Để ngành nông nghiệp không lỡ ‘chuyến tàu số’

  • 08/07/2021
  • 15:56

Doanh nghiệp – thành phần được coi là năng động nhất trong hệ sinh thái của ngành nông nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi số. Do vậy, để đưa nông nghiệp Việt Nam hướng tới một nền nông nghiệp số hiệu quả, bền vững rất cần sự vào cuộc từ các cơ quan Chính phủ đến DN, HTX, hộ nông dân…

Ngày 7/7, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) lần đầu tiên công bố “Báo cáo tổng quan Nông nghiệp số Việt Nam năm 2021”. Báo cáo này được kỳ vọng sẽ đưa ra những quy chuẩn đầu tiên để đánh giá quá trình chuyển đổi số, làm tiền đề cho việc xây dựng các chỉ số đánh giá DN mang tính đặc thù của nền nông nghiệp Việt Nam.

DN gặp khó trong chuyển đổi số

Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký VIDA, cho biết kết quả khảo sát cho thấy 88,6% DN nông nghiệp nhận thấy tác động thực tiễn nhiều nhất trong cải thiện hiệu quả quy trình vận hành, quản lý, giám sát. Tuy nhiên, 29,5% DN chưa có cách thức thống kê, đo lường thông qua số liệu cụ thể về vai trò của công nghệ; 45% DN xác nhận có sự tăng trưởng doanh thu hoặc tiết giảm chi phí, ghi nhận từ 2% lên 70%.

Tuy nhiên, nhiều DN cũng cho rằng, mức độ đầy đủ của chính sách hỗ trợ nông nghiệp số trung bình chỉ ở mức 2.7/5 điểm và khả năng tiếp cận của DN ở 3.2/5 điểm. DN đang gặp khó khăn chính là thiếu kinh phí, thiếu nhân lực và bộ kỹ năng phù hợp. Theo đó, 3 vấn đề DN cần sự ưu tiên từ chính sách là cung cấp thông tin, hỗ trợ tiếp cận; cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chung và vốn.

Báo cáo của VIDA cũng chỉ ra rằng, những nước trong khu vực đang có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp số. Đơn cử Thái Lan – tiếp nối kế hoạch tổng thể công nghệ thông tin – truyền thông quốc gia được khởi động từ năm 2002, đến năm 2016, Chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch “Thái Lan 4.0” và nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch đó.

Đồng thời, Thái Lan cũng chú trọng nông nghiệp chính xác với việc sử dụng các công nghệ, kỹ thuật số: cảm biến, hình ảnh, phần mềm quản lý trang trại, AI và robot…

Hay như Trung Quốc, vốn bị đánh giá là quốc gia có nền nông nghiệp lớn nhưng không mạnh, song trong những năm gần đây, Chính phủ nước này đã thúc đẩy cải cách ruộng đất, áp dụng công nghệ 5G với sự tham gia của nhiều công ty công nghệ lớn. Theo đó, Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong việc tích hợp internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong phát triển nông nghiệp…

Ông Tùng nhìn nhận, Việt Nam tuy là một quốc gia nông nghiệp nhưng thực trạng nền nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có được sự phát triển mạnh mẽ bởi nhiều vấn đề. Trong khi đó, sự tác động đa chiều của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch COVID-19 đặt nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng vào thế buộc phải “chuyển mình”.

Theo đó, ông Tùng cho rằng việc đưa công nghệ vào nông nghiệp thì cần quan tâm tới nông dân, HTX. Xu thế chuyển đổi số là tất yếu và những thành quả đầu tiên của sự thay đổi đã cho thấy những tiềm năng. Tuy nhiên, chặng đường vẫn còn dài và nhiều thách thức. Với tính đặc thù của nông nghiệp Việt Nam, cần xác định một lộ trình chuyển đổi số phù hợp để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, tối ưu hoá các nguồn lực và cân bằng các mục tiêu sẽ bắt đầu từ sự thấu hiểu nội tại.

Cần chính sách hỗ trợ cụ thể

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám Đốc Công Ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, nhìn nhận chuyển đổi số là một nhiệm vụ tất yếu nếu không nông nghiệp Việt Nam sẽ mãi là nền nông nghiệp đơn giản, khó có thể vươn ra biển lớn, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ luôn là “lựa chọn cuối” trên các kệ của siêu thị trong và ngoài nước.

