Hải Phòng vươn lên từ mùa Thu năm ấy…

  • 05/09/2024
  • 09:19

(HPĐT)- Là cái “nôi” phong trào cách mạng, trải qua các giai đoạn lịch sử, thành phố Cảng luôn phát huy truyền thống “Trung dũng – Quyết thắng”, tạo động lực khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển thành phố. Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945 – 2-9-2024), Tiến sĩ ĐOÀN TRƯỜNG SƠN, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố có cuộc trò chuyện với Báo Hải Phòng cuối tuần chung quanh vấn đề này.

Cầu Võ Nguyên Giáp nối quận Lê Chân và quận Dương Kinh qua sông Lạch Tray. Ảnh: Lê Dũng

 

– Đồng chí cho biết giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2-9 trong lịch sử dân tộc?

– Cách mạng Tháng Tám -1945 thành công và ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của đất nước và thành phố Cảng. 79 năm trôi qua nhưng giá trị của Cách mạng Tháng Tám 1945 còn mãi, tạo động lực khơi dậy khát vọng phát triển cho mỗi người dân Việt Nam, nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, xứng đáng với công lao, xương máu của biết bao đồng bào, đồng chí ngã xuống vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Phát huy tinh thần cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, toàn thể dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đấu tranh giành lại nền độc lập, giải phóng dân tộc. Tiếp đó, sau 21 năm chiến đấu anh dũng, với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản, quân dân cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền quyền Sài Gòn, giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30-4-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20”.

 

– Qua nghiên cứu lịch sử, không khí Ngày Quốc khánh 2-9- 1945 tại thành phố diễn ra như thế nào, thưa ông?

– Từ những thước phim tư liệu, ảnh chụp, lời kể của những nhân chứng và tài liệu sách báo, khí thế, quang cảnh của thành phố những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945 còn mãi đến hôm nay. Từ đầu tháng 8, mưa lớn kéo dài, đường 5 bị ngập nước nhiều đoạn nên lệnh Tổng khởi nghĩa về chậm nhưng những cơ sở cách mạng, tổ chức Việt Minh, lực lượng tự vệ trong các nhà máy, bến cảng, đường phố, các làng xã chủ động chuẩn bị cho cuộc vùng lên. Cuộc mít tinh của hàng vạn người tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng chứng kiến sự ra mắt của chính quyền cách mạng ngày 23-8-1945. Từ sáng sớm, đông đảo thợ thuyền, dân nghèo thành thị, các nhà tư sản, trí thức, học sinh cùng nông dân, tự vệ các làng xã ngoại thành và các huyện của tỉnh Kiến An nườm nượp giương cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ tiến về khu vực Nhà hát thành phố. Trong những tấm ảnh tư liệu cho thấy quang cảnh mít tinh, với lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn treo phủ mặt tiền nhà hát, các chiến sĩ của Chiến khu Đông Triều và tự vệ cầm vũ khí đứng nghiêm, các vị trong Ủy ban Cách mạng ra mắt trong tiếng hò reo vang dậy và sự phấn khởi của dân chúng. Sau đó, lực lượng vũ trang cùng dân chúng diễu hành trên các đường phố lớn và đến chiếm giữ các cơ sở quan trọng trong thành phố. Trước khí thế đó, quân Nhật án binh bất động không dám can thiệp. Ngày hôm sau, ngày 24-8, khí thế ấy tiếp tục được diễn ra tại thị xã, tỉnh lỵ Kiến An.

Chiều ngày 2-9, đông đảo nhân dân Hải Phòng- Kiến An lại tập trung tại Quảng trường Nhà hát thành phố cùng đồng bào cả nước hướng về vườn hoa Ba Đình (Hà Nội) đón nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập có chữ ký của Hồ Chủ tịch và các vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời, trong đó có Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Thị trưởng thành phố Hải Phòng của chính quyền cũ nhưng ủng hộ Việt Minh, người có công đầu trong tổ chức thành công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng.

Vào thời điểm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam trực tiếp truyền thanh buổi lễ ở Hà Nội nhưng do hạn chế về kỹ thuật nên việc tiếp sóng của các địa phương không thành công. Tại thành phố Hải Phòng, trên lễ đài, đại diện chính quyền thành phố trình bày những nét tổng thể về ý nghĩa của ngày độc lập trước đông đảo dân chúng cờ hoa trong tay, tươi cười, hân hoan chào đón buổi lễ trọng đại của đất nước.

 

– Thành phố phát huy giá trị của độc lập trong công cuộc xây dựng, phát triển như thế nào, thưa ông?

– Với tinh thần và ý chí: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập ấy” tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ người dân Việt Nam nói chung và người dân thành phố Cảng quyết tâm xây dựng đất nước và thành phố giàu đẹp, viết tiếp những trang lịch sử mới. Trong đó phải kể đến bước vào thời kỳ đổi mới, Hải Phòng luôn tiên phong, năng động, sáng tạo, kết hợp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với phát triển kinh tế bền vững. Nổi bật, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 32 và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị trong xây dựng, phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng đã và đang là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45, các bộ, ban, ngành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu nổi bật của thành phố Cảng, như: kinh tế tăng trưởng cao, liên tục đạt tốc độ 2 con số, giai đoạn 2003-2018 GRDP tăng bình quân 10,92%/năm, gấp 1,68 lần bình quân chung của cả nước (6,5%/năm); giai đoạn 2019-2023, GRDP tăng 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 7.826,12 USD/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thu ngân sách tăng cao, từ năm 2022, 2023 liên tục đạt trên 100.000 tỷ đồng/ năm, đứng thứ ba cả nước. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, vượt trội, khẳng định rõ vị thế là thành phố Cảng, đầu mối giao thông quốc tế, cửa chính ra biển của miền Bắc, là vùng động lực phát triển của đất nước. Đồng thời, hội nghị cũng thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội để thành phố tăng tốc, bứt phá sớm hiện thực hóa mục tiêu Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu, ngang tầm với các thành phố tiêu biểu của châu Á.

 

– Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Liên minh Hợp tác xã thành phố Hải Phòng tổng kết phong trào thi đua năm 2024 và giai đoạn 2020-2025; Phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030

Liên minh HTX thành phố Hải Phòng tôn vinh 13 hợp tác xã, doanh nghiệp thành viên tiêu biểu năm 2025

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2020-2025

Nông thôn mới Gỡ khó về vốn cho HTX

Phỏng vấn lãnh đạo HTX Đầu tư và Phát triển Sông Giá, thành phố Thủy Nguyên

Kinh tế và đô thị: Hiệu quả từ mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ

Previous
Next