Nâng cao năng lực thích ứng cho HTX trước dịch bệnh

  • 18/06/2021
  • 09:17

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế HTX. Để vượt qua khó khăn thách thức, các HTX đã chủ động tìm kiếm giải pháp, liên kết với nhau để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các giải pháp chỉ mang tính chất thích nghi tạm thời, chưa đột phá bền vững, nên rất cần sự hỗ trợ, định hướng của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các loại hình HTX, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ tư. Trong đó, HTX thuộc lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là HTX trong lĩnh vực vận tải. HTX nông nghiệp ít thiệt hại hơn so với các lĩnh vực khác, bởi đó là sản phẩm thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đảm bảo tiêu thụ hàng hóa

Tuy nhiên, để chủ động hỗ trợ cho các HTX tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch, khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của tất cả HTX nông nghiệp để chủ động tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ, giới thiệu doanh nghiệp tới ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho HTX.

HTX chuối Viba, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn là đơn vị chuyên trồng chuối và từng bước khẳng định được thương hiệu tại thị trường nội địa, đặc biệt là tại chuỗi siêu thị ở Hà Nội, nhà phân phối hoa quả sạch, bếp ăn công nghiệp…

Nhằm chủ động tạo vùng nguyên liệu đảm bảo và chất lượng, anh Trần Trung Đức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chuối Viba đã liên kết với một số hộ gia đình có đủ điều kiện phát triển mô hình trồng chuối.

dt-2272020933-img-0008-2611-1623747262.j

Sản phẩm chuối của HTX chuối Viba ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận OCOP 3 sao.

Theo đó, HTX sẽ hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, các hộ gia đình phải tuân thủ theo quy trình sản xuất để có năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo. Nhờ thế, vùng nguyên liệu đã được mở rộng trên 10 ha tại huyện Lương Sơn và Chương Mỹ, Phú Xuyên (Hà Nội).

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất và chất lượng là hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm của HTX được thu mua về xưởng để chế biến theo quy trình kỹ thuật đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Hệ thống 3 phòng dấm chuối được mua bản quyền từ Mỹ với công suất tối đa 5 tấn/ngày. Trong khâu bốc xếp hàng hóa, HTX áp dụng cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí nhân công.

Đặc biệt, từ khi sản phẩm chuối Viba được công nhận xếp hạng OCOP 3 sao của huyện Lương Sơn năm 2019, đã có nhiều khách hàng tìm đến đàm phán ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài với HTX.

“Hiện, chúng tôi có hơn 1.000 đối tác trên toàn quốc, trong đó có một số siêu thị lớn như Vinmart, BigC… Chuối Viba còn trở thành món ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Tổng diện tích trồng chuối của HTX hiện là 25 ha, có 9,5 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Những tháng đầu năm nay, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra ra tại một số địa phương, nhưng chúng tôi vẫn tiêu thụ hơn 400 tấn chuối, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng”, anh Đức nói.

Cũng nhờ Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình triển khai chính sách hỗ trợ, giới thiệu HTX ký hợp đồng cung cấp bí xanh cho bếp ăn tại Hà Nội nên bà con nhân dân xã Độc Lập và xã Đú Sáng (Kim Bôi) không bị rơi vào cảnh phải đổ bỏ trái bí.

Theo đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập (TP Hòa Bình) là đơn vị đầu mối trong việc đứng ra thu mua bí của người dân với giá khoảng 2.000 – 2.500 đồng/kg, sau đó cung cấp cho doanh nghiệp đã ký hợp đồng.

IMG-0164-JPG-3236-1623747262.jpg

Sản phẩm bí xanh của người dân xã Độc Lập và Đú Sáng, tỉnh Hòa Bình được tiêu thụ ổn định nhờ chính sách bao tiêu sản phẩm của HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập.

Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ, giới thiệu của Liên minh HTX mà mấy trăm tấn bí của người dân là thành viên liên kết của HTX được tiêu thụ.

“Đến cuối tháng 5, sản lượng bí xanh của người dân 2 xã Độc Lập, Đú Sáng cơ bản được tiêu thụ hết, người dân yên tâm sản xuất và tin tưởng vào việc ký kết bao tiêu của HTX, nhất là chính sách hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình”, anh Kiên nói.

Nhân rộng HTX có quy mô

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các HTX nông nghiệp trên địa bàn Hòa Bình không bị ảnh hưởng lớn như các tỉnh thực hiện giãn cách, phong tỏa.

Đến thời điểm hiện tại, nông sản vụ xuân của địa phương cơ bản tiêu thụ hết. Những HTX nông nghiệp đã ký được hợp đồng cung cấp cho các siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ ổn định như: Sản phẩm rau hữu cơ, chuối Viba, thịt dê của huyện Lương Sơn; nấm, gà của huyện Lạc Thủy…

Trong năm 2021, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình dự kiến tổ chức 6 hoạt động đưa sản phẩm của những HTX có tiềm năng tiếp cận với một số doanh nghiệp chế biến; mời doanh nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đến thăm quan HTX để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào HTX; tổ chức 10 hội thảo chuyên đề gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cũng dự kiến mở một số điểm bán hàng tại các khu dân cư; đẩy mạnh bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo… hướng tới giao hàng tận tay cho người tiêu dùng.

Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho biết, nhằm khắc phục câu chuyện “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản” cần xây dựng kế hoạch lâu dài, mang tính chiến lược để nâng cao năng lực thích ứng với dịch bệnh và biến đổi khí hậu đối với HTX.

Liên minh HTX tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại HTX; vận động kết nạp thêm hộ có vốn, đất sản xuất trở thành thành viên của HTX, hướng tới sản xuất có quy mô, sản lượng ổn định, đáp ứng được các hợp đồng, đơn hàng lớn.

Vì vậy, theo ông Định, không cần ồ ạt thành lập HTX, mà phải chú trọng thành lập HTX có quy mô, tiềm năng về đất đai, vốn phát triển. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia HTX nhằm khắc phục những khó khăn về năng lực tài chính, khả năng huy động vốn, tiếp cận công nghệ, đa dạng sản phẩm…

Cùng với đó, để các HTX thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; xây dựng và tuyên truyền, phổ biến kịch bản biến đổi khí hậu, thiết lập bản đồ các dạng rủi ro thiên tai có chiến lược, kế hoạch ứng phó dài hạn.

“Song song với đó, các HTX chủ động xây dựng, lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, lựa chọn công nghệ sản xuất mới. Các HTX cần liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, tạo thành chuỗi cung ứng, hình thành vùng sản xuất tập trung; sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt, cần quan tâm phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến để tăng giá trị sản phẩm”, ông Định nhấn mạnh.

Phạm Duy

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next