Chính sách linh hoạt sẽ tạo tiền đề cho HTX phát triển

  • 24/11/2021
  • 10:15

Kinh tế tập thể, HTX là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, muốn phát triển kinh tế tập thể, các chính sách của Nhà nước cần linh hoạt, tập trung và phù hợp với cơ chế thị trường.

Tại Hội thảo “Góp ý vào các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong Nghị quyết Trung ương V, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cần bổ sung sửa đổi”, do Viện Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức, ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết 20 năm qua, các chính sách của Nhà nước về kinh tế tập thể đã bước đầu giúp HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, khẳng định vai trò của HTX trong phát triển nền kinh tế quốc dân.

Cơ hội HTX tiếp cận chính sách còn khiêm tốn

Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong Nghị quyết Trung ương V, khóa IX tập trung vào 6 nhóm đó là: Chính sách về đất đai, chính sách về ứng dụng khoa học công nghệ, chính sách về tài chính tín dụng, chính sách về xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, chính sách về nguồn nhân lực và chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của 59/63 tỉnh, thành, tỷ lệ các HTX được hưởng thụ các chính sách trên còn rất hạn chế. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 26.000 HTX, tuy nhiên, trong 20 năm qua, số HTX được giao đất, cho thuê đất để hoạt động theo quy định của pháp luật chỉ là 1.591 HTX. Đáng nói, chỉ có 1.716 HTX được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác (nằm trong nhóm chính sách tài chính tín dụng). Mới có 3.766 HTX được hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, 1.525 HTX được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng…

21215-2133-1637659250.jpg

Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong Nghị quyết Trung ương V, khóa IX đã tạo điều kiện cho HTX phát triển nhưng vẫn còn những điểm cần bổ sung, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn hoạt động của HTX.

Rõ ràng, chính sách hỗ trợ đến với các HTX còn quá khiêm tốn, chưa tạo được động lực cho HTX phát triển và thích ứng với cơ chế thị trường. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dù HTX được thành lập nhưng khó phát triển và mở rộng được quy mô, dịch vụ vì thiếu vốn, thiếu đất, thiếu nguồn nhân lực.

Đặc biệt, đối với những HTX ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo hiện nay vẫn phải nộp tiền sử dụng đất để làm trụ sở, nhà xưởng và vẫn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp… Điều này đã không tạo được thuận lợi để HTX phát triển và thu hút người dân tham gia mô hình liên kết.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Ban Kinh tế Trung ương cho biết, chỉ tính riêng chính sách hỗ trợ về đất đai, mới có 1.591 HTX (chiếm khoảng hơn 14% HTX) được giao đất, thuê đất là quá thấp vì khoảng 86% HTX còn lại chưa được hỗ trợ về đất đai, trong khi đất đai là điều kiện vô cùng cần thiết đối với HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp đang tích cực phát triển theo hướng hàng hóa.

Việc HTX chưa tiếp cận được các nguồn hỗ trợ là do chính sách đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX được ban hành nhưng còn dàn trải, phân tán, đặc biệt là thiếu nguồn lực thực hiện nên ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn vốn ưu tiên cho HTX.

Mặt khác, một số chính sách ban hành khi thực hiện triển khai thì HTX khó tiếp cận vì lồng ghép ở các chương trình mục tiêu quốc gia. Nguồn vốn hỗ trợ thấp nên HTX chưa đủ lực để đầu tư hoặc phải tự xoay sở nguồn vốn để đầu tư.

Chẳng hạn như HTX Phước Hưng (Bình Phước) muốn đầu tư nhà xưởng chế biến hạt điều thì nguồn vốn cần là 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi vay vốn các cơ quan chức năng lại đòi hỏi thành viên phải có nguồn thế chấp và chỉ được vay chưa đến 700 triệu đồng. Những điều này đã gây khó khăn do HTX không có tài sản chung để thế chấp. Trong khi nguồn vốn vay rất thấp so với nhu cầu thực tế.

