HTX đối diện với thách thức biến đổi khí hậu

  • 30/03/2021
  • 08:24

Biến đổi khí hậu đang gây những áp lực lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX theo cách không thể lường trước được. Trong khi đó, vẫn có những HTX đang gặp những khó khăn nhất định trong việc áp dụng và triển khai các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam được tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong bối cảnh chung đó, HTX nông nghiệp và các hộ thành viên cũng chịu những ảnh hưởng xấu của BĐKH, thiên tai, dịch bệnh.

Ảnh hưởng nặng nề

Theo Điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2020 ở ĐBSCL cho thấy: 80,3% HTX khảo sát chịu ảnh hưởng của các hiện tượng BĐKH. BĐKH cũng làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất cây trồng, giảm chất lượng sản phẩm và làm mất đất nông nghiệp.

Đặc biệt các HTX nông nghiệp bị ảnh hưởng của BĐKH khiến chi phí sản xuất tăng thêm khoảng 26,2% trong khi năng suất sản xuất lại giảm 35,2%, diện tích mất trắng khoảng 48,1%. Chi phí sản xuất tăng chủ yếu do tăng chi phí tưới tiêu, chi phí công lao động cho chăm sóc, chi phí phân bón, ngoài ra còn do chi phí thuốc BVTV, chi phí giống, thức ăn và chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thực tế cho thấy, BĐKH, thiên tai, dịch bệnh đang tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX theo hướng tiêu cực. Trong khi BĐKH lại không chắc chắn, khó dự đoán và phức tạp. Theo các chuyên gia, nếu như các cuộc khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng dầu khí, khủng hoảng vàng xảy ra thì khi đề ra các giải pháp, các ngành chức năng có thể bám vào các nguyên lý của các đối tượng này. Tuy nhiên, BĐKH là một dạng khủng hoảng phi truyền thống, nó bất định và mơ hồ nên khi xảy ra khiến sản xuất nông nghiệp phải chịu nhiều tác động vô hình. Những tác động này nhanh chóng gây áp lực lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX theo cách không thể lường trước được.

cuwur-long-2298-1617006449.jpg

Biến đổi khí hậu khiến HTX nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nặng nề.

Để thích ứng với BĐKH, không ít HTX đã tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, công nghệ cao. Nhiều HTX sử dụng giống mới có khả năng chống chịu với thời tiết hay áp dụng những công nghệ mới như HTX chăn nuôi Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) ứng dụng công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm môi trường chuồng trại chăn nuôi bò sữa; HTX chăn nuôi Bình Thành (Duy Tiên, Hà Nam) với mô hình nuôi cá “sông trong ao” tiết kiệm nguồn nước hay HTX Long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) sản xuất thanh long theo công nghệ Israel…

Thế nhưng, thực tế cho thấy HTX nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong áp dụng các biện pháp thích ứng với BĐKH. Cụ thể là, có những HTX nguồn lực tài chính có hạn nên khó đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, cơ sở vật chất theo hướng hiện đại để thích ứng với sự thay đổi của khí hậu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình một HTX nông nghiệp chỉ có vốn, tài sản khoảng 927 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để thích ứng với dịch bệnh, thiên tai rất lớn.

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết, một thiết bị máy bay không người lái có giá từ 500-700 triệu đồng, một máy san phẳng đồng ruộng gắn thiết bị laser có giá từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì bản thân nhiều HTX khó có thể đầu tư các loại máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất.

Bên cạnh khó khăn về vốn, năng lực hiểu biết và trình độ của cán bộ quản lý HTX và thành viên vẫn còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến việc HTX áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, thiếu cán bộ kỹ thuật am hiểu về công nghệ là một trong các nguyên nhân gây khó khăn cho HTX nông nghiệp trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát của Bộ KH&ĐT, số lượng HTX tiếp cận các chính sách về KHCN còn ít, chỉ chiếm 4,1% và chủ yếu là được tiếp cận qua các đề tài, công trình nghiên cứu. Nguyên nhân là do nguồn lực hỗ trợ của một số địa phương còn hạn chế, quy trình thủ tục phức tạp, HTX không đủ vốn đối ứng…

Phòng hơn chống

Theo các chuyên gia, để thích ứng với BĐKH và dịch bệnh vốn có nhiều cách làm và phương thức đa dạng. Trong đó, việc xây dựng và phát triển các tổ chức nông dân như các HTX để huy động sức mạnh tập thể được coi là phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, không ít HTX có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (dưới 50 người) dẫn đến khả năng quy tụ đất đai, nguồn vốn từ các hộ cá thể phục vụ sản xuất thấp nên khả năng gặp rủi ro khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra là khó đoán định.

Chính vì vậy, cần ưu tiên hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX kiểu mới thích ứng với BĐKH hiệu quả ở mỗi vùng, cho mỗi hệ thống canh tác nông nghiệp để nhân rộng. Có thể xây dựng và phát triển các mô hình cộng đồng HTX nông nghiệp ứng phó với thiên tai, BĐKH, mô hình làng sinh thái, mô hình làng nông nghiệp thích ứng với BĐKH, mô hình nông thôn mới ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường.

trong-lua-thong-minh-jpeg-6737-161700644

Mô hình trồng lúa thông minh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (Tháp Mười, Đồng Tháp).

Để giúp HTX thích ứng với BĐKH, ngoài việc nâng cao năng lực, kỹ năng cán bộ HTX về quản lý, nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết, dịch bệnh, Nhà nước cần đổi mới chính sách từ hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh sang hỗ trợ quản lý phòng ngừa rủi ro thiên tai dịch bệnh.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay HTX được hưởng chính sách hỗ trợ về vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh với mức hỗ trợ tại điều 5, Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ. Tuy nhiên đây mới chỉ là những hỗ trợ giúp HTX khôi phục sản xuất do bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh.

“Để nâng cao năng lực thích ứng cho HTX, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để giúp HTX nông nghiệp chủ động phòng ngừa rủi ro, dịch bệnh ngay từ ban đầu hơn là khi xảy ra rồi mới hỗ trợ”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, rất cần Nhà nước hỗ trợ xây dựng các cơ sở dữ liệu về kịch bản ứng phó với BĐKH, phòng ngừa dịch bệnh cho từng tiểu ngành, tiểu vùng nhằm giúp người dân, HTX nắm bắt được sự chuyển biến bất thường của thời tiết, khí hậu để chủ động trong sản xuất kinh doanh. “Khi nắm bắt được rõ điều kiện tự nhiên, sẽ giúp HTX xác định được điểm mạnh, điểm yếu để có thể biết trồng cây gì, nuôi con gì, áp dụng kỹ thuật nào, đầu tư máy móc ra sao nhằm thích ứng với BĐKH từ đó hạn chế thiệt hại trong sản xuất kinh doanh đồng thời thu hút được doanh nghiêp liên kết phát triển theo chuỗi”, ông Thịnh nói.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next