Để HTX không vướng rào cản trong tiếp cận đất đai

  • 17/01/2022
  • 10:31

Để các HTX phát triển, cần đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện chuyển đổi số. Nhưng để làm được điều này, cần tạo thuận lợi cho HTX tích tụ đất đai, có như vậy mới có thể đưa máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất trên quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0.

Chia sẻ tại một hội nghị gần đây, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm (Tiền Giang), cho biết, dù rất mong muốn có đất để xây dựng trụ sở mới khang trang hơn để thuận tiện giao dịch với khách hàng nhưng muốn có đất thì HTX phải tham gia đấu giá. Theo ông Liêm, điều này gây cản trở không nhỏ vì HTX khó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp.

HTX gặp khó trong giao, thuê đất

Còn tại HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc), do mong muốn mở rộng quỹ đất liền bờ, liền thửa để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên Ban giám đốc HTX đã đề xuất với chính quyền địa phương vấn đề thuê đất nhằm xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Tuy nhiên đến nay, HTX vẫn chưa thể thực hiện được điều này vì quỹ đất tại địa phương có hạn, đi cùng với đó là việc thỏa thuận với người dân khó khăn vì có hộ đồng ý, có hộ không đồng ý.

Có thể thấy, vẫn còn không ít các HTX hiện nay đang phải thuê, mượn đất đai, nhà… của các thành viên để làm nhà kho, trụ sở, nhà xưởng. Diện tích đất sản xuất cũng chủ yếu là của các thành viên góp vào phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong đó, không ít HTX có nhu cầu mở rộng diện tích, xây dựng nhà kho, nhà xưởng, trụ sở khang trang để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo niềm tin đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Song đến nay, tại hầu hết các địa phương chưa bố trí được quỹ đất hoặc vị trí thuận tiện cho việc sản xuất kinh doanh của HTX.

quy-dat-9231-1641981449.jpg

Để phát triển theo chuỗi, đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX cần diện tích đất liền bờ, liền thửa quy mô lớn.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ 2002-2021, việc giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai vẫn còn hạn chế. Cụ thể là chỉ có 1.591 HTX được giao, thuê đất với diện tích 90,253ha.

Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có những HTX được giao, thuê đất để làm trụ sở, nhà kho, sân phơi. Tuy nhiên, tỷ lệ HTX được thụ hưởng còn hạn chế.

Đi liền với đó là việc thực hiện các quy định về giao, thuê đất rất chậm trễ và khó khăn do công tác hướng dẫn thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa kịp thời khiến một số HTX chưa hoàn thiện hồ sơ đúng yêu cầu. Mặt khác, do quỹ đất ở địa phương còn hạn hẹp, việc triển khai chính sách hỗ trợ đất đai cho các HTX chưa được nhiều.

Ông Đàm Văn Độ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cho biết, do điều kiện đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt mạnh, không có quỹ đất chung để cho thuê hoặc giao đất. Do đó, việc cấp đất để làm trụ sở HTX, xây dựng cơ sở hạ tầng hầu như không thực hiện được.

“Chỉ có một số ít HTX được Nhà nước giao đất lâm nghiệp để chăm sóc và trồng rừng. Các HTX có trụ sở hoạt động theo quy định còn rất ít. Đất xây dựng trụ sở chủ yếu là do HTX thỏa thuận mua của thành viên hoặc tự thỏa thuận với người dân”, ông Độ chia sẻ.

Đất đai là nguồn lực để HTX phát triển

Có thể thấy, đất đai không chỉ là tài sản để HTX có thể đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho thành viên, người lao động, mà còn là niềm tin để đối tác yên tâm đầu tư, liên kết với HTX bền vững.

Đặc biệt hiện nay, Nhà nước khuyến khích phát triển bền vững mô hình HTX nhằm xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, có sức sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến.

Theo các chuyên gia, đất đai là một trong các yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất, là một yếu tố tác động đến cơ cấu giá thành sản phẩm thì chính sách pháp luật đất đai cho sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với xu thế phát triển của thị trường. Đồng thời, hạn chế tình trạng HTX khó khăn tiếp cận việc giao thuê đất.

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP. Cần Thơ, cho biết để HTX có quỹ đất phù hợp sản xuất kinh doanh, cần căn cứ vào quỹ đất thực tế tại chỗ và nhu cầu sử dụng đất của HTX. Từ đó, UBND cấp tỉnh ưu tiên vị trí, địa điểm thuận lợi cho HTX thuê đất (UBND quận, huyện chịu trách nhiệm bồi thường và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch) để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi và sử dụng mặt bằng phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh của cộng đồng thành viên. Vì quyền sử dụng đất là do Nhà nước giao đất, cho thuê đất là tài sản không chia của HTX, khi HTX chấm dứt hoạt động thì chuyển giao cho chính quyền địa phương theo quy định tại Luật Đất đai.

2pMh-fOZBUu1fzbcImage-7209-1641981449.pn

Có quỹ đất cũng giúp HTX thuận tiện trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Ông Phương cũng cho biết, trong thực tế có trường hợp HTX có nhu cầu chính đáng và đáp ứng các điều kiện, tiêu chí được thuê đất nhưng người có trách nhiệm tại địa phương gây khó khăn, không muốn cho HTX thuê thì cũng cần có quy định cụ thể nhằm khắc phục tình trạng này. “Nếu không khắc phục được thì HTX có nhu cầu thuê đất rất khó được thuê. Mặt khác chính sách không rõ ràng dễ bị lạm dụng, hình thành các nhóm lợi ích”, ông Phương chia sẻ.

Thạc sỹ Phạm Văn Hiệp, Đại học quốc tế Bắc Hà, cho biết, muốn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số thành công thì diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi của HTX phải từ vài ha trở lên/thành viên. Đối với HTX thủy sản, diện tích tối thiểu cũng tính bằng ha mặt nước, không thấp hơn 2 lần mức diện tích mặt nước bình quân so với diện tích mặt đất của HTX trồng trọt, chăn nuôi. “Thấp hơn mức diện tích trên, HTX rất khó tổ chức kinh doanh và ứng dụng công nghệ hiệu quả”, ông Hiệp nhận định.

Đặc biệt đối với HTX lâm nghiệp, diện tích rừng cho sản xuất cần lớn hơn diện tích của HTX trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản vì hiệu quả kinh doanh đất rừng thấp, chu kỳ sản phẩm kéo dài nhiều năm. Vì vậy, mô hình này cần quy mô hàng trăm thậm chí hàng nghìn ha.

Để có diện tích đất lớn sản xuất kinh doanh, Thạc sỹ Phạm Văn Hiệp cho biết, các HTX, chính quyền địa phương cần phối hợp với Sở TN&MT thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đất đai cho HTX như: Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các HTX đã có trụ sở, các hạng mục công trình gắn với đất đai cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đi cùng với đó là hỗ trợ HTX việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo thửa lớn, đơn giản hóa thủ tục giao, thuê đất…

“Tuy nhiên, để tháo gỡ được khó khăn về đất đai cho HTX, ngành chức năng, các địa phương cần chủ động cân đối quỹ đất chung, trong đó, quan tâm bổ sung quy hoạch diện tích đất để sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án đầu tư phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các HTX”, Thạc sỹ Phạm Văn Hiệp nói.

Huyền Trang

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/de-htx-khong-vuong-rao-can-trong-tiep-can-dat-dai-1083261.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next