Các Hợp tác xã kiểu mới: Vẫn yếu khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ

  • 16/11/2017
  • 15:40

Qua thống kê của Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố, hiện mới có khoảng 35% trong số 205 HTX hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn thành phố triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ, tạo đầu ra tương đối ổn định cho sản phẩm. Phần lớn các HTX vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu tiêu thụ.  

Sản phẩm có thương hiệu vẫn “tắc” đầu ra

Với 165 ha ao nuôi của 65 thành viên tham gia, trung bình mỗi năm HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) cung cấp ra thị trường hơn 300 tấn cá vược thương phẩm. Lợi thế sản phẩm cá vược được nuôi tại đây bảo đảm “sạch”.  Trước khi thả cá, ao nuôi được khử trùng bằng men vi sinh. 90% các hộ thành viên cam kết không dùng chất kháng sinh trong quá trình nuôi thả. Nguồn thức ăn là 100% cá nục tươi được người dân địa phương đánh bắt về, phân phối cho các hộ nuôi cá. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật trong nuôi thả, năng suất cá vược năm 2016 đạt 20 tấn/ha, cao hơn 5 tấn/ha so với năm 2015. Chất lượng cá sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Dù vậy, sản phẩm cá vược của HTX vẫn khó khăn về đầu ra. Hiện, cá chủ yếu bán buôn cho thương lái, hay bị ép giá. Trong khi đó, chi phí đầu vào cao, thời gian nuôi thả dài, khoảng 2 năm/lứa với chi phí thức ăn khoảng 10 triệu đồng/ha/ngày. Giá cá bán ra cho các đầu mối chỉ khoảng 90-120 nghìn đồng/kg, bằng giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường. Nếu không bán được cá, thời gian nuôi kéo dài có thể lỗ vốn.

Sản phẩm khoai tây của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm

Tương tự, HTX Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) vẫn gặp không ít lúng túng trong tìm kiếm đầu ra cho nông sản của thành viên. Vùng sản xuất lúa giống nếp Đăng Lưu trên 10 ha của thành viên HTX được Công ty CP Nhiệt đới Hưng Yên bao tiêu, thu mua tươi, các hộ sản xuất không tốn công sức và thời gian phơi, sấy. Sản phẩm dưa gang với diện tích gần 10 ha được liên kết với Xí nghiệp chế biến nông sản Đức Lập (tỉnh Hải Dương). Dù vậy, theo Giám đốc HTX Phan Văn Tụ, so với sản lượng một số nông sản của HTX sản xuất ra, mức tiêu thụ chưa đáng là bao. Với các sản phẩm đã liên kết với doanh nghiệp thu mua, HTX không có đủ vốn trả trước cho bà con, dẫn đến việc bà con tự bán lẻ ra thị trường bên ngoài. Vì vậy, hiện ở HTX, rau quả sản xuất ra vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. HTX chuyển đổi mô hình hoạt động mới, song việc liên kết, phát huy vai trò “bà đỡ” cho sản phẩm đầu ra của thành viên chưa thực sự hiệu quả. Năng suất, thu nhập của bà con chưa được cải thiện nhiều.

Tạo điều kiện giúp HTX tháo gỡ vướng mắc

Ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng cho biết: các HTX mặc dù hoạt động theo mô hình mới song vẫn rất khó khăn trong thực hiện vai trò bao tiêu sản phẩm cho thành viên vì nội lực của các HTX còn yếu, nhất là về vấn đề vốn và trình độ quản lý. Nếu có đủ vốn, các hộ nuôi cá chủ động đầu vào, từ con giống đến nguồn thức ăn. Nhờ đó, chi phí giảm, giá cá bán ra giảm khoảng 20% so với thị trường, tăng sức cạnh tranh, mở rộng cơ hội liên kết đầu ra cho sản phẩm cá vược. Khó khăn về vốn dẫn đến các HTX không có khả năng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp. Hơn nữa, từ trước tới nay, đa phần cán bộ quản HTX trình độ hạn chế, chuyển sang mô hình hoạt động mới nhưng vẫn quen phương thức cũ, trông chờ vào nhà nước khiến cho việc chuyển đổi chỉ là “bình mới, rượu cũ”, chưa đi vào thực chất là “tự nguyện, tự chủ và tự chịu trách nhiệm”. Từ đó, nhiều HTX tiếng là kiểu mới nhưng hầu hết chỉ đáp ứng được khâu sản xuất chứ chưa chủ động trong liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

Theo ông Nguyễn Văn Quyến, Phó chủ tịch Liên minh HTX và DN thành phố, để giải quyết khó khăn về tiêu thụ sản phẩm ở các HTX kiểu mới rất cần sự phối hợp, hỗ từ các ngành, các cấp. Thành phố, các sở, ngành liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ vốn, tạo điều kiện để các HTX được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất. Với các HTX, nhất là HTX nông nghiệp cần xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá quy mô lớn, sản phẩm mũi nhọn, có thương hiệu và chất lượng tốt; đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, có lợi thế cạnh tranh.

 Về phía Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền về HTX kiểu mới; hỗ trợ các HTX trong đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ HTX; tổ chức, giới thiệu, tạo điều kiện để các HTX tham gia các hội chợ, trưng bày và giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho HTX thông qua quỹ hỗ trợ và phát triển HTX…góp phần tạo điều kiện thuận lợi giúp các HTX tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Ngọc Lan (Báo Hải Phòng)

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next