Trồng thanh long hướng hữu cơ, nông dân thắng lớn

  • 09/06/2022
  • 09:50

“Trồng thanh long hữu cơ không lo ế, mỗi năm tôi thu được 7 lần, nếu thắp điện thì sẽ thu được 2 lần nữa vào dịp đầu năm và cuối năm”

Cây không lỗ

Là vùng đất đầu nguồn sông Lạch Tray, Đa Độ từng nổi tiếng với đặc sản vải Bát Trang, người dân thôn Trực Trang đã mày mò và chuyển đổi sang trồng thanh long hướng hữu cơ cho thu nhập cao, ổn định.

Dẫn PV đi thăm vườn thanh long rộng gần 2ha của mình, ông Vũ Văn Mỵ, thôn Trực Trang, xã Bát Trang, huyện An Lão, TP Hải Phòng hồ hởi cho biết, trước đây gia đình ông trồng vải cũng có thu nhập tương đối tốt nhưng so với trồng thanh long thì khác biệt hẳn.

Ông Vũ Văn Mỵ, hộ dân trồng thanh long ở xã Bát Trang, huyện An Lão. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Vũ Văn Mỵ, hộ dân trồng thanh long ở xã Bát Trang, huyện An Lão. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Mỵ, với diện tích như vậy, sẽ trồng được gần 200 cây vải, như thời điểm hiện tại, mỗi năm gia đình ông sẽ thu nhập được hơn 100 triệu nhưng cho phí và công sức bỏ ra rất lớn, chưa tính giá cả bấp bênh và rủi ro mất mùa cao.

Trong khi đó, từ ngày chuyển sang trồng thanh long, trung bình mỗi năm, gia đình ông Mỵ thu được từ 7-9 đợt, mỗi đợt được khoảng 50 triệu sau khi đã trừ chi phí.

“Trồng thanh long khá dễ thở, không phải phun thuốc trừ sâu, một năm có 2 vụ thắp bóng, mỗi lần 2 ngày hết khoảng 20 triệu tiền điện nhưng tôi thu thêm được khoảng 100 triệu. Đây long là cây không lỗ, mất vụ này được vụ khác, chỉ có điều lãi ít hay nhiều mà thôi, so với trồng lúa thì hơn gấp 9-10 lần”, ông Mỵ khẳng định.

Theo tìm hiểu, thôn Trực Trang là nơi trồng nhiều thanh long nhất xã Bát Trang, huyện An Lão, cách đây khoảng 10 năm, do trồng lúa ngày càng kém hiệu quả, một số hộ đi trước trồng thanh long, sau đó bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay cả thôn đã có hơn 50ha trồng thanh long.

Cả thôn Trực Trang đã có hơn 50ha đất trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển sang trồng thanh long. Ảnh: Đinh Tùng

Cả thôn Trực Trang đã có hơn 50ha đất trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển sang trồng thanh long. Ảnh: Đinh Tùng

Anh Nguyễn Văn Trường – GĐ Hợp tác xã hữu cơ Trực Trang cho biết, trồng thanh long để đảm bảo cây khỏe, năng suất nhất lại ít bệnh thì dùng phân bón hữu cơ là tốt nhất.

Với cây thanh long cứ cho ăn nhiều là tốt lá thôi chứ không hiệu quả, do đó từ đầu vụ đến cuối vụ, trong 1 năm hết khoảng 4-7 triệu tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho 1 sào.

Do thổ nhưỡng nên thanh long trồng ở Hải Phòng thường có vị đậm hơn ở nhiều nơi khác và giá trị kinh tế đạt trung bình khoảng 25 triệu/sào/năm, tùy theo tuổi vườn và chế độ chăm sóc của từng hộ.

“Chúng tôi trồng thanh long được hơn 10 năm, chưa năm nào ế cũng như thua lỗ, năm ngoái chúng tôi bán được 17.000đ/1kg và bà con đang mong muốn được ổn định ở mức giá cao hơn, khoảng 20.000đ/1kg do thanh long được trồng theo hướng hữu cơ”, anh Trường bộc bạch.

Không sử dụng thuốc trừ sâu

Cũng theo anh Trường, cơ bản người trồng thanh long ở thôn Trực Trang đều sản xuất theo hướng hữu cơ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nên cây rất khỏe, kháng bệnh tốt. Hiện tại có những nhà vườn đã trồng được hơn 10 năm nhưng cây vẫn rất khỏe, quả to, năng suất tốt.

