Khởi đầu hành trình hóa giải ‘lời nguyền’ cho ngành nông nghiệp

  • 21/02/2022
  • 07:58

Lâu nay, ngành nông nghiệp vẫn bị một “lời nguyền” là phát triển manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến hàng loạt những hệ lụy xảy ra như mất giá, thị trường bấp bênh. Vì vậy, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ giải quyết từng bước những điểm nghẽn trên, bắt đầu từ câu chuyện tổ chức lại sản xuất.

Tại Họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững sáng ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ kỳ vọng Chiến lược sẽ được lan tỏa rộng rãi, từ đó định vị lại đúng vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam.

Tại sao điều kiện tương đồng, nông nghiệp Israel lại phát triển hơn?

Chiến lược ra đời trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Bà Hồng Shurany, Việt kiều Israel kể, bà đã đưa các chuyên gia người Israel về Việt Nam. Họ có nói rằng Việt Nam là đất nước phải phát triển nông nghiệp, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa phát triển.

Cũng theo bà Hồng Shurany, 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nông sản Việt Nam đã phải đổ bỏ rất nhiều. Thế nhưng, nông sản, trái cây của Israel lại có giá hơn, xuất khẩu ra thế giới nhiều hơn. Trong khi điều kiện để phát triển nông nghiệp của Israel và Việt Nam có nhiều nét tương đồng.

ong-Hoan-5679-1645083687.png

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tâm tư về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. 

Rõ ràng câu chuyện trên đang là thực tế mà những người làm nông nghiệp đã nhận ra và rất trăn trở. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, con đường nông sản trong thời gian tới không còn lựa chọn nào khác là đi vào quỹ đạo các nước đi trước đã thành công, kết hợp với đặc thù, lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới.

Nhìn nhận thực tế của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn dẫn ra câu chuyện về sự trồi sụt của giá nông sản trong một tháng vừa qua.

Cụ thể, giá thanh long trước Tết rớt xuống 3.000 đồng/kg, sau đó lại tăng lên 20.000 đồng/kg, giờ lại xuống 3.000 đồng/kg. “Chúng ta thấy rằng biến động thị trường nhanh đến mức chỉ trong 1 tháng, việc tắc nghẽn thị trường đã khiến giá cả lên xuống như vậy. Nguyên nhân sâu xa là do chúng ta không dẫn dắt được chuỗi ngành hàng, không có cơ sở tạm trữ, chế biến, đóng gói, cuối cùng rủi ro là người nông dân phải đối mặt”, Tư lệnh ngành nông nghiệp nêu thực tế.

Đẩy mạnh tư duy hợp tác

Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 – 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 – 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 – 6%/năm…

Đáng chú ý, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nông nghiệp đang bị một “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Từ đó kéo theo hàng loạt câu chuyện được mùa mất giá, thị trường bấp bênh. Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững sẽ phải giải quyết thực trạng này. Muốn vượt qua “lời nguyền” thì Chiến lược phải tổ chức lại sản xuất, điều này mới quyết định câu chuyện phát triển nông nghiệp.

“Không thể 10 triệu hộ nông dân sản xuất trên 10 triệu miếng đất, chúng ta không thể dự báo được thị trường, dù có công nghệ số đi chăng nữa. Và câu hỏi được mùa mất giá không bao giờ giải quyết được”, ông Hoan nói.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng bày tỏ mong muốn về việc tập huấn cho nông dân kỹ năng bán hàng, thay vì chỉ dạy cho nông dân kỹ năng sản xuất, “Bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có”.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng sẽ triển khai chương trình quốc gia về HTX nông nghiệp, đẩy mạnh tư duy hợp tác của người nông dân, xóa bỏ tư tưởng mạnh ai nấy làm, sản xuất manh mún.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”…

Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Theo đó, tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hiệp hội, hội…

Lien-ket-san-xuat-3154-1645083687.jpg

Bộ NN&PTNT kỳ vọng người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, liên kết với nhau để hình thành các tổ hợp tác, HTX. 

Bộ NN&PTNT cho rằng để hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, trước hết phải thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân; đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó là cơ chế chính sách phù hợp, “đột phá”.

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, các chính sách về sử dụng đất đai sẽ cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Về tín dụng, phát triển tín dụng chính thức cho hộ doanh nghiệp, HTX; tín dụng theo chuỗi.

Đồng thời, hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa. Điển hình như việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản, lâm nghiệp. Hạ tầng thương mại như: xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics: cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác. Phát triển hệ sinh thái ngành hàng; trong đó doanh nghiệp đầu tàu đảm bảo vai trò hạt nhân; phát triển HTX với chuỗi giá trị; đồng thời đổi mới, nâng cao vai trò của hội, hiệp hội…

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh, trong giai đoạn mới nếu muốn nâng cao quy mô sản xuất, nâng cao vị thế của người nông dân, hiệu quả thì bắt buộc phải hợp tác. Với nông dân thì kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, các câu lạc bộ… là mô hình tốt đã được khẳng định thì cần thúc đẩy phát triển hơn. Việc phát triển theo chuỗi liên kết không chỉ với ngành hàng chủ lực mà kể cả ngành hàng nhỏ có lợi thế của địa phương để chuyển theo hướng từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Nhật Linh

https://vnbusiness.vn/viet-nam/khoi-dau-hanh-trinh-hoa-giai-loi-nguyen-cho-nganh-nong-nghiep-1083728.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next