Cơ hội rộng mở với ngành hàng trái cây

  • 06/10/2021
  • 07:20
Phân loại cam tại thôn Đồng Quýt, Tân Mộc (Bắc Giang). Ảnh: VIỆT HƯNG

Công nghệ bảo quản còn hạn chế, thiếu vùng nguyên liệu sản xuất đạt chuẩn… là những “điểm yếu” mà hầu hết hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) nông sản nói chung và trái cây tươi nói riêng, đang gặp phải khi muốn “đem chuông đi đánh xứ người”.

Tập trung đổi mới công nghệ bảo quản, chế biến

Chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu

Tại Hội nghị tham vấn Đề án phát triển ngành chế biến rau củ quả phục vụ tái cơ cấu diễn ra ngày 30-10 ở TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT HTX Làm nông minh bạch Ưng Thế Lãm chia sẻ, vướng mắc lớn nhất đối với DN XK trái cây tươi cũng như chế biến là không biết vùng nguyên liệu nằm ở đâu, có đạt chất lượng không. Hiện nay hầu hết các DN đều đang phải mua nguyên liệu ở nhiều vùng khác nhau, do đó chỉ cần một vùng không đạt chất lượng thì cả lô hàng phải bỏ. Trong khi đó, với trái cây tươi, xử lý sau thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn do công nghệ bảo quản, chế biến vẫn còn thấp. Hiện nay tất cả các thị trường đều yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cũng như an toàn thực phẩm (ATTP). Điển hình như thị trường châu Âu (EU), Mỹ quy định, DN phải có tiêu chuẩn ISO để biết cách giao tiếp quốc tế, nhà máy phải đạt chuẩn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Point System) để kiểm tra chất lượng. Với nguyên liệu cũng phải đạt chuẩn Global GAP. Ngay như với thị trường Trung Quốc hiện nay cũng yêu cầu phải có mã số vùng trồng. Nên dù DN xuất sản phẩm tươi hay sản phẩm chế biến thì đều phải đáp ứng chất lượng.

Thách thức bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng đồng bộ cũng đang là bài toán đối với các DN XK trái cây. Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết, DN phải tìm hiểu rõ nhu cầu ở mỗi thị trường, đối tượng cạnh tranh, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật. Chữ tín trong kinh doanh cũng cực kỳ quan trọng. Khách hàng đặt ra yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, tính đồng bộ của chất lượng. Do vậy, bản thân DN XK phải làm ăn bài bản, chuyên nghiệp bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu với nông dân, hợp tác một cách chặt chẽ. Nếu DN làm ăn hời hợt, thu mua hàng trôi nổi thì không những đánh mất lòng tin mà còn bị đối tác phạt rất nặng.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Tùng, muốn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng nông sản XK thì người dân và DN phải quan tâm từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch đến xử lý sau thu hoạch, bảo quản, vận chuyển. Để làm được điều này, cần xây dựng các HTX nhằm liên kết nông dân với nhau và liên kết nông dân với DN.

Chia sẻ về những khó khăn của DN, đại diện Công ty CP thực phẩm XK Đồng Giao cho biết, để có nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng cho sản xuất, mỗi nhà máy chế biến cần có vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 25 nghìn – 30 nghìn ha. Để có được diện tích này, DN phải liên kết với các HTX, song khi liên kết như vậy, vấn đề đặt ra là chất lượng sản phẩm lại không đạt yêu cầu. Đơn cử, tại Bắc Giang, nông sản thu hoạch chủ yếu là quả vải. Tuy nhiên sản lượng vải tại đây chỉ đủ công suất cho dây chuyền hoạt động từ 1,5 – 2 tháng. Trong khi đó, các loại cây trồng khác chưa đủ khối lượng để đưa vào chế biến.

