Tạo ‘mắt xích’ logistics để liên kết chuỗi giá trị của HTX

  • 28/05/2021
  • 11:33

Trong nông nghiệp, logistics chính là một trong những mắt xích giúp nông dân, HTX hoàn thiện chuỗi giá trị bền vững. Tuy nhiên, chuỗi giá trị của không ít HTX đang bị đứt đoạn bởi yếu về logistics.

Khi các vựa mãng cầu ở xã Thuận Hòa (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) vào mùa thu hoạch, nhiều hộ nông dân là thành viên HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa đã mạnh dạn kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thông qua mạng internet để mở rộng đầu ra. Thế nhưng, bất cập trong công tác bảo quản, vận chuyển hàng hóa đã cản bước vươn xa của đặc sản này.

Chưa “chắp cánh” cho nông sản

Giám đốc Trần Phú Quốc cho biết, chỉ 30% sản phẩm của HTX liên kết tiêu thụ với siêu thị thì được hỗ trợ xe vận chuyển chuyên dụng tại vườn. HTX phải tự vận chuyển 70% còn lại ra chợ truyền thống hoặc gửi xe khách, tàu đến các địa phương với chi phí rất cao.

“Có lần tôi gửi 65kg mãng cầu ra Hà Tĩnh bằng xe khách, nhà xe  lấy tới 300 nghìn đồng tiền cước phí.  Đắt nhưng với một số tỉnh xa hoặc đến đợt cao điểm nghỉ lễ thì nhiều khi không thể gửi hàng”, ông Quốc chia sẻ.

Không chỉ chi phí cao, mà vận chuyển bằng phương thức này còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm vì không được bảo quản đúng quy trình.

Theo các chuyên gia, tình trạng mà HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa đang gặp phải là do tốc độ phát triển của diện tích và sản lượng quá nhanh, trong khi dịch vụ logistics phát triển chậm, ít được đầu tư nên cản trở việc tiêu thụ cũng như  mở rộng đầu ra cho nông sản.

mang-cau-9111-1622020116.jpg

Để mở rộng đầu ra cho trái mãng cầu xiêm, phát triển hệ thống logistics là điều kiện quan trọng.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, đến năm 2020, cả nước có 69 trung tâm logistics nhưng chỉ tập trung ở 10 tỉnh, thành: Hà Nội (2), Hải Phòng (2), Bắc Ninh (10), Thái Nguyên (5), Quảng Ninh (2), Lào Cai (23), Hưng Yên (10), Đà Nẵng (2), TP Hồ Chí Minh (2), Bình Dương (11). Đa số các trung tâm logistics này phân bố rải rác ở các tỉnh, thành và chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp trong các khu vực công nghiệp, chưa chú trọng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.

GS. VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho biết, hiện đã có doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực logistics phục vụ ngành nông nghiệp, nhưng đa phần là các doanh nghiệp, HTX có số vốn từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng, thậm chí dưới 500 triệu đồng. Các doanh nghiệp, HTX có quy mô vốn từ 50 tỷ đồng trở lên còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 4,68% tổng số HTX, doanh nghiệp đang đầu tư cho ngành logistics nông nghiệp.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến nông sản của người dân, HTX sản xuất ra dù có bảo đảm theo quy trình VietGAP hay hữu cơ cũng khó tiếp cận với khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều HTX phải vận chuyển thủ công để tránh tình trạng phải “giải cứu”.

Theo các chuyên gia, nông sản sau thu hoạch sẽ bị tổn thất từ 5-20% tùy từng loại nếu không được bảo quản, vận chuyển, lưu trữ đúng cách. Tổn thất này chính người dân, HTX phải gánh chịu hoặc buộc phải tăng giá để bù chi. Bởi dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ nông dân, HTX giảm tổn thất trong nông nghiệp thông qua Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2013 nhưng theo báo cáo của các địa phương, người dân, HTX vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

Liên kết để xây dựng chuỗi lạnh

Việt Nam là nước nông nghiệp với 70% dân số làm việc và sinh sống trong lĩnh vực này. Ngoài ra, trên cả nước còn có 17.000 HTX nông nghiệp, là nền tảng xây dựng chuỗi giá trị. Chính vì vậy, phát triển ngành logistics có ý nghĩa rất quan trọng, giúp ngành nông nghiệp phát triển một cách chuyên nghiệp hơn.

Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các HTX đủ năng lực đầu tư xe, kho lạnh một cách chuyên nghiệp, các HTX còn lại nên hợp tác với những đơn vị logistics hoặc doanh nghiệp bao tiêu lớn thay vì đầu tư cho mảng logistics nhưng không đồng bộ.

GS. VS Trần Đình Long phân tích: Logistics là phải bảo đảm từ ngay khi vận chuyển ở ruộng về khu sơ chế, phải có kho lạnh bảo quản và thực hiện vận chuyển lạnh, lưu trữ lạnh (chuỗi lạnh). Nếu HTX chỉ đầu tư được một, hai khâu trong quá trình này thì chất lượng và giá trị nông sản vẫn không được đảm bảo, nhất là với nông sản phục vụ xuất khẩu.

xe-bao-quan-4793-1622020116.jpg

Xe bảo quản lạnh giúp bảo đảm chất lượng vải thiều ở Bắc Giang trong quá trình tiêu thụ.

Bên cạnh đó, do đặc điểm của nông sản là thời gian lưu trữ thường ngắn, khó bảo quản nên dịch vụ logistics cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, đầu tư hạ tầng kho, bãi tốn kém hơn nhiều loại hàng hóa khác. Nếu HTX tự đầu tư cho chuỗi lạnh cần tìm hiểu rõ về đặc tính của từng loại nông sản để có phương thức đầu tư hợp lý nhằm gia tăng giá trị.

“Ví như đầu tư xe lạnh vận chuyển rau củ quả sẽ khác với xe vận chuyển gia súc đến nơi mổ thịt; xe vận chuyển gia súc đến nơi mổ thịt phải khác với xe vận chuyển thịt đã qua chế biến”, ông Long nói.

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng, hiện nay chưa có thể chế rõ ràng cho logistics ngành nông nghiệp và thực phẩm.

Vì vậy, để mở rộng đầu ra cho nông sản, rất cần các Bộ ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT hay Bộ Công Thương có những chiến lược rõ ràng, bởi ngay trong Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2030 mới chỉ là định hướng, chưa quy định rõ hay cụ thể địa điểm, vị trí… Trong khi để xây dựng được các trung tâm logistics thì yêu cầu về quỹ đất lớn, có vị trí thuận tiện giao thông, việc thu hút đầu tư phải do các địa phương tự tiến hành nên gây nhiều khó khăn cho các địa phương khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện.

PGS.TS. Đào Thế Anh cũng lưu ý, bên cạnh sự đầu tư đồng bộ, logistics cần phát triển hơn nữa để trở thành các dịch vụ chuyên nghiệp. Hiện đã có một số doanh nghiệp, HTX có hợp đồng xuất khẩu nước ngoài và tự đầu tư kho lạnh. Tuy nhiên, việc tự đầu tư sẽ không hiệu quả vì nếu không quay vòng chu trình sản xuất thì doanh nghiệp, HTX không đủ các mặt hàng để vận chuyển suốt cả năm mà chỉ hoạt động được vài tháng trong mùa vụ, sẽ có nguy cơ lỗ cao.

“Vì vậy, bên cạnh việc Nhà nước cần có những cơ chế nhằm phát triển logistics phục vụ cho ngành nông nghiệp – thực phẩm thì việc liên kết với doanh nghiệp chuyên nghiệp về lĩnh vực logistics cũng là cách giúp HTX giảm chi phí đầu tư ban đầu nhưng vẫn bảo đảm mối liên kết trong chuỗi giá trị bền vững”, PGS.TS. Đào Thế Anh chia sẻ.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next