Trợ lực để HTX phát triển trong bối cảnh dịch Covid-19

  • 06/07/2021
  • 10:41

Mặc dù chịu tác động từ dịch Covid-19, nhưng khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn khẳng định được vai trò trong việc hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là kinh tế tập thể, HTX vẫn tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất  lượng.

TP-2641-1625466726.jpg

Nhiều HTX chủ động vươn lên, hỗ trợ người dân vượt  qua khó khăn.

Sáng 5/7, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị về tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX 6 tháng đầu năm 2021. Theo số liệu mới công bố, 6 tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 841 HTX, tăng hơn 89 HTX so với cùng kỳ năm 2020, đạt 50,06% kế hoạch năm 2021. Lũy kế đến hết tháng 6/2021, cả nước có 26.143 HTX, tăng 861 HTX so với cùng kỳ năm 2020.

Nỗ lực vượt khó khăn

Không chỉ tăng về số lượng HTX, theo Liên minh HTX Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước thành lập mới được 3 liên hiệp HTX, đạt 20% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021; lũy kế đến hết tháng 6/2021, cả nước có 105 liên hiệp HTX. Ngoài ra, mô hình tổ hợp tác (THT) cũng thu hút được sự tham gia của người dân khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước thành lập mới được 715 THT, đạt 28,6% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, nâng tổng số THT cả nước lên 119.963 THT.

Có thể thấy, KTTT, HTX  tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số HTX, liên hiệp HTX, THT tiếp tục tăng, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên và đa dạng về loại hình, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên.

HTX đang trở thành loại hình  phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân. Vị trí của KTTT, HTX đối với nền kinh tế tiếp tục được khẳng định là bệ đỡ, là nền tảng cho ổn định đời sống, xã hội trong thời kỳ khó khăn.

Đặc biệt, nhiều HTX tích cực tham gia chuỗi giá trị, nghiên cứu tìm hiểu thị trường, liên kết tạo đầu mối với các doanh nghiệp để thu mua, chế biến nông sản cho thành viên.

Tiêu biểu như HTX Chế biến Nông sản Toàn Phát (xã Bình Kiều, Khoái Châu, Hưng Yên) đã và đang hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản ngay trong mùa dịch Covid-19 khi chú trọng bao tiêu nông sản, đầu tư máy móc sấy nông sản như long nhãn, chuối…

Đại diện HTX cho biết, nhiều năm nay, xã Bình Kiều đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, người dân luôn gặp khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh. Chính vì vậy, việc chú trọng đầu tư máy móc chế biến nông sản của HTX Toàn Phát phần nào giúp khắc phục vấn đề đầu ra cho người dân.

Hiện tại, mỗi ngày HTX có thể đưa vào chế biến 2.000kg quả tươi các loại. Ngoài sấy nhãn, chuối theo mùa, HTX còn sấy các loại nông sản khác như mít, bí xanh, mướp đắng, hạt sen. Tất cả các nông sản sau chế biến đều cho giá trị tăng 2-3 lần so với bán nguyên liệu thô. HTX cũng tích cực liên kết với các doanh nghiệp để đưa các nông sản chế biến ra thị trường.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, các HTX, THT, liên hiệp HTX vẫn chịu những tác động không nhỏ của dịch Covid-19. Trong đó, đã có HTX phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động khiến hàng hóa tồn đọng nhiều, chi phí bảo quản, lưu kho bãi tăng. Đặc biệt, có những HTX không nhập được nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi từ Trung Quốc, dẫn đến giá thành đầu vào tăng hơn so với trước khiến doanh thu của HTX giảm trung bình khoảng 40-60% so với trước.

Ông Huỳnh Lam Phương, Trưởng Cơ quan thường trú tại phía Nam (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu của các HTX. Thị trường liên tiếp xảy ra những đợt tồn hàng, rớt giá với nhiều mặt hàng rau, củ, quả tươi xuất khẩu.

“Các HTX trên địa bàn huyện Bình Tân  (tỉnh Vĩnh Long) trước đây ước tính mỗi ngày có đến 100-200 tấn khoai lang được thương lái mua để xuất khẩu, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 70-80%. Nhưng hiện tại, các HTX trồng khoai lang gần như không xuất khẩu được. Hay như các HTX trên địa bàn huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ hành tím gặp khó khăn, có thời điểm giá hành tím thương phẩm tại ruộng chỉ còn khoảng 5.000 – 7.000 đồng/kg”, ông Phương dẫn chứng.

Ông Phương cũng cho biết, các HTX kinh doanh cửa hàng bán lẻ hàng hóa có doanh thu giảm từ 40%-60% vì một số nhà sản xuất đóng cửa ngừng kinh doanh nên HTX không đủ lượng hàng hóa để bán ra. Các HTX vận tải, du lịch đang hoạt cầm chừng, dịch bệnh tác động mạnh đến quá trình thực hiện và cung ứng dịch vụ. Số lượng khách hàng, hợp đồng, tour đa số bị hủy làm ảnh hưởng đến doanh thu của HTX, ước tính tỷ lệ sụt giảm là khoảng 50%.

Ưu tiên chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc phát triển mô hình HTX phát triển theo chuỗi giá trị kết hợp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp hạn chế được những tác động khách quan như dịch bệnh, hạn hán, biến đổi khí hậu.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, việc xây dựng HTX sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị bền vững kết hợp với ứng dụng công nghệ cao là hoàn toàn phù hợp thực tế hiện nay. Vì chỉ có liên kết và đầu tư công nghệ hiện đại thì mới khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, hạn chế được những tác động từ môi trường bên ngoài.

Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Lam Phương cho biết, thực tế dù dịch Covid-19 xảy ra nhưng một số HTX rau an toàn sản xuất theo quy trình VietGAP, công nghệ cao ở huyện Cần Giuộc (Long An); Bình Chánh, Củ Chi (Tp.HCM) có hợp đồng tiêu thụ ổn định với hệ thống siêu thị, nên vẫn duy trì hoạt động tốt. Các HTX trồng lúa đa số được mùa và giá lúa tăng cao vì liên kết được với doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chuỗi.

Tuy nhiên, để xây dựng được HTX phát triển theo chuỗi giá trị bền vững, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, cần phải lựa chọn những HTX điển hình, có quy mô đủ lớn và xác định được sản phẩm chủ lực để xây dựng mô hình điểm. “Nếu HTX chỉ có khoảng 7 thành viên thì tính lan tỏa không thể cao bằng mô hình có hàng chục thành viên trở lên”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.

Theo các đại biểu, phát triển các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững kết hợp ứng dụng công nghệ cao cũng là một trong những nền tảng để hoàn thành mục tiêu mà Liên minh HTX Việt Nam đặt ra trong năm 2021.

Cụ thể, trong năm nay, cả nước sẽ thành lập mới ít nhất 1.500 HTX, 15 liên hiệp HTX, 2.500 THT; xây dựng 200 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gắn sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia. Các HTX, THT, liên hiệp HTX sẽ là đầu kéo để dẫn dắt KTTT, HTX tại các tỉnh thành phố phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, từ đó nâng cao vai trò của mô hình KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next