Dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều cơ hội cho các HTX trong việc thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh

  • 21/09/2021
  • 08:21

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, thành phần kinh tế. Với tổng số hơn 26 nghìn HTX, gần 120 nghìn tổ hợp tác trên phạm vi cả nước, khu vực kinh tế này cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước tác động của dịch bệnh. Phần lớn các HTX bị sụt giảm mạnh doanh thu. Một tỷ lệ lớn HTX đang phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao.

Tình trạng khó khăn của các HTX hiện nay đang tác động trực tiếp tới đời sống và thu nhập của khoảng 30 triệu người dân, chủ yếu là ở địa bàn nông thôn. Mặc dù thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã luôn đồng hành, hỗ trợ các HTX trong bối cảnh dịch bệnh, song trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, cần có những giải pháp như thế nào để tháo gỡ khó khăn cho các HTX hiện nay, đồng thời nâng cao năng lực thích ứng, để mô hình kinh tế này có thể đứng vững trước tác động của dịch bệnh.

Phóng viên Cổng thông tin điện tử Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Đặng Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

Phóng viên : Thưa ông, trên bình diện cả nước, ông đánh giá ra sao về tác động của dịch Covid 19 đối với các HTX trong thời gian qua?

Ông Đặng Văn Thanh : Đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các loại hình kinh tế trong đó có kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). Nhìn chung, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các hợp tác xã là khá toàn diện.

Trong hầu hết lĩnh vực, nhiều HTX phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, hơn 80% số HTX bị giảm doanh thu, trong đó, có tới 42,5% số HTX doanh thu bị giảm hơn một nửa. Kéo theo đó, lợi nhuận của HTX cũng bị sụt giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập, đời sống của thành viên, người lao động trong HTX.

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới các nước làm cho hoạt động hỗ trợ sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy dẫn đến xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX như thiếu nguyên liệu, giá thành các yếu tố đầu vào tăng; lưu thông hàng hóa gặp rất nhiều trở ngại khi chính quyền áp dụng triệt để các biện pháp giãn các xã hội theo các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ; các hoạt động xúc tiến, hội chợ… phải tạm dừng hoặc không tổ chức được, ảnh hưởng đến việc quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường và ký kết tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã.

Hầu hết các HTX đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tuy nhiên các HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch và một số ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp là có mức độ ảnh hưởng lớn hơn.

Đối với các HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong cả khâu sản xuất, chế biến và đặc biệt là trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Trong khâu sản xuất: khó khăn trong nhập nguyên liệu, vật liệu, giống cây trồng, vật nuôi; giá vật tư đầu vào nông nghiệp tăng; thiếu hụt nhân lực trồng trọt, thu hoạch; phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19 đã đẩy chi phí sản xuất lên cao.

Trong khâu chế biến: Do thiếu máy móc, thiết bị phục vụ cho việc chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp nên sản phẩm sản xuất ra không lưu trữ được, dễ bị hư hỏng, làm giảm giá trị sản phẩm… đặc biệt trong bối cảnh lưu thông hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm có nhiều trở ngại.

Trong khâu tiêu thụ sản phẩm: Về tiêu thụ trong nước, các HTX cung cấp các loại nông sản tươi cho các hệ thống siêu thị Coopmart, Coopfood, Big C, cửa hàng Bách hoá xanh,… với sản lượng và giá thu mua giảm từ 20 – 50%; nhiều nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể, trường học tạm thời đóng cửa khiến nhu cầu giảm, các HTX không tiêu thụ được nông sản. Về xuất khẩu, đa số các HTX có sản phẩm xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác đều bị giảm về sản lượng từ 30-60% và giá bán giảm từ 30 – 70%.

HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải là đối tượng chịu tác động trực tiếp và đầu tiên của dịch bệnh Covid-19, dịch vụ vận chuyển hành khách gần như ngừng hoạt động hoàn toàn tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến không có doanh thu nhưng vẫn phải chịu các chi phí chung như kho bãi, khấu hao, quản lý; dịch vụ vận tải hàng hóa hoạt động mang tính chất cầm chừng để cung cấp hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn nhưng rất khó khăn trong việc đi lại, chi phí vận chuyển tăng cao do phải test Covid-19 thường xuyên cho đội ngũ lái xe.

Hợp tác xã dịch vụ du lịch phải tạm ngừng hoạt động vì không có khách du lịch đến tham quan. Do đó, hợp tác xã không đủ chi phí để vận hành hoạt động, thu nhập của thành viên, người lao động bị giảm sút.

Dịch bệnh Covid-19 còn ảnh hưởng rất mạnh đến hoạt động liên kết, hợp tác thông qua tổ hợp tác. Theo số liệu thống kê của BKHĐT, 6 tháng đầu năm số lượng tổ hợp tác cả nước là 72.921  tổ hợp tác, giảm gần 40% so với cuối năm 2020.

