Phát huy bản sắc, giá trị làng nghề

  • 14/02/2025
  • 11:03

(HPĐT)- Trên địa bàn thành phố có nhiều nghề và làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa bản địa, góp phần quan trọng tạo việc làm, hiệu quả kinh tế phục vụ đời sống nhân dân. Hiện, bên cạnh một số nghề truyền thống có xu hướng mai một dần thì cũng có nhiều làng nghề, nghề truyền thống chủ động tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp nhu cầu phát triển của thị trường nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, nét đặc trưng, riêng biệt, bản sắc độc đáo của các địa phương.

Nghệ nhân Tô Văn Hữu (HTX Thủ công mỹ nghệ Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo) tỉ mỉ điêu khắc tượng truyền thần.

Giữ lửa” nghề 

Những ngày đầu xuân Ất Tỵ, tiếng đục đẽo lách cách rộn rã khắp làng nghề Bảo Hà (xã Đồng Minh), nay là xã Vĩnh Hải (huyện Vĩnh Bảo). Với nghệ nhân Tô Văn Hữu (68 tuổi), người dành gần như trọn cuộc đời với nghề tạc tượng, nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định, mà còn là niềm say mê, danh dự, tự hào của bản thân ông, gia đình và dòng họ. Ông Hữu là đời thứ 13 kế tục nghề tạc tượng do cụ tổ nghề Tô Phú Luật truyền lại. Vì vậy, ông luôn trăn trở, động viên con cháu “giữ lửa” nghề. 2 người con của ông từng làm việc ở nước ngoài, nhưng nay gắn bó với nghề tạc tượng truyền thần.

Vĩnh Bảo là địa phương có nhiều nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: thêu tay mỹ nghệ, dệt vải, chiếu cói, mây tre đan, điêu khắc, tạc tượng, làm con rối… Mỗi dịp xuân về, các làng nghề trở nên sôi động hơn. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ Đồng Minh Tô Xuân Hiền cho biết, dịp Tết năm nay, các mặt hàng đồ thờ, điêu khắc… được khách hàng ưa chuộng, đặt từ sớm; mặt hàng chiếu cói thủ công được các đình chùa, nhà trường, người dân đặt mua số lượng lớn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động cao tuổi, nông nhàn. Nghề thủ công có sức hút riêng, mỗi sản phẩm đều có sự khác biệt. HTX được thành lập với 70 thành viên (trong đó có 30 người được UBND thành phố công nhận là nghệ nhân xuất sắc) nhằm quy tụ những người có cùng đam mê phát triển nghề truyền thống và để quảng bá rộng rãi sản phẩm. Thời gian qua, Liên minh HTX thành phố tạo điều kiện tổ chức các lớp học nghề múa rối, điêu khắc, sơn mài, thêu ren… Thông qua bài giảng của các giảng viên, nghệ nhân giúp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, tay nghề của xã viên, góp phần khắc phục tình trạng “già hóa” lao động làng nghề.

Tại làng nghề trồng hoa, cây cảnh Minh Kha (phường Đồng Thái, quận An Dương) hiện có 500 hộ trồng hoa, cây cảnh, trong đó có 200 hộ trồng quất. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, làng nghề cung cấp ra thị trường đa dạng các loại đào, quất cảnh, hoa lay ơn, cúc… Anh Đỗ Văn Thiệu (phường Đồng Thái, quận An Dương) cho biết, dù chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 3, nhưng nhờ nhanh chóng vận dụng kinh nghiệm, nhất là kiến thức do Liên minh HTX thành phố tập huấn, đào tạo kỹ thuật nên hơn 1 mẫu trồng quất sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả kinh tế ổn định…

Để sản phẩm làng nghề vươn xa 

Theo rà soát của Liên minh HTX thành phố, trên địa bàn thành phố có hơn 30 làng nghề với nhiều loại hình, trong đó có 12 làng được cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề, được bảo tồn để lưu giữ, phát triển. Bên cạnh một số nghề truyền thống có xu hướng mai một dần thì cũng có nhiều làng nghề, nghề truyền thống chủ động tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp nhu cầu phát triển của thị trường. Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, giúp các làng nghề có hướng đi phù hợp, đứng vững trước áp lực của kinh tế thị trường, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Liên minh HTX thành phố đẩy mạnh thực hiện đào tạo nhân lực cho các thành viên. Năm 2024, đơn vị tổ chức 8 lớp đào tạo cho 200 lượt học viên làng nghề, nghề truyền thống. Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Liên minh HTX thành phố Phạm Sỹ Hiệp cho biết, chương trình được xây dựng linh hoạt, phù hợp đặc thù nghề, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, qua đó trang bị kiến thức giúp học viên nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới, đơn vị khảo sát, ý kiến nghệ nhân và nhu cầu bà con để biên soạn giáo trình phù hợp.

Thực tế nhu cầu đào tạo của các làng nghề còn khá lớn, theo ông Nguyễn Thanh Tú (HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp Hồng Thái), HTX hỗ trợ bà con thành lập 5 tổ cây trồng: Hồng cổ, hoa cúc, hải đường, mẫu đơn, đào cảnh. Song để đầu ra của cây cảnh ổn định, bà con mong muốn được tiếp thu công nghệ mới trong sản xuất, nhất là đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Ông Nguyễn Văn Thấn (làng hoa Kiều Trung, phường Hồng Thái, quận An Dương) cho biết, làng nghề truyền thống được duy trì, công nhận từ năm 2009. Đơn vị thường xuyên được Liên minh HTX thành phố quan tâm đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, thay đổi giống cây trồng. Nhờ vậy, đợt bão số 3 vừa qua, đơn vị chủ động bảo vệ, chăm bón cây trồng, giảm thiểu rủi ro, tỷ lệ cây trồng sinh trưởng đạt 70-80%. Trong bối cảnh đô thị phát triển nhanh chóng, làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn để bảo tồn, nhất là tìm kiếm nguồn nhân lực, lao động phù hợp truyền nghề. Vì vậy, thời gian tới rất mong các cấp ngành, địa phương tạo điều kiện quy hoạch dồn điền đổi thửa, chuyển đổi đất canh tác, nâng cao năng suất cây trồng. Qua đó, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất, đem lại thu nhập ổn định, giúp người dân sống tốt, gắn bó lâu dài với nghề.
Bài và ảnh: THANH VÂN – BÁO HP

Nguồn tin: https://baohaiphong.vn/vi/phat-huy-ban-sac-gia-tri-lang-nghe-202517142454.htm

Liên minh Hợp tác xã thành phố Hải Phòng tổng kết phong trào thi đua năm 2024 và giai đoạn 2020-2025; Phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030

Liên minh HTX thành phố Hải Phòng tôn vinh 13 hợp tác xã, doanh nghiệp thành viên tiêu biểu năm 2025

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2020-2025

Nông thôn mới Gỡ khó về vốn cho HTX

Phỏng vấn lãnh đạo HTX Đầu tư và Phát triển Sông Giá, thành phố Thủy Nguyên

Kinh tế và đô thị: Hiệu quả từ mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ

Previous
Next