Vẫn lo chuyện đầu ra của nông sản

  • 22/07/2021
  • 09:29

Việc ách tắc ở khâu vận chuyển nông sản chỉ là một phần trong câu chuyện tháo gỡ đầu ra trong tiêu thụ mặt hàng này trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi lẽ, để tìm được đầu ra bền vững thì gốc của vấn đề nằm ở khâu sản xuất có đạt chất lượng, kết nối với thị trường phân phối trong và ngoài nước ra sao, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái như hiện nay.

Có lẽ câu chuyện “nóng” nhất ở thời điểm này là làm sao tiêu thụ được mặt hàng quả nhãn – vốn có tính thời vụ, thời gian bảo quản ngắn. Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng, cho biết dự kiến sản lượng nhãn trên địa bàn đạt khoảng 25.000 tấn trong năm 2021. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Sóc Trăng, trong đó có sản phẩm nhãn hiện đang vào vụ thu hoạch.

Nhìn từ câu chuyện quả nhãn

Trước thực tế trên, Sở Công Thương Sóc Trăng đề nghị Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ thông tin, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm nhãn của tỉnh Sóc Trăng vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và truyền thống, các DN phân phối và các DN sơ chế, chế biến trên địa bàn của các tỉnh, thành phố.

tieu-thu-nhan-6957-1626857079.jpg

Để vụ nhãn 2021 tránh kịch bản “được mùa, mất giá” thì việc đẩy mạnh kết nối cung – cầu thúc đẩy tiêu thụ rất quan trọng. 

Chia sẻ với VnBusiness, ông Huỳnh Thanh Nhanh, Chủ tịch HTX Nông nghiệp thương mại Phụng Tường 1 (Long Phú, Sóc Trăng), cho hay HTX có tổng sản lượng trên 170 tấn nhãn đang cần tiêu thụ. Song đến thời điểm này vẫn chưa bán được quả nào do không có thương lái đến mua.

“Những năm trước, sản phẩm nhãn của HTX được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước, phân phối qua thương lái, vựa trái cây đầu mối. Song năm nay, dịch COVID-19 nên thương lái không vào. Dẫn đến bà con đang rất khó khăn và sốt ruột”, ông Nhanh nói.

Nhãn Sông Mã – vốn được xem là đặc sản ở Sơn La nhưng người dân nơi đây cũng đang lo ngại rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”. Theo ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, trước tình hình này, huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La thực hiện hỗ trợ 2 HTX xây dựng kho lạnh để bảo quản nhãn tươi khi vào thu hoạch, hỗ trợ xây dựng, thành lập hai làng nghề chế biến long nhãn phục vụ XK và thị trường trong nước. Tuy nhiên, để không tránh khỏi tình cảnh được mùa mất giá, địa phương này mong muốn DN trong nước hỗ trợ người dân đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và XK.

Không chỉ trái nhãn, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết hoạt động thu mua nông sản của các thương lái hoạt động chậm lại, thậm chí đóng cửa do dịch bệnh, như tại Long An, hơn 50% số kho (khoảng 72 kho) thanh long đóng cửa do lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Giá nhiều loại nông sản giảm mạnh khi các đợt dịch bùng phát trùng với thời điểm vào vụ thu hoạch rộ (ví dụ khoai lang tím tại Vĩnh Long, xoài tại Khánh Hòa). Nguyên nhân giá giảm là do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên thương lái Trung Quốc không sang thu mua, mặt khác thời gian này cũng là vụ thu hoạch nông sản cùng loại của Trung Quốc và các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan…

Phải cân đối cung – cầu 

Nói với VnBusiness, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, cho biết vấn đề vận chuyển nông sản đã bớt khó khăn hơn so với thời điểm TP.HCM và các tỉnh phía Nam mới thực hiện giãn cách xã hội. Song dịch bệnh cũng đang gây ra rất nhiều khó khăn cho việc tiếp cận vùng sản xuất nông sản.

Ông Tùng chia sẻ, kể từ khi đợt dịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Giang và một số tỉnh thành ở phía Bắc, DN này đã không thể tiếp cận được vùng nguyên liệu ở miền Bắc. Vụ vải thiều vừa qua, DN không thể kết nối để XK, cũng như hỗ trợ nông dân.

“Vina T&T XK trái cây đến nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU nên yêu cầu về chất lượng hàng hóa rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi lại có trụ sở chính ở TP.HCM, vì vậy khi dịch bệnh bùng phát ở phía Bắc, DN không thể cử nhân viên ra vùng dịch để đàm phán mua hàng, sơ chế rồi đưa vào Nam để tiến hành chiếu xạ”, ông Tùng nói.