“Chúng ta đều nhìn thấy chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu, không ai có thể đi ngược lại được. Do đó, Việt Nam phải làm tốt hơn nữa vì vốn đã xuất phát chậm hơn so với thế giới”, ông Anh chia sẻ.

chuyen-doi-so-trong-nong-nghie-7492-7956

Chuyển đổi số là một nhiệm vụ tất yếu nếu không ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ mãi là nền nông nghiệp đơn giản.

Trước thực tế trên, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng cần có sự đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai. Hiện nay, nội tại trong các DN lớn đến các DN nhỏ và vừa hay nhỏ hơn nữa là các HTX, trang trại và người nông dân đang dần ý thức được chuyển đổi số là một việc làm mang tính tất yếu.

“Có thể nói giá trị cốt lõi của chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đưa được những giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất minh bạch và đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường”, ông Hoàng Anh cho biết.

Trong khi đó, nhìn nhận dưới góc độ là một DN nông nghiệp công nghệ cao, ông Thân Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Visimex chia sẻ, đang có rất nhiều rào cản cản trở ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp. Theo đó, vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số, ông ví von nó giống như thói quen canh tác của nông dân còn lạc hậu, khó thay đổi. Vì vậy, cần phải triển khai thành công các mô hình hiệu quả để bà con nông dân thấy được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số.

Ông Hùng nói rằng, lãnh đạo ngành nông nghiệp cần tiên phong khởi động phong trào “làn sóng” chuyển đổi số trong nông nghiệp, tìm tòi khám phá để đảm bảo áp dụng công nghệ thành công hiệu quả. Nhà nước, ngoài tạo cơ chế, khuyến khích chuyển đổi số trong nông nghiệp nên để tư nhân tham gia cùng, thông qua việc tạo ra quỹ hỗ trợ để DN nông nghiệp công nghệ tận dụng nguồn vốn ưu đãi, đồng thời có cơ chế ưu đãi cho DN thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.

“Hiện nay, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa tới được nhiều DN. Do vậy, thời gian tới cần chính sách cụ thể, đi vào cuộc sống”, ông Hùng kỳ vọng.

Anh-chup-Man-hinh-2021-07-07-l-3793-3792

Ông Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Nền nông nghiệp của Việt Nam đang có sự mù mờ về thông tin. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất khiến cung cầu bị ngắt quãng. Đã đến lúc ngành nông nghiệp phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số nếu không sẽ lỡ nhịp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin để vươn xa.

Anh-chup-Man-hinh-2021-07-07-l-4632-7626

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ TT&TT

Bộ TT&TT đã chỉ đạo một chương trình để đến hết năm nay, mỗi hộ nông dân ít nhất có một điện thoại thông minh để truy nhập Internet. Bộ cũng đã có giải pháp để đẩy nhanh việc mỗi hộ nông dân có một đường cáp quang internet, trước đây mục tiêu là đến 2030, nay mục tiêu đã rút lại là trước 2025, nếu Bộ NN&PTNT cùng vào cuộc thì có thể xong trước 2023. Làm được những việc này thì hạ tầng viễn thông cho nông thôn Việt Nam sẽ vào loại hàng đầu của thế giới. Muốn chuyển đổi số nông nghiệp thì đây là điều kiện đầu tiên.

Anh-chup-Man-hinh-2021-07-07-l-4560-2796

Bà Ninh Thị Ty

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

Với công nghệ hiện đại ngày nay, ngành nông nghiệp có thể dự báo gần như chính xác sản lượng lúc thu hoạch. Người nông dân lúc nào cũng có thể biết chính xác, vườn rau, vụ vải thiều hay ao cá của họ đang phát triển như thế nào. Theo đó, chúng ta cần bản đồ số cho nông nghiệp Việt Nam. Dựa trên đầu vào này, Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương cùng bộ, ban, ngành và bà con nông dân sẽ tính toán để làm đến đâu chắc đến đấy, đảm bảo được đầu ra.

Lê Thúy 

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next