Anh Nguyễn Văn Trường - GĐ Hợp tác xã Trực Trang chia sẻ với PV về hiệu quả trồng thanh long. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Văn Trường – GĐ Hợp tác xã Trực Trang chia sẻ với PV về hiệu quả trồng thanh long. Ảnh: Đinh Mười.

Trước trồng theo cụm, gần đây một số hộ chuyển sang trồng thanh long theo giàn và cho hiệu quả kinh tế tăng lên hẳn. Hàng năm, sau khi thu hoạch chúng tôi sẽ cắt bỏ đi các tàu lá già, người dân không vứt đi mà xay nhỏ ra sau đó đổ vào gốc để làm phân bón luôn cho cây.

“Sản phẩm hữu cơ là rất tốt cho sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng nhưng hiện tại do chưa được công nhận sản phẩm hữu cơ nên giá thành thanh long chúng tôi với các hộ không sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn chưa có sự khác biệt lớn. Đó cũng là thiệt thòi cho chúng tôi”, anh Trường chia sẻ.

Theo Trung Tâm Khuyến nông Hải Phòng, điều kiện thổ nhưỡng đất đai của xã Bát Trang nói riêng và huyện An Lão nói chung đều có thể nhận rộng diện tích trồng cây thanh long.

Đơn vị đã triển khai mô hình mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất hoa, cây ăn quả theo quy trình VietGAP gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Người dân được tiếp thu kỹ thuật mới như ứng dụng công thức phân bón mới, đảm bảo đủ dinh dưỡng cây sinh trưởng phát riển tốt, hạn chế sâu bệnh, sử dụng đèn Led xử lý ra hoa, thụ phấn bổ sung, bao quả, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Ảnh: Đinh Tùng

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Ảnh: Đinh Tùng

Được hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất, từ đó kiểm soát được vật tư, thuốc bảo vệ thực vật đầu vào, được hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo dược ít ảnh hưởng độc hại tới con người và môi trường sung quanh.

Mặt khác, sử dụng nước tưới không ô nhiễm tưới cho cây trồng, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Mô hình này đã giúp thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân tham gia và nông dân trong và xung quanh vùng xây dựng mô hình.

Qua đó, đã góp phần nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nói chung và trồng trọt nói riêng, giúp khắc phục hiện tượng bỏ ruộng hoang, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ, tư vấn, kết nối cho HTX dần xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, giới thiệu quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hải Phòng.

Người dân phấn khởi với sản phẩm 'sạch' do mình làm ra. Ảnh: Đ. Mười.

Người dân phấn khởi với sản phẩm ‘sạch’ do mình làm ra. Ảnh: Đ. Mười.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, do diện tích vườn trồng của một số hộ vẫn áp dụng trụ cột bê tông truyền thống, mặt khác lượng sản phẩm quả thanh long sản xuất ra vẫn còn tiêu thụ cho các thương lái chỉ được một lượng nhỏ đưa vào các cửa hàng nông sản sạch để giới thiệu sản phẩm.

Để nâng cao năng suất sản phẩm Thanh long các hộ trồng cần đưa một số trang bị kỹ thuật mới vào áp dụng như thiết kế vườn trồng kiểu giàn, thụ phấn, bọc quả, tháp điện,…

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Hải Phòng, đặc biệt là ứng dụng đèn LED đơn sắc trong việc xử lý ra hoa, quả thanh long trái vụ.

Tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng các trang thiết bị nhà xưởng, nhà sơ chế, đóng gói,… gắn với liên kết tiêu thụ sản phầm để nông dân yên tâm sản xuất; tiếp tục hỗ trợ sản xuất thêm các loại cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm xây dựng thương hiệu nấm nhằm nâng cao giá trị sản xuất góp phần phục vụ công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung đặc biệt là trong sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh nói chung.

Theo ônng Phan Viết Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Bát Trang: “Trước đây, vải là nguồn thu chính, nhiều người giàu lên từ vải, tuy nhiên diện tích trồng vải càng ngày càng giảm, không còn chiếm vị trí độc tôn ở Bát Trang. Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, người dân đã chuyển một phần sang trồng thanh long, trồng xen kẽ táo, nhãn và một số loại cây ăn quả khác… để đảm bảo nguồn thu quanh năm”.

https://nongnghiep.vn/trong-thanh-long-huong-huu-co-nong-dan-thang-lon-d324774.html

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next