Phóng viên: Trước tác động của dịch Covid 19, Đảng và Nhà nước cũng đã dành sự quan tâm rất lớn bằng việc ban hành các chủ trương, chính sách rất kịp thời, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX. Chính sách hỗ trợ thì đã có song việc tiếp cận, thụ hưởng những chính sách này còn hạn chế. Theo ông, vấn đề này còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

Ông Đặng Văn Thanh : Để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ như: các gói hỗ trợ về khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất vốn vay, hỗ trợ tiền điện, nước, viễn thông, vận tải,… Tuy nhiên, việc xây dựng và thực thi các chính sách còn một số hạn chế, bất cập khiến các HTX khó tiếp cận và thụ hưởng những chính sách này.

Thứ nhất là, bất cập trong xác định đối tượng thụ hưởng: Một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong dịch Covid-19 như Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ ngày 19/4/2021 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021… chưa quy định rõ đối tượng thụ hưởng là HTX hoặc người lao động trong HTX. Điều này làm cho HTX chịu thiệt thòi hơn so với các đối tượng khác trong khi tác động của dịch Covid-19 tới các loại hình kinh tế là như nhau.

Thứ hai là, bất cập trong việc tiếp cận chính sách: Sự phối hợp, kết nối giữa cơ quan thực thi, tuyên truyền và hướng dẫn HTX chưa kịp thời. Một số văn bản, thủ tục hành chính, hồ sơ phức tạp, qua nhiều cơ quan, ban ngành khiến các HTX thấy mất nhiều thời gian mà mức hỗ trợ không đáng kể, thậm chí có thể không đủ bù phần chi phí làm hồ sơ thụ hưởng.

Thứ ba là, bất cập trong nội dung chính sách: Chính sách quy định vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động nghỉ việc, thực tế HTX không chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà chỉ cho tạm nghỉ việc hoặc giảm thời gian đi làm, phải sử dụng nguồn quỹ dự phòng để duy trì trả lương và hỗ trợ tài chính cho người lao động

Việc tiếp cận các chính sách vay vốn để thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất vừa chống dịch các cơ sở sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn do phải chứng minh thiệt hại từ COVID-19. Ngay cả khi đáp ứng điều kiện của ngân hàng thì số vốn giải ngân cũng không đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư sản xuất của HTX, dẫn tới phần lớn các HTX chưa tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ này.

Các khó khăn khác như HTX khó tiếp cận các khoản vay ưu đãi tín dụng, đất đai, đầu tư đổi mới công nghệ, do nhiều hợp tác xã không có tài sản thế chấp, không đủ điều kiện để được vay vốn theo quy định; Nhiều HTX còn lúng túng, chưa làm đúng quy trình, thủ tục để được thụ hưởng chính sách.

Phóng viên : Ông nhìn nhận như thế nào về những giải pháp cấp thiết cần triển khai trong lúc này để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, kết nối cung cầu giúp tiêu thụ sản phẩm, tiến tới ổn định sản xuất cho các HTX, thưa ông?

Ông Đặng Văn Thanh : Với tư tưởng chỉ đạo “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tại văn bản số 3874/VPCP-NN ngày 18/5/2020 về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khu vực KTTT, HTX do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 của VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát tình hình, chỉ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển khu vực KTTT, HTX.

Qua tổng hợp từ các bộ ngành, địa phương và kết quả hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, HTX ngày 08/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành để thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí.

Về phía bộ Công Thương, hỗ trợ tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa lớn.

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan): Cho phép doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các HTX thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cá nhân tôi nhận thấy, đây là những chỉ đạo, giải pháp hết sức quyết liệt, kịp thời và toàn diện thể hiện quyết tâm của Chính phủ cùng đồng hành với hợp tác xã vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bộ luôn theo dõi, cập nhật tình hình và đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các hợp tác xã được thụ hưởng những ưu đãi bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác. Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ riêng cho các hợp tác xã, đảm bảo công bằng và hài hòa giữa các tổ chức kinh tế. Vừa qua, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 (QĐ 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020). Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nhằm hỗ trợ các HTX sớm vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn thực hiện các chính sách hỗ trợ (đặc biệt là chính sách xúc tiến thương mại, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng,..). Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho các HTX.

