Nghịch lý ‘ế đồng, đắt chợ’ của nông sản Việt

  • 28/09/2021
  • 14:29

Trong khi các địa phương “đứng ngồi không yên” vì chưa biết tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản thế nào trong vài tháng tới, thì doanh nghiệp, nhà mua hàng lại rất “sốt ruột” khi nhà máy chế biến dư thừa công suất, không dám ký thêm hợp đồng mới vì không thu mua được nguyên liệu nông sản. Nghịch lý “ế đồng, đắt chợ” này đang cản đà phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 25/9, nhiều địa phương cho biết đang gặp phải tình trạng tắc nghẽn đầu ra của một số loại rau quả chủ lực do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19.

Nỗi lo về đầu ra 

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, từ nay đến cuối năm, một số mặt hàng nông sản cần kết nối như cà phê là 525.000 tấn; rau quả 1,1 triệu tấn; bơ 12.000 tấn; sầu riêng 20.000 tấn. Lâm Đồng đã tích cực kết nối, song sắp tới thời kỳ thu hoạch cao điểm, rất mong được sự hỗ trợ từ phía ngành chức năng.

vung-nguyen-lieu-nong-san-4595-163254627

Nhu cầu chanh leo của thị trường thế giới rất lớn, trong khi Việt Nam đang thiếu nguyên liệu để chế biến. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho hay trong thời gian ngắn tới, những sản phẩm chủ lực của địa phương này như cà phê, cá nước ngọt sẽ đến mùa thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên công tác vận chuyển gặp khó khăn, dẫn đến nguy cơ tồn đọng và khó tiêu thụ.

Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị: Bộ NN&PTNT cũng như các doanh nghiệp quan tâm đến khâu tiêu thụ, đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị, cơ sở chế biến những sản phẩm chủ lực giá trị cao ở tỉnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ công tác vận chuyển, hỗ trợ thông tin nhu cầu tiêu dùng để tỉnh có thể chủ động chỉ đạo sản xuất.

Ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: Sản lượng cà phê của tỉnh Gia Lai khoảng 250.000 tấn, hồ tiêu 50.000 tấn, cao su 120.000 tấn. Còn trái cây thì có 18.000 ha (chủ yếu là bơ, sầu riêng, chanh leo, mít, chuối, xoài…) và 34.000 ha rau các loại. Đặc biệt, Gia Lai là tỉnh có tổng đàn gia súc lớn với trên 1 triệu con trâu, bò, lợn. Nông dân đã chuyển hướng sang sản xuất tập trung theo công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, toàn tỉnh Gia Lai có 149 sản phẩm OCOP.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số mặt hàng nông sản có dấu hiệu tồn đọng. Do đó, ông Hồ Phước Thành mong các đơn vị sẽ kết nối để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân tỉnh Gia Lai.

Đặc biệt, trong 3 tháng tới là vụ thu hoạch một số loại trái cây và rau, củ quả ở tỉnh Gia Lai. Diện tích sầu riêng, bơ, mít, nhãn… chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch, đặc biệt là 6.000ha rau cho thu hoạch thường xuyên. Ngoài ra còn có khoảng 1.000ha khoai lang với tổng sản lượng trên 10.000 tấn.

Nông sản cần tiêu thụ với số lượng lớn, trong khi đó nhà thu mua cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu. Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), chia sẻ doanh nghiệp này chuẩn bị đưa nhà máy chế biến chanh leo vào hoạt động ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên lo nhất hiện nay là nguồn chanh leo ở khu vực này không đủ đáp ứng, thậm chí so với công suất của nhà máy thì thiếu trầm trọng.

Hiện nay, lượng chanh leo xuất khẩu ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu thế giới, giá cả cũng rất cao. Theo đó, lãnh đạo Đồng Giao mong muốn các địa phương ở khu vực Tây Nguyên phối hợp với doanh nghiệp để mở rộng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn.

Thiếu nguyên liệu chế biến 

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam – Vinanutrifood, cho hay doanh nghiệp này đang có 500 siêu thị phân phối thực phẩm, nông sản trên cả nước. “Để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, mục tiêu của hệ thống siêu thị là chỉ phân phối nông sản của Việt Nam, với chất lượng tốt nhất”. Song bà Hằng nhắc tới “nỗi đau” – đó là doanh nghiệp muốn hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn về thu mua nguyên liệu.

Bà kể, vừa qua, Vinanutrifood thu mua sản phẩm mỳ chũ ở Bắc Giang, song do sản lượng đạt tiêu chuẩn ít. Trung bình một ngày, chúng tôi cần 10 nghìn thùng mỳ chũ cung cấp cho 500 siêu thị nhưng sản phẩm này đã không đủ hàng, dẫn đến gãy kênh phân phối của doanh nghiệp, có thời điểm không có hàng. “Trong nước còn không đủ cung cấp thì làm sao định hướng để xuất khẩu”, bà Hằng chia sẻ.

Bà Hằng cũng cho biết, vừa qua, doanh nghiệp đã tìm kiếm được nhiều số điện thoại của HTX sản xuất nhưng việc liên lạc rất khó khăn. “Có HTX, chúng tôi gọi 2 ngày mà không bắt máy, nhắn tin không trả lời”. Vì vậy, bà mong muốn cơ quan chức năng của địa phương cần vào cuộc cung cấp thông tin để doanh nghiệp dễ dàng kết nối với các đơn vị sản xuất.

Đồng thời, các địa phương cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến. “Chúng tôi định hướng sẽ mở rộng hệ thống, do vậy rất mong nhận được sự hỗ trợ của bộ ngành, địa phương trong việc cung ứng sản phẩm”, bà Hằng cho biết.

Cùng với đó, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, cho hay doanh nghiệp này cũng gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu. Nhấn mạnh tới điều này để thấy câu chuyện, nếu như các tỉnh lo lắng đầu ra sản phẩm, thì doanh nghiệp lại rất lo lắng đầu vào.

Trong một năm trở lại đây, Công ty Chánh Thu từ việc chỉ có thị trường Trung Quốc, đã mang quả sầu riêng của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật, Úc… Tín hiệu mang lại rất khả quan khi người tiêu dùng các nước đã thay đổi sự ưa chuộng sầu riêng Musang King của Malaysia sang sầu riêng Ri6 của Việt Nam.

“Chúng tôi xác định quả sầu riêng sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới nên đã đầu tư nhà máy công suất lớn với 300 – 500 tấn/ngày. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào. Hy vọng trong mùa vụ tới, tỉnh Đắk Lắk có thể cung cấp được cho Chánh Thu 3.000 tấn sầu riêng, qua đó xây dựng được tư duy về nguồn cung ổn định”, bà Ngô Tường Vy mong muốn.

Ngoài ra, đại diện Công ty Chánh Thu cho biết sẽ đồng hành cùng các HTX trong tư vấn kỹ thuật, chịu trách nhiệm về vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết, tạo nguồn cung ổn định để thúc đẩy xuất khẩu.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng vấn đề vùng nguyên liệu rất quan trọng và cần được quan tâm nhiều hơn. “Các địa phương và Sở NN&PTNT các tỉnh cần rà soát lại các vùng nguyên liệu để xây dựng những chuỗi mô hình liên kết gắn với hoạt động của HTX, qua đó đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, lãnh đạo ngành NN&PTNT cũng cho rằng cần có chiến lược đầu tư dài hạn về vùng nguyên liệu, bắt đầu từ khâu giống cây trồng cho tới chế biến để nâng cao giá trị.

Lê Thúy

https://vnbusiness.vn/viet-nam/nghich-ly-e-dong-dat-cho-cua-nong-san-viet-1081364.html

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next