HTX cùng người dân vượt qua dịch Covid-19

  • 01/07/2021
  • 09:25

Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, nhiều HTX đã phải ngắt quãng và đình trệ sản xuất, nhất là các HTX hoạt động theo chuỗi giá trị. Trong bối cảnh đó, không ít HTX đã chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, vượt qua khó khăn. Qua đó, tăng doanh thu, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động.

Chính vậy vậy, Ngày HTX Quốc tế năm nay, Liên minh HTX Việt Nam tự hào khẳng định bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, HTX. Hưởng ứng lời kêu gọi “Cùng nhau xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn” bằng việc tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng các HTX ngay trong lúc dịch Covid-19 đang diễn ra, cũng như trong mọi hoàn cảnh, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của HTX.

logocoopsday-jpeg-1625099088-9195-162509

Tự cứu mình

Báo cáo nghiên cứu “Tác động và ứng phó đại dịch Covid-19 – Thực trạng tiếp cận chính sách của khu vực hợp tác xã Việt Nam” cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến 82,2% số HTX bị giảm doanh thu, trong đó, 42,5% số HTX giảm hơn một nửa doanh thu. Lợi nhuận của HTX cũng bị sụt giảm đáng kể.

Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến HTX sản xuất thương mại dịch vụ xây dựng Cổ Dũng (Hải Dương) khi 95% bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ Cổ Dũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do hoạt động giãn cách xã hội và tâm lý từ người tiêu dùng, sợ tập trung đông người khiến hoạt động kinh doanh tại chợ có thời gian bị ngừng toàn bộ.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, HTX đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ thành viên, bà con tiểu thương, người lao động. Ông Nguyễn Khắc Vinh, Giám đốc HTX, cho biết: “Bằng nguồn vốn của HTX, ban giám đốc đã chủ động thực hiện không giảm lương hay tăng giờ làm việc, không can thiệp vào hình thức bán hàng của bà con tiểu thương để bảo đảm đầu ra cho hàng hóa và thu nhập cho mọi người”.

Hay như HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Phúc Lộc (TP. HCM) chuyên cung cấp rau cho các trường học, nhà hàng, cơ quan, khu công nghiệp. Dịch Covid-19 đã khiến doanh thu và lợi nhuận của HTX giảm đáng kể.

Tuy nhiên, năng lực chống chịu của HTX trong đại dịch Covid-19 lại được đánh giá là rất tốt. Bởi khi các trường học, nhà hàng đóng cửa hoàn toàn, HTX khắc phục khó khăn bằng cách tìm nguồn đầu ra khác cho sản phẩm như chung cư, chợ đầu mối… tránh phụ thuộc vào các nhà hàng, trường học, đồng thời chấp nhận giảm lợi nhuận để tìm kiếm khách hàng.

“Do nguồn vốn tích lũy từ những năm trước, HTX vẫn duy trì hoạt động bình thường, không thu hẹp quy mô lao động”, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc HTX Phúc Lộc chia sẻ.

Còn HTX Hương Ngàn (Bắc Kạn) đã phát triển nhiều dòng sản phẩm như tinh dầu sả, tinh dầu quýt… từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Khi dịch Covid-19 diễn ra, HTX nhanh chóng chuyển sang sản xuất nước rửa tay từ nguồn tinh dầu có sẵn và nước cất tinh dầu sả để lau nhà, xông mặt… Bên cạnh đó, HTX cũng thực hiện ứng dụng 4.0 như Zalo, Facebook, áp dụng chính sách trợ giá 30% cho tất cả các đơn hàng và 50% cho các khách hàng là cơ quan, trường học. Chính vì vậy, doanh thu của HTX không bị ảnh hưởng mà còn tăng so với trước đó.

Huong-Ngan-8991-1625029419.jpg

Sản nước rửa tay từ nguồn tinh dầu đã giúp HTX Hương Ngàn chủ động đầu ra ngay trong thời kỳ dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia, dù dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nhưng cũng là cơ hội để các HTX xây dựng lại chu trình sản xuất mới. Lập chiến lược kinh doanh, phân tích lại thế mạnh và thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng nhưng vẫn đảm bảo hàng hóa chất lượng, chi phí thấp, đáp ứng yêu cầu và đảm bảo giá trị đem lại cho thành viên và người dân.