Trước thực tế này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh thị trường nội địa gặp khó khăn, XK tới thị trường khó tính vướng vấn đề bảo quản, chất lượng thì việc tiêu thụ quả nhãn cũng như nhiều mặt hàng nông sản chắc chắn vẫn phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, những giải pháp để thông thương, đẩy mạnh XK tới thị trường này cần được chú trọng trong thời gian tới.

Nhấn mạnh tới vấn đề chất lượng, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết đơn vị này đang có nhiệm vụ đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, làm sao để đưa nông sản Việt Nam XK tới nhiều thị trường trên thế giới.

Thời gian qua, hầu hết quy định tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đều có điều kiện bắt buộc là nông sản Việt phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Do vậy, người dân, địa phương phải làm quen với cách thức sản xuất chuyên nghiệp, từ việc sử dụng vật tư đầu vào, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến thu hoạch.

“Ý tưởng của chúng tôi là các DN cần đặt hàng trở lại với địa phương, HTX”, ông Trung nói và giải thích tức là DN thu mua sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng – giúp người dân, địa phương làm ăn chuyên nghiệp, hiện 1 mã số vùng trồng ít nhất phải có quy mô từ 10ha trở lên, có kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm tốt.

“Làm được điều này thì vấn đề bài toán đầu ra cho nông sản sẽ được giải quyết, DN thu mua được sản phẩm có chất lượng cao hơn, người dân sản xuất chuyên nghiệp hơn”, ông Trung nói.

Tiếp lời ông Trung, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng muốn đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững thì vấn đề đầu vào, đầu ra phải cân bằng. Sản xuất phải đảm bảo chất lượng, giá cả thì mới bán được hàng.

Theo đó, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng sau đại dịch COVID-19 cần có chương trình hành động lâu dài để nông sản không có chuyện được mùa mất giá.

“Chúng ta sẽ giải quyết được hết những vấn đề về sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nếu đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp. Mặt khác về kết nối thị trường thì DN cần yêu cầu với Bộ NN&PTNT, địa phương về mặt hàng, chất lượng, thời vụ thu hoạch, sản lượng. Còn Bộ sẽ cùng địa phương, người nông dân có trách nhiệm sản xuất theo yêu cầu của DN, cũng như thành lập HTX để cung cấp sản lượng lớn”, ông Cường nói.

Anh-chup-Man-hinh-2021-07-21-l-5749-6273

Ông Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

6 tháng đầu năm 2021, XK nông sản vẫn đạt con số ấn tượng là 24,5 tỷ USD, thặng dư thương mại hơn 8 tỷ USD. Sự đứt gãy ở nhiều thị trường lại là cơ hội của Việt Nam. Nhiều mặt hàng của chúng ta như lúa gạo, thủy sản đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Do vậy, các địa phương phải tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện COVID-19 để có vùng nguyên liệu an toàn, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng XK là điều cần trong thời gian tới. Bộ NN&PTNT sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các địa phương, phát triển các chuỗi liên kết để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Anh-chup-Man-hinh-2021-07-21-l-1298-9196

Bà Đinh Thị Mỹ Loan

Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Chúng tôi đang ấp ủ một ý tưởng về kế hoạch huy động nguồn lực để xây dựng kho hàng nông sản ở các vùng trồng trọng điểm. Các kho lạnh này là trung tâm phân phối hàng nông sản Việt Nam ra thị trường trong nước và thế giới. Mặt khác, cần phải kết nối thông tin giữa người sản xuất và nhà phân phối một cách hiệu quả.

Hiện nay, vẫn đang còn những khoảng trống nên siêu thị thì thiếu hàng chất lượng mà người sản xuất luôn than phiền không đưa được hàng vào được kênh bán lẻ hiện đại. Làm được điều này, nông sản Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu, có đầu ra bền vững.

Anh-chup-Man-hinh-2021-07-21-l-6927-3465

Ông Dư Tâm Thâm

Phó Chủ tịch Uỷ ban xúc tiến thương mại quốc tế Ôn Châu (Chiết Giang – Trung Quốc)

Quả nhãn và hàng nông sản Việt Nam muốn đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc thì cần đáp ứng các điều kiện về chất lượng, tính ổn định, vượt qua kiểm dịch dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, nông sản Việt Nam cũng cần xây dựng thương hiệu riêng của mình, thúc đẩy chế biến sản phẩm chuyên sâu hơn như nước trái cây, đóng hộp, sấy khô, nâng cao khả năng bảo quản. 

Lê Thúy

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next