Cần thêm động lực cho HTX tăng tốc chuyển đổi số

  • 22/02/2022
  • 07:45

Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX đã được triển khai nhưng chưa rõ nét. Chính vì vậy, việc đồng hành cùng khu vực kinh tế này để tháo gỡ những vướng mắc trong ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giúp các HTX đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Theo chia sẻ của các HTX, việc tiếp cận với các nền tảng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, là cơ sở quan trọng để HTX mở rộng các kênh phân phối, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm cho người sản xuất.

76,8% HTX dùng smartphone chỉ để trao đổi thông tin

“Việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp đã giúp nâng cao tương tác giữa HTX với người tiêu dùng. Mặc dù thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm, nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX vẫn duy trì, phát triển ổn định”, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tảo Việt ((xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ.

Có thể thấy, những giải pháp mà các HTX đang thực hiện chính là tín hiệu vui, thể hiện sự nhanh nhạy, bắt nhịp thị trường trong thời đại công nghệ số.

Tuy nhiên, khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam tại 174 HTX ở 24 tỉnh, thành phố và 34 Liên minh HTX tỉnh, thành phố ghi nhận, mới chỉ có 37,4% HTX sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tuyên truyền; 47,4% HTX áp dụng bán hàng online kết hợp giao hàng tận nơi. Còn lại phần lớn HTX (76,8%) có điện thoại thông minh nhưng chỉ dùng để trao đổi thông tin và ra quyết định tập thể. Điều này chưa tận dụng được hết tính năng của công nghệ vào sản xuất kinh doanh cũng như quản lý.

tao-5337-1645181001.png

Khu vực nuôi tảo xoắn công nghệ cao của HTX Tảo Việt.

Một khảo sát khác của Liên minh HTX Việt Nam ở 422 HTX tại 21 tỉnh, thành phố thuộc 7 vùng kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cũng cho thấy, chỉ có khoảng 45% HTX có ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất – kinh doanh.

Có thể thấy, các HTX đang cố gắng từng bước trong chuyển đổi số nhưng quá trình này diễn ra còn chậm, quy mô đầu tư nhỏ, hàm lượng khoa học thấp và hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng các công nghệ giản đơn.

Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho biết, các kỹ năng về thương mại điện tử, tìm kiếm, đánh giá và quản lý thông tin thị trường của HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức thấp.  Nguyên nhân là vì trên 70% HTX có quy mô vốn nhỏ dưới 1 tỷ đồng nên khó tiếp cận, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, hiện tỷ lệ HTX của tỉnh sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, kết nối nhóm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử chiếm tỷ lệ chưa cao. Số lượng HTX ứng dụng các phần mềm kế toán, phần mềm khai thuế, quản lý sản xuất, hóa đơn điện tử, chữ ký số, bán hàng còn ít.

“Tình trạng này xảy ra là vì một số HTX chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chuyển đổi số. Năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, trong khi đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ rất ít. Hạ tầng công nghệ thông tin của HTX lạc hậu, thậm chí nhiều HTX chưa có máy tính, thiết bị kết nối internet”, ông Đạo lý giải.

Tháo “nút thắt” chi phí

Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã cho thấy, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế – xã hội và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX và người dân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo các chuyên gia, trong xu hướng hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức kinh tế tập thể không thể đứng ngoài cuộc của quá trình chuyển đổi số.

Đặc biệt trong bối cảnh cả nước bắt tay vào thời kỳ mới nhằm thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, việc thực hiện chuyển đổi số trong HTX là cấp thiết để kịp thời đưa sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cần thiết đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX và là động lực để phát triển kinh tế tập thể, HTX trong kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, nhiều HTX chưa có kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ nên việc quyết định thực hiện chuyển đổi số hay không ở các HTX sẽ cần nhiều thời gian. Ngoài ra, kể cả khi nhận thức được về vai trò, ý nghĩa thì chuyển đổi số thành công vẫn là một thách thức không nhỏ. Nguyên nhân là bởi, các dự án chuyển đổi số phần lớn là tốn rất nhiều chi phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp còn khá hạn chế.

z2552199856883df00114ab4e085f2-2617-5662

Chuyển đổi số là một quá trình và cần nhiều chi phí để thực hiện một cách bền vững và hiệu quả.

“Chuyển đổi số là vấn đề mới nên HTX phải nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, quá trình thực hiện còn phát sinh thêm các chi phí như: Chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới; chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin trong khi hiện nay các giải pháp chuyển  đổi số các HTX phải thuê hoặc nhờ tư vấn từ các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước”, ông Lê Văn Cương, Giám đốc HTX Hà Phong (Hòa Bình) chia sẻ.

Để thực hiện chuyển đổi số tại khu vực HTX hiệu quả, ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc HTX nông nghiệp Số (Hà Nội), cho biết chuyển đổi số với chủ thể là các HTX thì không nên chạy theo mỹ từ mà phải thấu hiểu cái họ cần và tương thích với cái họ có để chuyển hóa bằng tư liệu, công cụ số phù hợp.

Theo ông Lê Hoàng Anh, vấn đề khó khăn nhất của các HTX là về tài chính. Chính vì vậy, Nhà nước cần tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ khu vực HTX thực hiện chuyển đổi số, như: thực hiện bổ sung nguồn vốn trung hạn cho các dự án đầu tư công có chuyển đổi số đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX để quá trình ứng dụng công nghệ vào thực tiễn của HTX được đồng bộ và lâu dài hơn.

Thời gian qua, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương huy động các nguồn lực để triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của các HTX cũng đang được triển khai đến Liên minh HTX các tỉnh, thành phố.

Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung huy động nguồn lực để hỗ trợ các HTX. Tổ chức học hỏi mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội hóa để đổi mới công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các HTX.

Huyền Trang

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/can-them-dong-luc-cho-htx-tang-toc-chuyen-doi-so-1083765.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next