Gỡ khó cho hợp tác xã khi giải thể

  • 05/10/2021
  • 14:19

Bên cạnh những hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, vẫn còn những HTX tồn tại hình thức. Việc nhanh chóng giải thể những HTX yếu kém hoặc đã dừng hoạt động cũng chính là một trong những mục tiêu nhằm tạo sự bứt phá trong khu vực kinh tế tập thể. Tuy nhiên, việc giải thể các HTX này vẫn gặp không ít khó khăn nên rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến tháng 6/2021, cả nước có 26.145 HTX, trong đó 17.060 HTX nông nghiệp, 7.897 HTX phi nông nghiệp, 1.188 Quỹ tín dụng Nhân dân. Bình quân mỗi năm, cả nước thành lập mới 1.838 HTX. Hầu hết các HTX chuyển đổi, tổ chức lại hoặc thành lập theo mô hình HTX kiểu mới- sản xuất theo Luật HTX năm 2012.

Tính đến 31/12/2020, cả nước vẫn còn 615 HTX chưa đăng ký và tổ chức lại theo quy định của Luật HTX năm 2012. Trong đó, 423 HTX chưa đăng ký và tổ chức lại hoạt động; 192 HTX chưa đăng ký và tổ chức lại nhưng cũng không còn hoạt động mà đang chờ giải thể.

Thủ tục phức tạp, chưa sát thực tiễn

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số HTX còn tồn đọng các vấn đề xác định giá trị tài sản, vốn góp của thành viên. HTX sản xuất không hiệu quả nên nợ tiền thành viên hoặc sổ sách kế toán thất lạc, mất giấy đăng ký HTX. Bên cạnh đó, có HTX tài chính không rõ ràng, khó khăn nên không thể thanh toán các khoản nợ, từ đó dẫn tới tình trạng “tồn tại trên giấy” lâu ngày.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp Ninh Giang (Ninh Hòa, Khánh Hòa) chuyên sản xuất lúa, rau màu. Do không bắt nhịp được với thị trường, HTX chỉ tập trung vào một vài dịch vụ cung cấp đầu vào như giống, thủy lợi, phân bón nên không đủ nguồn lực để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế cung ứng dịch vụ cho thành viên và khách hàng và phải dừng hoạt động. Dù dừng hoạt động mấy năm nay nhưng HTX Ninh Giang vẫn rơi vào bế tắc trong việc giải thể vì chưa thể thanh toán các khoản nợ thuế và nợ khác theo đúng quy định. HTX cũng không đủ kinh phí để tổ chức đại hội thành viên và làm các thủ tục giải thể và địa phương cũng chưa hỗ trợ HTX việc này.

Nong-dan-huyen-Vu-Thu-Thai-Bin-9473-4818

HTX không hỗ trợ được thành viên theo Luật HTX 2012, không thích ứng được với thị trường nên hoạt động kém hiệu quả, dẫn tới phá sản, giải thể.

Những trường hợp như HTX Ninh Giang không phải là hiếm, bởi trên thực tế, hiện nay chỉ có ít HTX quy mô lớn và hoạt động hiệu quả mới thực hiện kiểm toán 2 năm/lần. Do đó, khi thực hiện các thủ tục phá sản, HTX sẽ gặp nhiều vướng mắc về quyền lợi tài sản như mượn của thành viên hay được hỗ trợ từ Nhà nước mà không phải do HTX đầu tư.

Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến quá trình giải thể của các HTX là do thiếu một số quy định Nhà nước về hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyển đổi HTX sang doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác.

Chẳng hạn khi HTX muốn chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp thì phải làm theo hai bước, đó là: thực hiện thủ tục giải thể tự nguyện theo Luật HTX 2012 và đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.

