Mở rộng cánh cửa tiêu thụ nội địa cho sản phẩm của HTX

  • 07/03/2022
  • 09:03

Việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đang là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, HTX trong lúc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự phối kết hợp hài hòa giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân.

Mới đây, việc một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như WinCommerce, Lotte… kết nối với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất của một số tỉnh thành trong việc tiêu thụ các loại nông sản, sản phẩm đặc trưng đã tiếp tục cho thấy nhu cầu của các đơn vị này là không hề nhỏ và thị trường trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng, từ đó thúc đẩy những giá trị bền vững cho người nông dân, HTX.

Còn vướng ở tư duy

Tuy nhiên, theo đại diện của các doanh nghiệp, việc liên kết với người dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hướng đến ký kết thỏa thuận lâu dài không phải là kết quả trong một sớm một chiều.

Ông Trần Văn Hiếu, CEO Công ty DACE, cho biết để có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và ký kết hợp đồng với 4.000 hộ dân thông qua HTX, doanh nghiệp này phải mất gần 4 năm để cầm tay chỉ việc cho người dân, thậm chí cán bộ kỹ sư phải sống cùng người dân để họ thay đổi tập quán, áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn của thị trường.

“Vùng nguyên liệu không thuộc sở hữu của doanh nghiệp mà là của người dân, nên doanh nghiệp chỉ đóng vai trò đứng ngoài động viên hỗ trợ, hướng dẫn”, ông Hiếu chia sẻ.

thanh-long-vov-2-wbwz-4829-1646593188.jp

Thanh long mất giá, khó tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc đang làm khó cho các HTX, người dân.

Trong khi đó, đại diện HTX trồng cây Bình An (Sơn La) – hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây ăn quả cho biết sản phẩm của HTX có chất lượng tốt, nên đã có những doanh nghiệp tại Hà Nội tìm đến đặt vấn đề ký kết hợp đồng thu mua với số lượng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành viên đồng ý ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp vẫn có những hộ không đồng ý với lý do giá cả phía doanh nghiệp đưa ra thấp hơn giá bà con mang đi tiêu thụ ngoài thị trường.

Ông Vì Văn Bình, Giám đốc HTX chia sẻ, nhiều hộ mới chỉ nhìn thấy cái khó khăn trước mắt mà chưa nghĩ đến hiệu quả lâu dài bởi giá bán cho doanh nghiệp tuy thấp so với bán lẻ ngoài thị trường nhưng cuối cùng lại thành cao. Ví dụ, doanh nghiệp thu mua đồng loạt với giá 12.000 đồng/kg cam, còn bà con tự mang đi bán, thời điểm đầu thu hoạch thì được 15.000 đồng/kg, sau đó giảm dần và có lúc giảm xuống còn 5.000-6.000 đồng/kg cũng không bán hết. Bên cạnh đó, bà con sau khi thu hoạch còn phải đi khắp nơi để bán dẫn đến mất thêm nhiều thời gian, công sức, không bảo quản, vận chuyển quả theo quy trình nên mã nhanh bị xuống, ảnh hưởng đến chất lượng.

“Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chọn cách bán lẻ sản phẩm, từ đó HTX khó ký hợp đồng với phía doanh nghiệp”, ông Bình nói.

Có thể thấy, tình trạng trên không hiếm ở các HTX hiện nay. Mặc dù cùng sản xuất trong một HTX, nhưng khi đến mùa thu hoạch, mỗi thành viên tự tiêu thụ riêng lẻ, từ đó khó tránh được tình trạng giải cứu hay được mùa mất giá. Và điều này cũng trái với những quy định trong Luật HTX 2012 là thành viên được HTX cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ , còn HTX cũng sẽ thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa HTX với thành viên để bảo đảm sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, vẫn có HTX và thành viên không thực hiện sản xuất kinh doanh theo hợp đồng dịch vụ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch) hiện nay người dân, thành viên quen sản xuất theo lối mòn, còn lãnh đạo một số HTX chưa xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên sản xuất mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu hay ký hợp đồng bao tiêu nông sản.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc liên kết, tiêu thụ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp chưa đạt như mong đợi. Nguyên nhân là do bà con nông dân chưa sẵn sàng hợp tác và đa số HTX có quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế. Nhiều HTX chưa chủ động trong việc kêu gọi doanh nghiệp, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ vì ngại các thủ tục giấy tờ hoặc chính sách đầu tư của một số doanh nghiệp chưa phù hợp…

Cần sự chủ động

Hiện nay, các tỉnh miền Trung và Nam bộ đang vào vụ thu hoạch một số loại cây ăn quả. Tuy nhiên tình trạng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chưa có tín hiệu khả quan khiến một số loại nông sản đang bị ùn ứ, mất giá. Cụ thể là thanh long ở Bình Thuận hiện chỉ có 500-1.000 đồng/kg, loại đẹp nhất, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng chỉ có 1.500 đồng/kg.

Chính vì vậy, ngoài đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, việc tăng cường chế biến và tiêu thụ trong nước là việc nên làm. Thống kê của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, cả nước có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và 2.000 cửa hàng tiện lợi, trên 8.000 chợ đầu mối. Nếu đẩy mạnh tiêu thụ được trong các hệ thống cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối thì sẽ giúp người dân, HTX giảm được phần nào khó khăn về đầu ra, đồng thời hạn chế được chi phí vận chuyển, bảo quản…

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hiếu, để làm được điều này không hề đơn giản, bởi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều có những quy định khắt khe khi nhập hàng nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, HTX phải sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng rõ ràng với thành viên để đảm bảo tính công khai minh bạch, có đầy đủ dữ liệu thông tin về hàng hóa trước khi đưa ra thị trường. Hợp đồng giữa HTX và thành viên cũng bảo đảm các hộ không bị ép cấp, ép giá, không bị thua thiệt trong sản xuất và cũng là cơ sở để doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu.

“Dù là doanh nghiệp nội thì họ cũng không thích các HTX nói quá về sản phẩm của mình mà không có căn cứ khoa học. Chính vì vậy, với từng đối tượng doanh nghiệp, HTX cũng cần học cách tiếp cận phù hợp để có thể đàm phán thành công”, ông Hiếu nói.

Đặc biệt hiện nay, tình trạng sản xuất tràn lan, chưa có quy hoạch rõ ràng cũng là nguyên nhân khiến vấn đề đầu ra cho nông sản luôn bấp bênh. Mỗi hộ dân, HTX khi sản xuất bất kỳ một loại hàng hóa nào cần phải biết ngay từ đầu là sản xuất bán cho ai, với giá nào, bán ở đâu và ở thời điểm nào là hiệu quả nhất.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, nếu chưa đủ năng lực hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin dự báo thị trường, vùng sản xuất, người dân, thành viên HTX có thể tiếp cận bản đồ chỉ dẫn địa lý. Tại đây có ghi rõ các loại cây trồng đặc trưng của địa phương, cho chất lượng tốt như thế nào.

“Các thành viên có thể nhìn vào đây để phát triển vùng nguyên liệu thay vì cứ trồng bừa bãi thì không cho năng suất, chất lượng cao, lại không được doanh nghiệp quan tâm. Nếu doanh nghiệp quan tâm, họ đều thực hiện truy xuất nguồn gốc đến từng tỉnh, từng vùng vì mỗi địa phương lại có điều kiện khí hậu khác nhau nên có chất lượng sản phẩm khác nhau”, bà Liên phân tích.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next