Hội chợ ảo ‘cứu cánh’ cho hội chợ truyền thống

  • 08/11/2021
  • 11:47

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xúc tiến thương mại của các chủ thể OCOP khi không thể tham gia các hội chợ triển lãm tổ chức trực tiếp. Việc chuyển các sự kiện hội chợ sang hình thức online hóa chính là giải pháp cứu cánh thời công nghệ, nhất là khi tình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Theo thông tin của Cục Xúc tiến thương mại, hàng năm tại Việt Nam có khoảng trên 1.100 hội chợ thương mại quy mô lớn nhỏ khác nhau, trong đó có 400 hội chợ với quy mô cấp tỉnh và thành phố, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại trung ương và địa phương, các công ty kinh doanh dịch vụ hội chợ thương mại.

“Nút thắt” từ hội chợ truyền thống

Hội chợ thương mại là nơi để doanh nghiệp, HTX tiếp cận thị trường, khách hàng, giới thiệu sản phẩm, từ đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX thông qua các hợp đồng với đối tác.

Theo Hiệp hội Hội chợ triển lãm thương mại và hội nghị Việt Nam (VECA), ngành triển lãm thương mại Việt Nam mỗi năm cung cấp 1,3 triệu việc làm. Doanh số hàng năm của ngành này lên đến hàng chục tỷ USD, đó là còn chưa kể đến doanh số từ các nhà cung cấp phụ trợ, dịch vụ cộng thêm như khách sạn, nhà hàng, hàng không… Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần ra mức kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trung bình 10%/năm trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, gần như tất cả kế hoạch tổ chức hội chợ thương mại đều phải dừng lại. Các quy định hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người ở ngoài trời là rào cản lớn nhất đối với các hội chợ thương mại. Và đi cùng với đó là các doanh nghiệp, HTX phải dừng việc tham gia hội chợ xúc tiến thương mại.

Không dừng lại ở đó, nếu tham gia các hội chợ theo hình thức trực tiếp, các doanh nghiệp, HTX phải tốn rất nhiều chi phí như chi phí thiết kế thi công gian hàng hội chợ, chi phí cho gian hàng, chi phí quản lý và dịch vụ, chi phí vận chuyển vật liệu và sản phẩm, chi phí kho lưu trữ, nhân sự, truyền thông…

Untitled-8440-1635922283.png

Gian hàng ảo của HTX Thăng Tiến được đánh giá cao vì mang đậm tính dân tộc.

Ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc HTX Sản Xuất Dịch Vụ Nông Nghiệp Thăng Tiến (Đăk Lăk) cho biết, nếu như được sở ngành hỗ trợ thì chi phí HTX phải bỏ ra để thuê gian hàng là khoảng 5 triệu đồng, đó là chưa tính tiền đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhân sự, truyền thống. Còn nếu tự đứng ra tham gia thì chi phí ít nhất phải từ 10.000.000 đồng/lần tham gia hội chợ thương mại trong nước. Một năm, HTX tham gia 5 hội chợ thì số tiền không hề nhỏ. “Trong khi đó, nguồn vốn việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ cũng như huy động vốn của các thành viên vẫn gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng chia sẻ.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, dù đã có các chính sách hỗ trợ nhưng đến nay, các HTX tiếp cận chính sách, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia mới đạt khoảng 10%. Đây cũng là một trong những khó khăn của các HTX trong việc tham gia các hội chợ thương mại hiện nay.

Xúc tiến thương mại ngoài mục đích mở rộng thị trường tiêu thụ thì đây còn là cơ hội quảng bá hình thương hiệu cho các sản phẩm. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động này ở Việt Nam cũng đang gặp những hạn chế nhất định.

Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến thương mại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tổ chức các hoạt động có quy mô lớn. Ông Vũ Ngoan Hợp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Hội chợ triển lãm thương mại và hội nghị Việt Nam, cho biết, do chưa đầu tư đúng mức nên hệ thống hội chợ triển lãm Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% số hội chợ, triển lãm được tổ chức hàng năm trên cả nước. “Điều này gây khó khăn trong việc thu hút những khách hàng lớn, người mua tiềm năng”, ông Hợp nhận định.

