‘Động lực kéo’ giữa nông dân với doanh nghiệp sau đại dịch

  • 21/10/2021
  • 07:50

Bài toán chuỗi giá trị nông sản sau “cú sốc” từ đại dịch Covid-19 đang đòi hỏi phải làm tốt hơn nữa mối liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp. Nhất là phải tạo lại được “động lực kéo” mà hoạt động cơ bản nhất là xây dựng được liên kết dọc và cùng chung động lực lợi ích.

Nói về kế hoạch sắp tới sau quá trình kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữa đại dịch Covid-19, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, cho biết phía công ty có mong muốn xây dựng hợp tác xã (HTX) cho riêng mình để có thể trực tiếp làm việc cũng như hướng dẫn nông dân ở các HTX. 

Mong muốn hoàn thiện chuỗi liên kết

Điều này, theo bà Vy, nhằm mục đích xây dựng mô hình liên kết bền vững hơn và coi như HTX này như là một chi nhánh của công ty tại tỉnh Đồng Tháp. Bởi lẽ, trước những khó khăn trong việc liên kết với nông dân, phía doanh nghiệp (DN) cũng đã nhìn nhận ra được là vấn đề đang nằm ở đâu, và nông dân cần gì.

HINH-9393-1634642673.jpg

Bài toán chuỗi giá trị nông sản sau “cú sốc” từ đại dịch Covid-19 đang đòi hỏi phải làm tốt hơn nữa mối liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp.

“Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ giúp DN hoàn thiện chuỗi liên kết này”, bà Vy nói.

Bên cạnh đó, điều lo lắng hiện tại của DN này không phải là đầu ra sản phẩm mà chính là vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm. Bởi vì sản phẩm, thương hiệu, uy tín của công ty vốn đã có nhiều với những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc… 

Có thể nói, điều mong muốn của công ty Chánh Thu rất đáng lưu tâm. Nhất là khi trong những tháng vừa qua, từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhờ vai trò đắc lực của những DN như vậy, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các HTX nông nghiệp, đã giúp giải quyết phần nào khó khăn về đầu ra nông sản của các nông dân ở ĐBSCL. 

Nhìn từ đợt đại dịch Covid-19 lần thứ 4 này, để tăng hiệu quả chuỗi giá trị nông sản, giới chuyên gia cho rằng phải làm tốt hơn nữa mối liên kết giữa nông dân với DN, đặc biệt là phải được liên kết lại bằng cách tham gia vào pháp nhân kinh tế dạng như HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích…

Đứng ở góc độ của một nông dân chuyên trồng bưởi da xanh đang cần liên kết chuỗi với DN, ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cho biết trong suốt thời gian chịu tác động của dịch Covid-19 từ năm 2020 và trong năm nay, phía trang trại dù vẫn giữ được mức độ tiêu thụ nhưng giá thành đã giảm xuống từ 5% đến 65%.

Theo ông Chiến, việc này rõ ràng ảnh hưởng tới mức độ giá trị tiêu thụ của nông sản, gây khó khăn và trở ngại rất lớn đối với trang trại của ông, đặc biệt nhất là từ tháng 4/2021 cho đến nay. 

Trong lúc không tiêu thụ được bưởi da xanh, như chia sẻ của vị chủ trang trại này, thậm chí có lúc bưởi chín rớt hư hại hàng chục tấn. Hiện nay, phía trang trại đang trở lại trạng thái bình thường mới và có mong mỏi được liên kết chặt chẽ với các DN lớn, tập đoàn lớn nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản được hoàn thiện hơn. 

Cùng chung động lực lợi ích

Điều mong mỏi hoàn thiện chuỗi liên kết với DN của ông Chiến cũng là mong mỏi chung của nhiều nông dân, chủ các trang trại và các HTX trong bối cảnh hiện nay. 

Cần thấy rằng bài toán chuỗi giá trị nông sản sau “cú sốc” từ đợt đại dịch lần này là phải tạo lại được “động lực kéo”, mà hoạt động cơ bản nhất là xây dựng được liên kết dọc giữa nông dân với DN (cả DN cung ứng vật tư đầu vào và chế biến, tiêu thụ đầu ra).

Bởi thực tế cho thấy quá trình tham gia hỗ trợ nông dân “giải cứu” nông sản trong những tháng vừa qua có nhiều DN thực hiện việc này mang tính thời vụ, không ổn định. Chính vì vậy, sau đợt “giải cứu” này lại nối tiếp đợt “giải cứu” khác, trong khi lượng nông sản tồn đọng ở phía trước vẫn còn khá lớn.

Như tại Đồng Tháp, áp lực đầu ra cho nông sản trong thời gian tới vẫn khá nặng nề. Như từ nay đến cuối năm sản lượng nhãn là 600.000 tấn, lượng trứng khoảng 120 triệu quả, khoảng 21.000 tấn xoài (được sản xuất theo quy trình VietGAP, GobalGAP)…

Hoặc như ở tỉnh Tiền Giang, nhiều nông dân hiện đang gặp khó khi giá nhiều loại nông sản nằm ở mức thấp, tiêu thụ chậm dù cho dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, giãn cách xã hội được nới lỏng. Đơn cử là huyện Tân Phú Đông còn tồn đọng hơn 10.000 tấn sả. Việc tiêu thụ sả ở đây gặp khó khi liên kết còn lỏng lẻo, trong khi một số đầu mối xuất khẩu vẫn chưa trở hoạt động do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Trong thời gian tới, để việc xây dựng liên kết được hiệu quả hơn với nông dân như mong muốn xây dựng HTX của phía công ty Chánh Thu, giới chuyên gia lưu ý các DN cần đầu tư nhiều hơn trong chuỗi giá trị. Nhất là DN nên có khả năng chế biến sâu, thu mua hoặc bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Hơn thế nữa, Nhà nước nên thể hiện tốt hơn nữa vai trò thúc đẩy liên kết dọc giữa nông dân với DN. Nhất là cần vận động DN, HTX và nông dân tự nguyện liên kết với nhau trên cơ sở chung động lực lợi ích (được vay vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật, chia sẻ với nhau để nâng cao trình độ sản xuất, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua các chính sách hỗ trợ DN, HTX, hỗ trợ nông dân). 

                        Thế Vinh

https://vnbusiness.vn/viet-nam/dong-luc-keo-giua-nong-dan-voi-doanh-nghiep-sau-dai-dich-1081812.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next