“Để giải quyết vấn đề này, ban giám đốc HTX phải tự thế chấp nhà đất cá nhân để vay vốn với lãi suất cao từ ngân hàng thương mại và vay vốn từ người thân để đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến”, ông Vũ Đức Bộ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Phước Hưng, cho biết.

Chính sách cần phù hợp với cơ chế thị trường

Hiện nay, vẫn có những cách hiểu chưa đúng về mô hình HTX nên quá trình đề ra chính sách vẫn chưa hợp lý. Ts Vũ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn –Ban Kinh tế Trung Ương, cho biết, do hoạt động theo Luật HTX 2012 nên rất nhiều HTX chỉ đứng ra cung cấp các dịch vụ cho thành viên, HTX vì thế không có tài sản chung. “Nếu cứ đòi hỏi phải có tài sản chung để thế chấp mới được vay vốn là chưa phù hợp với bản chất của mô hình HTX kiểu mới và chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của nhiều HTX”, ông Hùng cho biết.

Trước những khó khăn về tiếp cận chính sách của các HTX, ông Hoàng Văn Long, (Viện Kinh tế hợp tác), cho biết Nghị quyết trung ương V, khóa IX ra đời đã lâu nên một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX hiện không còn phù hợp. Chính vì vậy cần sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho phù hợp thực tiễn.

mua-hoa-tet-NHN-6327-1637659250.jpg

Nếu thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, HTX sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế thị trường.

Đơn cử, đối với chính sách đất đai của các HTX vùng biên giới hải đảo, cần thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với HTX để làm trụ sở không thu tiền vì đây là những vùng khó khăn, gặp nhiều rủi ro. “Việc HTX phát triển sản xuất ở vùng biên giới hải đảo không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn giúp giữ đất, bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền đất nước. Và thực tế, Israel đã làm rất tốt điều này, giúp HTX phát triển rất tốt”, ông Long cho biết.

Bên cạnh đó, cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các HTX ở vùng biên giới hải đảo nhằm vận động, khuyến khích người dân tham gia HTX. Bởi thực chất khoản thuế này là do chính các thành viên HTX làm ra, tích lũy nếu đầu tư lại cho HTX thì vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền đất nước.

Trong quá trình hoạt động, HTX gặp không ít rủi ro do thiên tai dịch bệnh. Chính vì vậy, việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, an toàn hệ thống HTX là hết sức cần thiết. Thực chất đây là quá trình hợp nhất 2 quỹ gồm: Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể do Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam quản lý và Quỹ dự phòng (hàng năm HTX trích 5% doanh thu để làm kinh phí hoạt động-theo Luật HTX 2012). Việc này giúp HTX chủ động về nguồn vốn hơn thay vì chờ đợi ngân sách Trung ương cấp.

Rõ ràng, mô hình kinh tế tập thể, HTX hiện nay đã chứng minh được sức hút đối với nhiều tầng lớp nhân dân. Việc khởi nghiệp từ HTX không còn xa lạ đối với nhiều người, tuy nhiên ngay cả các mô hình khởi nghiệp từ HTX gặp rất nhiều khó khăn. Đã đến lúc cần có riêng một chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho khu vực kinh tế tập thể. Bởi lẽ, doanh nghiệp đã có chính sách này áp dụng vào thực tiễn rất hiệu quả. Thế nhưng HTX lại có những đặc thù về thành viên, quy mô, điều kiện hoạt động nên các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cần phù hợp thực tiễn.

Để đáp ứng nhu cầu hội nhập, sản phẩm của HTX cần nâng lên, muốn làm được điều này, HTX cần có diện tích đất đai rộng lớn. Chính vì vậy, theo ông Hoàng Văn Long, cần có chính sách riêng để hỗ trợ HTX tích tụ ruộng đất. Cùng với đó là miễn tiền sử dụng đất của HTX làm dịch vụ cung ứng cho thành viên, đặc biệt trong nông nghiệp vì biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

Huyền Trang

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/chinh-sach-linh-hoat-se-tao-tien-de-cho-htx-phat-trien-1082414.html

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next