Sản phẩm OCOP không chỉ là việc của chủ thể sản xuất

  • 12/09/2022
  • 16:45

Sản phẩm OCOP vẫn đang loay hoay với câu chuyện đáp ứng số lượng khi mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu gắn với bao bì, mẫu mã thu hút để cạnh tranh trên thị trường trong nước và toàn cầu. Vẫn biết trách nhiệm bán hàng là của chủ thể sản xuất nhưng khi sản phẩm gắn với văn hóa đặc trưng của vùng miền, rõ ràng mỗi lãnh đạo địa phương cũng cần là “đại sứ” bán hàng, quảng bá cho chính sản phẩm quê hương mình.

Ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 – 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Gặp khó khi phát triển quy mô lớn

Đồng thời, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu phát triển chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoăc môi trường sinh thái của địa phương, 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

-2933-1662714522.jpg

Sản phẩm OCOP cần định vị thương hiệu để vươn ra thị trường nước ngoài. 

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo và triển khai xây dựng ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025 phù hợp với tiềm năng và lợi thế từ vùng địa phương.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho hay tỉnh đã đưa sản phẩm OCOP tham gia triển lãm quốc tế tại thành phố Milan (Ý), tham gia các hội chợ của Trung Quốc, Thái Lan và thị trường trong nước. Đặc biệt, Sơn La thường xuyên phối hợp với các đại sứ quán trong việc kết nối thị trường tiêu thụ, từ đó đưa sản phẩm của tỉnh sang Ấn Độ… Rất nhiều sản phẩm mới đã góp phần thay đổi diện mạo cho Sơn La.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, Sơn La gặp một số khó khăn như sản phẩm có sức lan tỏa chưa cao. Cụ thể, sản phẩm nhiều khi mới chỉ nằm trong giới hạn địa phương, sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều. Vấn đề đầu tư cho sản phẩm của HTX, doanh nghiệp còn hạn chế do khó khăn về nguồn lực. Điều này đặt ra bài toán làm sao phải có sản phẩm OCOP chiếm lĩnh thị trường, mẫu mã bắt mắt và xây dựng được thương hiệu.

Đồng thời, để phát triển sản phẩm OCOP du lịch, ông Công cho hay, vừa qua, Sơn La đã xây dựng điểm Pa Phách nhưng chưa thực sự tốt, giờ đang đẩy mạnh chuyển sang phát triển điểm Ngọc Chiến – Mường La gắn với hình ảnh sản phẩm đặc trưng như táo Sơn Tra Sơn La hay mận Sơn La… Tuy nhiên, tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm có bộ tiêu chí quốc gia cho từng sản phẩm.

Còn theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch tỉnh UBND Đắk Nông, tháng 4 vừa qua, sau rà soát lại, hiện địa phương này chỉ còn 47 sản phẩm OCOP. Trong đó, chủ thể HTX chiếm 39%, trang trại và gia đình 27%, doanh nghiệp chiếm 34%. Hiện, nhiều sản phẩm đã được bán trên thị trường. Song, ông Yên đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm làm sao để sản phẩm OCOP hướng tới phát triển bền vững và xuất khẩu được, có cơ chế chính sách xây dựng chuỗi, xác định HTX làm trung tâm, kết nối doanh nghiệp và nông dân, xây dựng OCOP thành thương hiệu quốc gia.

Đồng thời, về phát triển du lịch, ông Yên cho hay, tỉnh UBND Đắk Nông có lợi thế về du lịch như Công viên địa chất toàn cầu, các cây đặc sản nhiều nên có thể phát triển mô hình du lịch homestay, farmstay để phát triển du lịch trải nghiệm… Vừa qua, Đắk Nông thu hút rất nhiều khách du lịch, đơn cử như dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa rồi thu hút 45 nghìn khách du lịch, lễ 2/9 là 47 nghìn lượt khách.

Loay hoay bài toán bán hàng

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nêu ra vấn đề về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm OCOP, từ đó giúp nâng cao giá trị. Đại diện tỉnh Sóc Trăng cho rằng phát triển sản phẩm OCOP còn gặp vấn đề hạn chế đó là quy mô, mẫu mã và chất lượng. Có sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao, nhưng quy mô nhỏ dẫn đến không đủ cung cấp cho khách hàng. Chưa kể, thị trường quyết định sản xuất, sản phẩm OCOP không tiêu thụ được thì sản xuất phá sản, gặp khó khăn cho người nông dân.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề xuất để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, địa phương cần sự hỗ trợ của Trung ương trong việc xây dựng mối liên kết giữa chủ thể OCOP với nhà mua hàng nước ngoài. Trong điều kiện sản xuất hàng hoá lớn, vai trò của cơ quan Trung ương rất quan trọng nhằm mở cửa thị trường…

Tuy nhiên, ngay sau kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đặt ra câu hỏi: Thực tế nếu nói về xây dựng thương hiệu thì các lãnh đạo địa phương phải là người hiểu rõ, giới thiệu lên Trung ương các sản phẩm đặc trưng của quê hương mình.

“Liệu rằng mỗi lần báo cáo địa phương có hàng trăm sản phẩm OCOP, các lãnh đạo địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT đã nhớ tên hết hay chưa, nếu chưa hết thì làm sao truyền thông, là đại sứ bán hàng hiệu quả được?”, Bộ trưởng NN&PTNT nêu.

Ông Hoan cũng kể câu chuyện về phong trào “khởi tạo, nhất thôn nhất bản” của Nhật Bản năm 1959, khi đó một vị lãnh đạo địa phương của Nhật Bản đã nói một câu là chỉ khi nào người lãnh đạo đem đi bán hàng thì OCOP mới phát triển. Theo đó, ông ấy cũng là người đầu tiên đem sản phẩm OCOP của địa phương mình ra Thủ đô Tokyo bán, từ đó tạo ra sự hứng khởi, niềm tin khi phát triển các sản phẩm OCOP.

Đồng thời, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng, thời đại ngày nay là thời đại bi kịch của những người sản xuất, vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng khắp thế giới lựa chọn. Bởi vậy, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn khách hàng.

“Thay vì sản xuất 10 sản phẩm để có 10 đồng, chúng ta hãy chăm chút, đào sâu nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá xây dựng thương hiệu để bán 1 sản phẩm với giá 10 đồng, đó chính là tư duy kinh tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Sau hơn 4 năm triển khai theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đến ngày 31/8/2022, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1,0% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao, với 4.351 chủ thể OCOP.

Lê Thúy 

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/san-pham-ocop-khong-chi-la-viec-cua-chu-the-san-xuat-1087821.html

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next