Cứu cánh từ hội chợ ảo

Tổ chức các hội chợ là việc quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các HTX và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh phí, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là dịch Covid-19 đã khiến các hội chợ thương mại phải đóng cửa.

Để giải quyết tình trạng này, tổ chức hội chợ thương mại theo hình thức thực tế ảo được cho là hướng đi phù hợp. Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), cho biết xu hướng hiện nay, thương mại điện tử cũng như kỹ thuật số phát triển rất mạnh trong thương mại quốc tế nên việc ứng dụng công nghệ để tổ chức các hội chợ ảo là hoàn toàn cần thiết và phù hợp.

Nếu như tham gia hội chợ trực tiếp, HTX, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí. Ngoài ra còn khó khăn về cơ sở hạ tầng trong công tác tổ chức khiến khách hàng đánh giá thấp sản phẩm cũng như tiềm lực của HTX. Tuy nhiên, các gian hàng ảo lại giải quyết được những điều này.

hoi-cho-trien-lam-online-giai-2069-1995-

Hội chợ triển lãm online giúp HTX, doanh nghiệp thích ứng trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo ông Ngọc, trung bình một gian hàng tại hội chợ trực tiếp luôn bị khống chế diện tích, chiều cao và theo yêu cầu chỉ đạt khoảng 9m2. Tuy nhiên, với gian hàng thiết kế theo công nghệ thực tế ảo, diện tích không bị khống chế. Bên cạnh đó, với thế mạnh về đồ họa, những gian hàng thực tế ảo còn bảo đảm tính thẩm mỹ cao hơn so với gian hàng ngoài thực tế.

Đặc biệt, chi phí trung bình cho một gian hàng cơ bản, được thiết kế theo công nghệ hiện nay ở mức khoảng 15.000.000 đồng, với đầy đủ các tính năng như chat, gọi điện, gọi điện có hình ảnh, kết nối trực tiếp tới hệ thống bán hàng và chăm sóc khách hàng của HTX. Khách hàng có thể xem gian hàng và sản phẩm ở mọi góc độ…

“Thông thường, hội chợ chỉ được tổ chức 7 ngày nhưng nếu HTX muốn duy trì 365 ngày thì chỉ mất phí bảo trì dưới 1.000 triệu đồng”, ông Ngọc cho biết.

Từng là HTX thực hiện thiết kế gian hàng ảo, ông Lê Tấn Dũng cho biết trong gian hàng có tất cả các sản phẩm, khách hàng chỉ cần kích chuột vào sản phẩm thì có thể xoay 360 độ để kiểm tra và nắm bắt thông tin. Ngoài ra, khách hàng có thể liên lạc thông qua zoom, gửi tin nhắn, gọi điện cho HTX vì các ứng dụng đã được tích hợp.

“Nếu xúc tiến thương mại theo hình thức cũ thì HTX không thể tham gia. Nhưng thông qua hội chợ ảo, HTX vẫn tiếp cận được với khách hàng ở trong, ngoài nước và hạn chế các chi phí tối đa vì gian hàng chỉ cần thiết kế một lần nhưng có thể sử dụng nhiều năm”, ông Lê Tiến Dũng chia sẻ.

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử cũng như thương mại số, kinh tế số dự kiến năm 2030 tăng gần 600 lần so với năm 2003. Vì vậy, thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại thông qua môi trường thương mại điện tử cũng như kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm duy trì và mở rộng tệp khách hàng cho HTX.

Hiện, đã có không ít HTX đã nhanh chóng bắt nhịp công nghệ bằng việc mở gian hàng ảo để tham gia các hội chợ thương mại thành công như HTX nuôi nghêu Thành Đạt (Bến Tre), HTX thủy sản Tân Thủy (Bến Tre)…

Xây dựng gian hàng ảo không chỉ giúp HTX tham gia các hội chợ thương mại trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mà khi đầu tư xong, HTX có thể để gian hàng ảo lên website, các trang mạng xã hội để khách hàng vào cũng có thể tham khảo và tìm hiểu thông tin. Qua đó họ cũng đánh giá được mức độ chuyên nghiệp của HTX để quyết định ký hợp đồng mua bán.

Huyền Trang

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/hoi-cho-ao-cuu-canh-cho-hoi-cho-truyen-thong-1082081.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next