Hải Phòng đi đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu

  • 02/02/2023
  • 07:18

Sau khi hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) tại 139/139 xã vào cuối năm 2019, thành phố Hải Phòng đã bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu và xác định, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong giai đoạn 2020-2025. Qua 03 năm triển khai, diện mạo mới ở nông thôn ở Hải Phòng đã thay đổi rõ rệt.

Mục tiêu tổng quát Hải Phòng đề ra trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu là tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đảm bảo đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng NTM thông minh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Phát triển hạ tầng giao thông – yếu tố nền tảng

Năm 2020, TP. Hải Phòng bắt đầu triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu thí điểm tại 8 xã. Các địa phương được đầu tư xây dựng 201 công trình, gồm 197 công trình về giao thông tương ứng chiều dài 129 km; 4 công trình về môi trường. Tổng nguồn lực để triển khai xây dựng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn 8 xã hơn 1.721 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn ngân sách đạt 1.137 tỷ đồng, chiếm 66%. Huy động nhân dân (thông qua việc hiến đất làm đường…) 584 tỷ đồng, chiếm 34%.

-6557-1671542388.jpg

Xã Đồng Thái là 1 trong 8 địa phương đầu tiên được lựa chọn để xây dựng NTM kiểu mẫu tại Hải Phòng. Sau khi các công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng, diện mạo nông thôn tại đây đã thay đổi rõ rệt. 

Sau khi triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu thành công tại 8 xã, Hải Phòng tiếp tục thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn (2021-2025) tại các xã còn lại. Dự kiến, tổng nguồn kinh phí thực hiện  khoảng 125.000 tỷ đồng bao gồm: Nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp 20%; Vốn lồng ghép 10%; Vốn tín dụng 50%; Vốn Doanh nghiệp, HTX 15% và Nhân dân tự nguyện đóng góp 5%…

Năm 2021, 14 xã được lựa chọn để triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Ở giai đoạn 1, có 14 xã được đầu tư xây dựng với 49 công trình giao thông, tổng chiều dài gần 52 km. Để triển khai các dự án, chính quyền địa phương đã vận động gần 1.700 hộ gia đình, tổ chức cho-tặng hơn 66.000m2 đất… Đến cuối năm 2022, 49 công trình đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Các địa phương tiếp tục bắt tay vào triển khai các dự án thuộc giai đoạn 2 (khởi công xây dựng vào quý III, quý IV năm 2022).

Chia sẻ với phóng viên ông Vũ Viết Thịnh – Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện An Lão cho biết: Điểm nổi bật trong xây dựng NTM kiểu mẫu tại Hải Phòng là tập trung vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông với mục tiêu đường trục chính của xã được trải nhựa mặt rộng tối thiểu 9m, có vỉa hè qua khu dân cư; 80% đường trục chính của thôn, liên thôn được trải nhựa mặt rộng tối thiểu 7m, có vỉa hè qua khu dân cư; 70% đường trục thôn được trải nhựa hoặc bê tông mặt rộng tối thiểu 5,5m; 50% đường ngõ xóm được trải nhựa hoặc bê tông mặt rộng tối thiểu 3,5m… Năm 2022, huyện An Lão có 3 xã tiếp tục được lựa chọn để xây dựng NTM, tổng nguồn vốn đầu tư cho 3 địa phương trên là gần 400 tỷ đồng.

Các địa phương cam kết đúng tiến độ

Năm 2022, Hải Phòng có thêm 35 xã được lựa chọn để xây dựng NTM kiểu mẫu, UBND các huyện đã triển khai lập 35 dự án đầu tư các công trình chung theo từng xã. Từ cuối quý III và quý IV năm 2022, các dự án đồng loạt khởi công và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện… Tất cả các huyện đều cam kết sẽ hoàn thành các công trình và giải ngân hết vốn đầu tư đã bố trí theo kế hoạch.

-3484-1671542389.jpg

Hạ tầng giao thông tại xã Phù Ninh thuộc huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đang được đầu tư đồng bộ theo chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu. 

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng: Năm nay, huyện triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại 4 xã Quyết Tiến, Quang Phục, Đoàn Lập, Toàn Thắng. Nâng tổng số xã xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Tiên Lãng lên 7 xã ( bằng 35% tổng số xã của toàn huyện). Tổng nguồn vốn thành phố bố trí cho 7 xã là hơn 870 tỷ đồng với 195 công trình, tập trung chủ yếu ở 5 lĩnh vực gồm giao thông, trường học, y tế, môi trường và văn hóa.

Theo ông Phùng Xuân Giang – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện An Dương: Năm 2022, huyện An Dương triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại 07 xã. Tổng kế hoạch vốn UBND thành phố cấp cho huyện là 422,8 tỷ đồng. UBND huyện đã lập 7 dự án đầu tư tại các xã với tổng số 45 công trình (gồm 38 tuyến đường giao thông, 7 tuyến điện ngõ xóm), tổng chiều dài các tuyến đường 36,5 km. Đến cuối tháng 12/2022, tiến độ các dự án cơ bản đảm bảo. Số liệu thống kê ban đầu, trong công tác giải phóng mặt bằng có 1480 hộ dân hiến đất để làm đường, diện tích đất hiến tặng là 26.800 m2. Năm 2023, dự kiến trình UBND thành phố cho phép triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại 04 xã nữa.

-6607-1671542389.jpg

Cuối tháng 12/2022, các địa phương, đơn vị thi công đều gấp rút đẩy nhanh tiến độ đảm bảo công trình hoàn thành trước Tết Nguyên đán. 

Tính đến cuối năm 2022, Hải Phòng đã có tất cả 5/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM. 02 huyện còn lại đã hoàn thiện hồ sơ, đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ, ngành Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022.

Cuối tháng 11/2022, Hải Phòng có 23 xã đã xây dựng hồ sơ trình huyện thẩm tra công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 22 xã đề nghị thành phố công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hải Phòng phấn đấu đến hết năm 2025, 100% số xã đạt xã NTM kiểu mẫu. 100% các tuyến đường giao thông (đường xã, thôn, ngõ xóm) đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp. 100% trường học các cấp (mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở, hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là Trung học cơ sở) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1; mỗi xã có ít nhất 01 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Thu nhập bình quân đầu người đạt tối thiểu 85 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo (trừ đối tượng thuộc diện bảo trợ). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tối thiểu 85%, trong đó ít nhất 30% lao động có bằng cấp, chứng chỉ; 100% các xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả, có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn, có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa; 95% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý…

Thanh Vân

https://vnbusiness.vn/mo-hinh/hai-phong-di-dau-trong-xay-dung-ntm-kieu-mau-1090118.html

Kinh tế và đô thị: Hỗ trợ cơ sở, chủ thể OCOP khắc phục thiệt hại sau bão

Giải pháp giải quyết khó khăn, phát triển KTTT, HTX

Kinh tế và đô thị: Hỗ trợ HTX khắc phục hậu quả sau bão số 3

Kinh tế và đô thị: Giải bài toán về nhân lực cho các HTX nông nghiệp

Liên minh Hợp tác xã thành phố ký Chương trình hợp nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố

Kinh tế và đô thị: Luật Hợp tác xã 2023 – ”Đòn bẫy” phát triển cho các Hợp tác xã

Previous
Next