Tại Hội thảo quốc tế thông tin thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu (XNK) rau quả Việt Nam – Trung Quốc, tổ chức ngày 27-10 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, những quy định thị trường đối với kiểm dịch thực vật – ATTP XK của thị trường Trung Quốc trong thời gian qua đã có sự thay đổi. Hải quan Trung Quốc đã từng bước tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với rau quả NK, đưa ra các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về xuất xứ, vùng trồng, bao bì, nhãn mác của rau quả NK nhắm kiểm soát NK theo tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm ATTP. Qua một thời gian thực hiện, phía hải quan Trung Quốc cho biết, vẫn còn những vướng mắc về đăng ký vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc gây ảnh hưởng tiến độ và kim ngạch XK rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, việc thay đổi chính sách kiểm soát XNK nông sản, thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu ở hầu hết các thị trường. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương sản xuất nông sản XK cần tăng cường phổ biến thông tin đến từng DN, hộ sản xuất để hiểu rõ, nâng cao năng lực thực thi và đáp ứng các quy định thị trường của hai bên, tạo thuận lợi cho XK nông sản Việt Nam, nhất là các loại trái cây tươi.

“Mở đường” cho doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng NN&PTNT Lê Quốc Doanh, hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được XK sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt Nam từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia… Tuy vậy, để trái cây tươi của Việt Nam ngày một mở rộng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, giải pháp tiên quyết là phải đẩy mạnh công nghệ bảo quản, chế biến sâu.

Trong ba năm qua, số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản đã tăng mạnh. Hiện, cả nước có 7.500 cơ sở chế biến rau củ, trái cây, trong đó có 157 cơ sở hiện đại, quy mô công nghiệp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền bắc và đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm chế biến rau quả cũng bắt đầu có xu hướng thay đổi, tập trung vào nước ép cao cấp và sản phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, so nhu cầu thực tế thì vẫn chưa đạt. Hiện, tất cả các loại sản phẩm trái cây chế biến XK mới chỉ khoảng 15%, còn 85% vẫn là giá trị xuất tươi, thấp hơn nhiều so mức trung bình của thế giới là 23%. Trong khi đó, công nghệ bảo quản quả tươi vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hao hụt cao, làm giảm giá trị nông sản Việt.

Mặt khác, theo số liệu từ Cục BVTV, Bộ NN&PTNT, đối với các thị trường khó tính, đến nay chúng ta đã cấp được 998 mã số vùng trồng, trong đó có các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Mỹ (471), tiếp đó là Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái-lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản XK sang các thị trường này. DN cần chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.

PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, để thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến rau quả, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường; tạo môi trường thu hút DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh nội địa kết nối chuỗi cung ứng lạnh toàn cầu. Mặt khác, cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút các DN lớn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào các công nghệ nền trong lĩnh vực chế biến rau quả. Yêu cầu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là cực kỳ quan trọng với ngành hàng XK trái cây. Điều này đòi hỏi mỗi DN XK trái cây phải đầu tư chuyên nghiệp vào vùng trồng. Đây là bước đi cơ bản mà mỗi DN cần phải làm được.

Theo ông Ưng Thế Lãm, muốn giải quyết được vấn đề này thì Nhà nước cần hướng dẫn cho các địa phương đăng ký cụ thể thông tin về vùng trồng, diện tích… để các DN biết. Thí dụ như thanh long ở Bình Thuận có 30 nghìn ha, trong đó khu vực nào đạt tiêu chuẩn VietGAP, khu vực nào đạt tiêu chuẩn Global GAP, khu vực nào trồng hữu cơ cần được kê khai rõ ràng. Từ đó, DN đăng ký thu mua, bảo đảm đầu ra cho nông dân, như vậy cũng tránh được tình trạng phá giá, cạnh tranh nguyên liệu, giành giật thị trường…

Với thị trường Trung Quốc, yêu cầu đặt ra đối với trái cây NK cũng ngày càng cao. Ông Viên Á Tường, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải (Trung Quốc) lưu ý, DN XK trái cây của Việt Nam muốn chiếm thị phần nhiều hơn thì sản phẩm phải có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát các sản phẩm nông nghiệp NK về các phương diện như truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng, đăng ký nhà máy đóng gói và dán nhãn sản phẩm. Điều này đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn cho tất cả các nhà sản xuất trái cây.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặt hàng rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng hơn nữa. Để làm tốt điều này cần mở rộng các mô hình liên kết đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở DN làm nòng cốt, tập trung các yếu tố đầu vào áp dụng khoa học – công nghệ từ khâu giống, tổ chức sản xuất cho đến khâu chế biến và mở rộng thị trường thương mại. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục tạo điều kiện để các DN chế biến rau quả đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sâu, tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân.

Báo Nhân dân

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next