến nay đã có thêm khoảng 10.762 HTX được hỗ trợ.

2pMh-fOZBUu1fzbcImage-7013-1637747413.pn

Ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa ở xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội).

Việc hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi đúng đắn, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số như hiện nay. Tuy nhiên, cơ chế chính sách về khoa học công nghệ chỉ là chính sách chung, chưa có chính sách đặc thù cho HTX. Các nguồn vốn hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học công nghệ hiện nay bị phân tán vì chủ yếu là lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia hay các dự án…

Chẳng hạn như HTX hoa cây cảnh Thụy Hương được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, cụ thể là tại dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa, cây cảnh tại xã nông thôn mới Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội”.

Hay như HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh thương mại Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội), nguồn vốn để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất miến theo hướng hiện đại và đầu tư máy móc ít tổn hao điện năng là từ Dự án RELL của Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi dự án này kết thúc, nguồn vốn để HTX tiếp tục đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản trị, kinh doanh và chăm sóc khách hàng… là từ các chương trình mục tiêu quốc gia như nông thôn mới, giảm nghèo…

Ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dương Liễu cho biết, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án cũng chỉ có hạn và hỗ trợ trong một thời gian nhất định nên khiến HTX nhiều lúc bị động. Thậm chí, nhiều HTX không nắm được các chính sách từ chương trình mục tiêu quốc gia, hay không liên kết được với các dự án thì khó có thể thể ứng dụng khoa học công nghệ được, hoặc ứng dụng nhưng cũng dễ bị đứt đoạn.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ giữa các cấp ngành với các HTX, nhất là các HTX tại khu vực miền núi, biên giới và hải đảo vẫn chưa được chú trọng. Theo các chuyên gia, HTX hiện hoạt động đa ngành nghề và chính là nơi thực hành, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng chưa hỗ trợ HTX trong việc liên kết, hợp tác với các tổ chức, các cơ quan nghiên cứu nên việc chuyển giao, sử dụng các kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án vẫn chưa khả quan.

Cần tiếp thêm động lực

Thực tế, để ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất đồng nghĩa với việc HTX phải tổ chức sản xuất trên quy mô tương đối lớn và phải đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư cho các HTX nông nghiệp còn thấp, HTX vẫn thiếu quỹ đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung.

Ông Lê Văn Thượng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thọ Thanh (Thường Xuân, Thanh Hóa) cho biết, khi ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất rau màu đòi hỏi HTX phải có nguồn kinh phí lớn, song việc tiếp cận được vốn đầu tư ưu đãi của Nhà nước lại rất khó khăn. Trong khi đó, HTX chưa có tài sản để thế chấp nên hầu hết là vốn huy động của các thành viên. Vì vậy, việc đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất còn cầm chừng, hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, dù đã có những HTX tiếp cận được chính sách về khoa học công nghệ nhưng do xuất phát điểm thấp nên HTX cần sự trợ lực lớn hơn, tập trung hơn. Khi có nguồn vốn đặc thù về khoa học công nghệ cho khu vực kinh tế tập thể thì các HTX mới có thể mở rộng và ứng dụng bền vững các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tránh tình trạng đầu tư nhưng không hiệu quả vì sau khi hết thời gian được hỗ trợ, HTX không biết vay vốn ở đâu hay liên kết cùng ai để tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh một cách bền vững.

Mo-hinh-trong-rau-thuy-canh-1-4023-16377

Để HTX thích ứng với thị trường, rất cần những chính sách tập trung về khoa học công nghệ cho khu vực kinh tế tập thể.

Đó cũng là nguyên nhân mà dù đã có 13.846 HTX được hỗ trợ chính sách ứng dụng khoa học công nghệ nhưng thực tế, theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay cả nước mới có 2.200 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khoảng 1.580 HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Ngoài nguồn vốn đặc thù về khoa học công nghệ cho HTX, theo các chuyên gia, việc cần làm lúc này là hỗ trợ HTX nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực. Bởi hầu hết HTX hiện nay có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, do đó việc thu hút nguồn lao động trẻ, có kiến thức, năng lực chuyên môn phù hợp để làm việc lâu dài còn hạn chế.

Hiện, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đưa nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, thống kê gần đây cho thấy, trong giai đoạn từ 2002 đến nay, các HTX mới thu hút 858 cán bộ khoa học kỹ thuật về làm việc có thời hạn là 36 tháng. Và sau 3 năm được hỗ trợ, không ít HTX không đủ kinh phí giữ chân nguồn nhân lực này để tiếp tục phát triển những dự án khoa học công nghệ.

Có thể thấy, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hiện nay được coi là khâu đột phá giúp các HTX phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những phương thức hỗ trợ đủ mạnh về nhân lực, tài chính cũng như các hình thức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao cho các HTX. Có như vậy, mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có trên 3.000 HTX ứng dụng công nghệ cao và đến năm 2030 có hơn 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản mới thành hiện thực.

Huyền Trang

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/tao-suc-manh-da-chieu-cho-htx-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-1082444.html

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next