Nếu làm như vậy sẽ phát sinh những vấn đề khó khăn như, sau khi giải thể thì tư cách pháp lý của HTX hoàn toàn không còn, doanh nghiệp thành lập mới không được kế thừa quyền và nghĩa vụ của HTX. Đặc biệt là tài sản đất đai mà từ trước đó của HTX có nhưng làm thế nào để chuyển giao cho doanh nghiệp mới. Và, nếu chuyển giao được thì cũng còn rất nhiều thủ tục phải thực hiện sau khi giải thể HTX tự nguyện như: thanh lý hợp đồng với khách hàng, thanh toán các khoản nợ, quyết toán thuế, chấm dứt hợp đồng với người lao động…

Trong khi đó, các HTX trước đó đã mất rất nhiều công sức xây dựng thương hiệu, nếu thực hiện chuyển đổi sang doanh nghiệp theo phương án này thì vừa mất thời gian, vừa bị gián đoạn hoạt động sản xuất và mất khách hàng.

Lành mạnh hóa khu vực KTTT

Có thể thấy, việc giải thể HTX hoạt động kém hiệu quả, tạm dừng hoạt động hiện nay phải trải qua nhiều thủ tục pháp lý phức tạp. Quy định giải thế vẫn còn cứng nhắc, chồng chéo. Việc tiến hành giải thể bắt buộc đối với các HTX như vậy khá phức tạp nên không ít địa phương ngại vào cuộc vì lo phát sinh khiếu kiện, tốn kém chi phí.

Đi cùng với đó là công tác kiểm toán tại HTX chưa được hướng dẫn thực hiện rõ ràng. Ngay trong Luật HTX 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ cũng chỉ quy định: “HTX thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật” hay “khuyến khích HTX thực hiện kiểm toán nội bộ”. Điều này vô hình chung gây khó khăn trong công tác giải thể vì các cơ quan liên quan không có cơ sở để xác định nợ, nợ thuế và vướng mắc tài chính, tài sản giữa HTX và thành viên

Việc để các HTX tồn tại trên giấy như vậy sẽ gây khó cho công tác quản lý của Nhà nước và ảnh hưởng chung đến việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tập thể, HTX hiện nay.

Nhằm tháo gỡ vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần đứng trên thực tế khó khăn của các HTX để sửa đổi các quy định giải thể HTX một cách phù hợp, đơn giản. Tiêu biểu như trong Luật Phá sản cần nêu rõ HTX có cần nộp báo cáo chính bắt buộc phải kiểm toán hay không để HTX dễ dàng nắm bắt và thực hiện được minh bạch.

Dan-Hoai-4781-1633344314.jpg

Giải thể những HTX phá sản, dừng hoạt động chính là thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển hơn.

Giải thể dứt điểm các HTX không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 chính là một trong những cách thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển hiệu quả, thực chất. Chính vì vậy, thời gian gần đây, Liên minh HTX Việt Nam đã đề nghị Liên minh HTX các tỉnh, thành phố và các địa phương quan tâm, rà soát, đánh giá thực trạng công nợ, tài sản, tổ chức bộ máy của các HTX, từ đó đề ra các giải pháp giải thể các HTX “hữu danh vô thực” một cách phù hợp. Đặc biệt, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật HTX 2012, Liên minh HTX đang góp ý với các Bộ ngành để sửa đổi bổ sung quy định về kiểm toán HTX nhằm giúp các HTX hoạt động minh bạch hơn, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục pháp lý.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản số 6563/BKHĐT-HTX, trong đó có những hướng dẫn các địa phương hỗ trợ các HTX không hoạt động, khó khăn trong giải thể… Trong đó, nếu trường hợp HTX bị mất đăng ký HTX, cần liên hệ với các cơ quan tại địa phương để cấp lại giấy đăng ký theo quy định tại Điều 18 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, sau đó sẽ thực hiện giải thể theo hai hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc theo Luật HTX 2012.

Trường hợp mất sổ sách kế toán, HTX cần nộp xử phạt hành chính và làm lại sổ sách theo Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015. Còn đối với trường hợp xử lý tài sản không chia, xử lý tài sản (bao gồm cả thanh lý tài sản) hình thành từ nhiều nguồn khi HTX giải thể, phá sản, thì các địa phương, các cấp ngành liên quan cần làm rõ nguồn gốc của tài sản không chia. Nếu tài sản đó do Nhà nước hỗ trợ thì phải hoàn trả theo quy định của Luật HTX 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP. Việc bàn giao tài sản của HTX khi giải thể, phá sản cũng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính…

Huyền Trang

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/go-kho-cho-hop-tac-xa-khi-giai-the-1081529.html

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next