Phát triển HTX kiểu mới: Đòn bẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

  • 12/03/2021
  • 07:40

Phát triển HTX kiểu mới không chỉ giúp người nông dân giải quyết những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, mà còn là lực đẩy để phát triển ngành nông nghiệp cũng như mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp.

ASC-6681-1613723252.jpg

Tham gia HTX, thành viên HTX Hòa Đê được tạo điều kiện phát triển nuôi tôm ASC theo chuỗi giá trị bền vững.

Có thể thấy, từ khi có Luật HTX 2012, vai trò của HTX kiểu mới đã được khẳng định. Mục tiêu của HTX kiểu mới là hoạt động vì lợi ích của các thành viên và lợi ích này được phân phối đến các thành viên theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, theo công sức đóng góp và phần còn lại chia theo vốn góp. Điều này tạo được sự công bằng, giúp HTX dễ dàng xác định được mục tiêu hoạt động, từ đó thu hút được thành viên.

Phát huy sức mạnh mô hình HTX kiểu mới

Đến nay, các HTX kiểu mới ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế hộ với cá thể là thành viên HTX. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 119.248 tổ hợp tác (THT), 26.112 HTX và 100 liên hiệp HTX. Số HTX hoạt động hiệu quả (đạt loại tốt và khá) khoảng 65%. Có 1.292 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (chiếm 8% tổng số HTX nông nghiệp), 3.219 HTX thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp (chiếm 25% tổng HTX).

Quy mô vốn hoạt động và tổng tài sản của các HTX kiểu mới cũng tăng nhanh qua các năm. Tính đến tháng 12/2020, doanh thu bình quân của 1 HTX đạt khoảng 4.387 triệu đồng, tăng khoảng 116% so với năm 2011. Còn đối với liên hiệp HTX, doanh thu bình quân năm 2020 đạt 13.181 triệu đồng, tăng 26 lần so với thời điểm năm 2011. Lãi bình quân của 1 liên hiệp HTX tăng gấp nhiều lần, từ 21,67 triệu đồng năm 2011 lên 430 triệu đồng năm 2020.

Không chỉ tăng hiệu quả hoạt động, các HTX còn là nơi tạo việc làm thường xuyên cho lực lượng lớn lao động nông thôn. Tính đến tháng 12/2020, tổng số thành viên trong HTX là 6,1 triệu người, số lao động thường xuyên làm trong HTX là 1,133 triệu người. Điều này cho thấy, các HTX không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước mà còn tạo việc làm, giảm chi phí đầu vào, mở rộng đầu ra, từ đó giúp cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo,…

Đặc biệt, có những HTX đã phát huy vai trò của mô hình HTX kiểu mới khi xây dựng được chuỗi giá trị bền vững. Tiêu biểu như HTX nông ngư Hòa Đê (Sóc Trăng) đã tham gia liên kết chuỗi với CTCP tôm Miền Nam sản xuất chuỗi tôm xuất khẩu theo tiêu chuẩn ASC.

Để phát triển chuỗi bền vững, HTX liên kết với các cung ty cung ứng vật tư đầu vào cho 100% thành viên theo hình thức trả chậm. So với giá thị trường, giá mua vật tư do HTX cung cấp giảm 10-15%.

Trong quá trình sản xuất, HTX cũng trực tiếp giám sát việc thực hành của các hộ thông qua việc ghi chép sổ sách cụ thể. Nếu không có HTX, việc triển khai thực hiện, quản lý, giám sát quy trình nuôi tôm sạch sẽ rất khó khăn. Toàn bộ sản lượng tôm khoảng 150 tấn/năm đạt tiêu chuẩn ASC của các thành viên đều được CTCP tôm Miền Nam thu mua với giá cao hơn thị trường 3-5%.

Lực đẩy phát triển

Có thể thấy, trong thời gian qua, HTX kiểu mới đã thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế hộ cá thể là thành viên thông qua những hỗ trợ quan trọng như tạo việc làm, cải thiện thu nhập, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết để mở rộng đầu ra từ cung cấp sản phẩm cho đến chế biến… Đã xuất hiện các HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng và có doanh thu cao như HTX Evergrowth (Sóc Trăng), HTX Hàm Minh (Bình Thuận), HTX Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh)…

Có những HTX tuy gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng cũng nhanh chóng đưa ra giải pháp khôi phục sản xuất. Điển hình như HTX Ca cao Suối Cát (Đồng Nai). Hiện, HTX tự ủ hạt ca cao, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để có đầu ra ổn định. Sắp tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích cây ca cao, sản xuất kết hợp phát triển du lịch để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích đất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực HTX, đặc biệt là việc phát triển các HTX kiểu mới chưa tương xứng với tiềm năng. Thực tế, năng lực nội tại của các HTX vẫn chưa đủ lớn. Cụ thể như một số HTX vẫn chưa có trụ sở làm việc kiên cố, thiếu nhân lực có trình độ… Một số HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị nhưng chưa bền vững nên lợi ích trực tiếp của HTX mang lại cho các thành viên chưa nhiều, chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón…

Có những HTX tuy chuyển đổi theo Luật HTX 2012 nhưng vẫn còn hoạt động rời rạc, ít liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác để tạo thành các liên hiệp HTX lớn mạnh hoặc các chuỗi khép kín.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, các liên hiệp HTX mới chỉ phát triển ở Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long nên chưa phát huy hết sức mạnh, vai trò của mô hình HTX kiểu mới trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là tạo ra những chuỗi giá trị đủ lớn phục vụ xuất khẩu chính ngạch.Nhìn chung, hiệu quả kinh tế của các HTX chưa cao. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đóng góp của HTX vào tăng trưởng GDP còn ở mức hạn chế.

Một trong những nguyên nhân, theo các chuyên gia, là do chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Cùng với đó là việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi giúp cho người dân tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế – xã hội do HTX mang lại.

Chính vì vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, mục tiêu đến 2025 lựa chọn được tối thiểu 300 HTX/liên hiệp HTX tham gia, hoạt động theo 12 mô hình của Đề án; 100% HTX thí điểm hoạt động hiệu quả cao, được đánh giá xếp loại Tốt, đạt từ 80 điểm trở lên theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/1/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và đánh giá HTX; xây dựng Phương án nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên phạm vi cả nước trong 5 năm tiếp theo (giai đoạn 2026-2030).

Hy vọng rằng, đây sẽ là lực đẩy để các địa phương phát triển các HTX kiểu mới, từ đó đưa kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững, đóng góp chính vào sự phát triển của ngành nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới.

Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới là hướng đi đúng đắn, đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu sự thiệt hại do đứt gãy chuỗi cung ứng khi thị trường biến đổi hay dịch bệnh như Covid-19 diễn ra.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next