Phóng viên : Sau một thời gian dài phải gồng mình để duy trì sản xuất, hoạt động cầm chừng, nhiều HTX đến nay đã kiệt quệ về tài chính. Vì thế những cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền để các HTX có thể tiếp tục duy trì hoạt động, tái sản xuất đang là điều được các HTX rất mong đợi. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Đặng Văn Thanh: Các giải pháp tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 là khá toàn diện, quyết liệt. Tuy nhiên, đối với khu vực KTTT, HTX có đặc thù là tổ chức kinh tế, thường gắn với khu vực người dân yếu thế trong xã hội, năng lực tài chính, sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế thì Nhà nước cần phải tiếp tục nghiên cứu có giải pháp để hỗ trợ HTX cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho HTX để duy trì hoạt động trong đại dịch và từng bước khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Cụ thể:

Về hỗ trợ cắt giảm chi phí: cần thực hiện (1) giảm mức đóng BHXH, miễn tiền phạt chậm nộp BHXH phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 cho HTX và người lao động trong HTX; (2) miễn hoặc giảm phí công đoàn trong năm 2021 và 2022 để người lao động có thêm điều kiện khắc phục khó khăn, gắn bó với HTX; (3) giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; (4) sớm cho phép HTX kinh doanh dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ; (5) hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động tại các HTX thông qua các cơ sở xét nghiệm;….

Về tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền: cùng với các giải pháp về cắt giảm chi phí cho HTX, cần (1) tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; (2) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng…

Để kịp thời hỗ trợ các HTX, các bộ, ngành cần sớm xây dựng và ban hành các chính sách, bố trí nguồn lực và hướng dẫn cụ thể theo hướng đơn giản, nhanh gọn và khoa học. Các địa phương cần chủ động có các phương án ứng phó với đại dịch, đề xuất và thực thi các chính sách hỗ trợ riêng tại địa bàn trong phạm vi điều kiện cho phép. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để các HTX có thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ một cách thuận lợi nhất.

Phóng viên: Theo ông cần có sự tổ chức như thế nào, đồng thời nâng cao năng lực thích ứng cho các HTX ra sao để các HTX có thể khỏe hơn và vững vàng hơn trước dịch bệnh?

Ông Đặng Văn Thanh: Chúng ta có thể thấy đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra nhiều thách thức song cũng đem lại cơ hội cho các HTX trong việc thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống và chủ động sáng tạo trong các tình huống phát sinh. Tuy nhiên, để các HTX có thể thích ứng, duy trì và phát triển bền vững thì luôn luôn cần có sự đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động của HTX. Để làm được điều đó, cần có sự quan tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX có thể tiếp cận và phát huy những đổi mới, sáng tạo và công nghệ ấy.

Sự thành công trong việc tiêu thụ vải thiều tại tâm dịch Bắc Giang trong mùa cao điểm là một trong những minh chứng điển hình. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò chỉ đạo các địa phương “mở luồng xanh” để vải thiều được lưu thông nhanh chóng khi có giấy xác nhận an toàn COVID-19. Các Bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản và vải thiều Bắc Giang một cách mạnh mẽ và kịp thời. UBND tỉnh Bắc Giang thì đã sớm chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vải an toàn “không COVID-19” với cách tiếp cận mới là không nói “giải cứu” vải thiều ngay từ đầu vụ, bởi như vậy giá sẽ sập xuống, không xuất khẩu, không bán được; chủ động kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện trong việc tiêu thụ. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các địa phương khác và sự ủng hộ của nhân dân cả nước. Cuối cùng phải kể đến sự nhanh nhạy của các HTX và người dân trồng vải trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Quả vải đã được đưa lên các sàn giao dịch trực tuyến lớn và các trang mạng khác như Facebook, Zalo và các fanpage. Nhờ đó tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 200.000 tấn vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp với doanh doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng, gặt hái được nhiều thành công trong cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Có thể thấy, để có thể tận dụng cơ hội kịp thời và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong đại dịch Covid-19 nói riêng và những biến động nói chung, các HTX cần được tổ chức hợp lý, linh hoạt và đủ nội lực để nâng cao năng lực thích ứng. Về tổ chức, các HTX thường chỉ tập trung vào khâu sản xuất, ít chú trọng đến quảng bá thương hiệu sản phẩm, nghiên cứu và tìm kiếm thị trường, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, nhân sự. Do đó, HTX cần có sự thay đổi về tổ chức, đầu tư đồng đều và hài hòa giữa các khâu của quá trình sản xuất; chú trọng đến xúc tiến thương mại, hội nhập và liên kết; áp dụng thương mại điện tử và đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đào tạo đội ngũ nhân sự có chất lượng cao. Bên cạnh đó, để đảm bảo và nâng cao sức khỏe, các HTX cần có nguồn tài chính đảm bảo, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, đặc biệt là huy động từ thành viên trên cơ sở phát triển thành viên HTX.

Phóng viên : Cảm ơn Ông !

https://vca.org.vn/dich-covid-19-dang-tao-ra-nhieu-co-hoi-cho-cac-htx-trong-viec-thay-doi-phuong-thuc-san-xuat-kinh-doanh-a23575.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next