Đặc biệt, ngoài sự hỗ trợ từ Nhà nước, các HTX đã tự cứu chính mình bằng cách thắt chặt chi tiêu để đối mặt với những thách thức, khó khăn. Nhiều HTX đã có những sáng kiến trong cung cấp dịch vụ, từ đó mở ra hướng tháo gỡ khó khăn như cung cấp dịch vụ tại nhà, bán hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội, bán hàng online, liên kết với khách hàng mới…

Có thể thấy, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thành viên, người lao động vượt qua những khủng hoảng từ dịch Covid-19 bằng việc đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết bền vững. Nhờ vậy mà nhìn chung sản xuất, kinh doanh của các HTX, nhất là HTX nông nghiệp vẫn có những biến chuyển tích cực, nhất là tạo được lòng tin cho người dân về mô hình kinh tế hợp tác, HTX.

Minh chứng là trong 5 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng cả nước vẫn thành lập mới 641 HTX, 2 liên hiệp HTX, 1.300 tổ hợp tác (THT). Tính đến cuối tháng 5/2021, tổng số HTX trên cả nước là 25.667 HTX, tăng 1.156 HTX so với cùng kỳ năm 2020 và thu hút 6,8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động.

Nhiều địa phương đã phát huy được vai trò của HTX trong liên kết đầu ra cho nông sản của người dân ngay trong dịch bệnh phức tạp như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. HCM…

Sức mạnh của tập thể

Để thích ứng với dịch bệnh có nhiều cách làm, nhiều phương thức đa dạng, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc xây dựng các cộng đồng người dân trực tiếp sản xuất dựa trên sự phát triển của các tổ chức nông dân như HTX được coi là phù hợp hơn cả.

Trong bối cảnh dịch bệnh luôn biến động bất định, phức tạp và vô hình thì các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh thông qua HTX sẽ có hiệu quả hơn thay vì áp dụng cho từng hộ cá thể.

Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cũng chỉ ra rằng, nhờ sự phát triển của các HTX, kết hợp nguồn vốn xã hội với phương thức quản lý cộng đồng đặc thù là điều kiện quan trọng giúp bảo đảm khả năng chống chịu của công đồng dân cư nông thôn trước những cú sốc mang tính hệ thống cũng như đặc thù, tiêu biểu như tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đang diễn ra.

vai-sang-som-26-1591327064058-3917-16250

Các HTX ở Bắc Giang đã kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước hỗ trợ người dân tiêu thụ vải.

Tiêu biểu như tại Đức, diện tích trung bình của một trang trại rau hoa là 50ha, tuy nhiên diện tích sản xuất tại HTX rau Reichenau chỉ là 20,7ha. Thế nhưng diện tích nhỏ bé và dịch Covid-19 không tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

Ông Christian Muller, Phó Giám đốc HTX rau Reichenau cho biết, bằng việc đầu tư công nghệ cao, chú trọng hoạt động marketing và đặc biệt không tập trung vào một đối tượng khách hàng nên đầu ra của HTX vẫn ổn định, với 41% nông sản được cung cấp vào siêu thị giá rẻ, 29% nông sản được cung cấp vào đại siêu thị, 20% bán cho khách hàng lớn. Ngoài ra, HTX còn cung cấp nông sản cho tiểu thương tại các chợ, bán trực tiếp đến người tiêu dùng, các cửa hàng chuyên bán rau quả…

Thông điệp của Liên minh HTX Quốc tế nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Hợp tác xã Quốc tế (Coops Day) – ngày 3 tháng 7 năm 2021 (thứ 7 đầu tiên của tháng 7 hàng năm) cũng chỉ ra rằng, bản chất của HTX dựa trên các giá trị và nguyên tắc riêng, với tôn chỉ, mục đích vì con người, lấy con người làm trung tâm. Các HTX trên thế giới đã và đang thể hiện rõ vai trò, sức mạnh của tập thể, của cộng đồng gắn kết, tạo ra năng lực chống chịu tốt hơn trong thời kỳ khủng hoảng, cũng như việc tái thiết một cộng đồng với khả năng tự chống chịu tốt hơn và đảm bảo tương lai phát triển bền vững hơn cho tất cả mọi người.

“Không chỉ ở Việt Nam mà hơn 3 triệu HTX trên thế giới đã minh chứng rằng, khu vực HTX có khả năng cùng nhau sản xuất, tiêu thụ, tiết kiệm, giáo dục, phục vụ và cùng tồn tại. Các HTX đồng thời xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phúc lợi của người dân và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững”, ông Bruno Roelants, Tổng giám đốc Liên minh Hợp tác Quốc tế (ICA) cho biết.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next