(HPĐT)- Sau 5 năm Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là quy mô kinh tế không ngừng mở rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 năm liền đạt 12,6%/năm. Kết quả này là động lực quan trọng để thành phố tiếp tục các giải pháp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng.
Tốc độ tăng trưởng gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước
Đánh giá kết quả Hải Phòng đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, vai trò là trung tâm kinh tế -xã hội lớn của Hải Phòng đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định. Phát triển kinh tế -xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước. Trong đó, giai đoạn 2019-2023, GRDP bình quân của Hải Phòng tăng nhanh, là điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước, đạt 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung của cả nước (5,16%/năm), gấp 1,74 lần so với giai đoạn 2014-2018 và gần đạt mục tiêu trong Nghị quyết 45 đề ra (tối thiểu là 13%/năm). Chất lượng tăng trưởng kinh tế thành phố tăng lên do tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bình quân, gia tăng tỷ lệ đóng góp năng suất của các nhân tố tổng hợp vào quy mô GRDP và tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội; tỷ trọng GRDP Hải Phòng trong GDP cả nước tăng từ 3% năm 2018 lên 3,9% năm 2023, đạt khoảng 60% so với mục tiêu đến năm 2025 đề ra trong Nghị quyết 45.
Kết quả trên là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và những hiệu quả, giải pháp đúng, trúng của Hải Phòng.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những kết quả Hải Phòng đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 là “khác thường”, chưa nơi nào làm được như Hải Phòng. Trong 5 năm qua, nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID19, thế giới đứt gãy chuỗi kết nối. “Trong bối cảnh nhiều khó khăn, tăng trưởng ở mức 12,6% là sự nỗ lực rất lớn của Hải Phòng” – PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định. Còn theo Phó chủ nhiệm.
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và thời cơ, thách thức, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, quy mô kinh tế lớn, thành phố xác định đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất các nhân tố tổng hợp và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng mô hình, kịch bản tăng trưởng cụ thể gắn với lộ trình ưu tiên phân bổ, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành chủ lực, dẫn đắt tăng trưởng kinh tế của thành phố. Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mới và có nhiều tiềm năng như kinh tế số, kinh doanh bất động sản; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ du lịch, văn hoá, nghệ thuật, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao; điện gió ngoài khơi; xây dựng. Duy trì hợp lý, hiệu quả và bền vững các nhóm ngành khai thác thế mạnh đặc trưng truyền thống của thành phố như sản xuất trang phục, thiết bị điện, máy móc, thiết bị…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, thời gian tới, Hải Phòng cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển 3 trụ cột kinh tế có lợi thế để phát triển bứt phá và có vai trò dẫn đắt tăng trưởng kinh tế thành phố gồm: công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển, logistics, dịch vụ, du lịch. Thành phố phát triển mạnh ngành công nghiệp, với trọng tâm là phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực (sản xuất chế tạo ô tô; điện tử -tin học; các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị…); huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các dự án công nghiệp quy mô lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, có giá trị tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Tập trung phát triển, hiện đại hóa cảng biển, dịch vụ logistics, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành bến cảng còn lại tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Mở rộng, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, trong đó hỗ trợ phát triển 3 sản phẩm du lịch là thế mạnh: du lịch biển đảo, du lịch thể thao và du lịch nông nghiệp, nông thôn.