Rời bục giảng, cô giáo khởi nghiệp thành lập HTX trồng rau hữu cơ

  • 29/03/2022
  • 15:47

Tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn, thế nhưng niềm đam mê cây trồng đã đưa cô giáo Văn Thị Yến (thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) rẽ sang một con đường khác khác, đó là trồng rau sạch.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, chị Yến hiểu rất rõ nỗi vất vả của bố mẹ hàng ngày phải lam lũ ngoài đồng, nên chị càng có ý chí quyết tâm học hành để thoát nghèo, thoát khỏi cảnh đồng ruộng chân lấm tay bùn.

Dám từ bỏ… để bắt đầu

Năm 2009, tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn chị Yến trở về quê làm cô giáo, cứ tưởng từ đây sẽ an phận làm một cô giáo ngày ngày lên lớp cùng học trò. Nhưng những năm tháng ngoài giờ đứng lớp, chị Yến lại trồng rau nuôi gà để lấy thực phẩm sạch cho gia đình, rồi bén duyên sang cây trồng lúc nào không hay, chị ấp ủ phải trồng được nhiều loại rau sạch hơn nữa để cung cấp cho người dân trên địa bàn.

Đến năm 2020, bất chấp sự phản đối gay gắt của gia đình, bạn bè và người thân, chị Yến bắt tay vào xây dựng trang trại trồng rau sạch có quy mô hơn 1.000 ha với mục đích ban đầu chỉ cung cấp rau sạch cho người dân trong xã.

Chị Yến tâm sự “môi trường ngày càng ô nhiễm, rau sạch giờ ở quê cũng hiếm nên mình đành tự cung tự cấp, rồi mở rộng ra cung cấp rau sạch cho bà con trong xã”.

Chi-Yen-manh-dan-ap-dung-cong-1873-5435-

Chị Yến mạnh dạn áp dụng công nghệ 4.0 vào khu nhà lưới.

Hành trình để có được những luống rau sạch với 1.000 ha đầu tiên ít ai biết rằng, chị Yến đã phải đánh đổ mồ hôi, công sức, tiền bạc và cả sự phản đối, thậm chí là coi thường của không ít người. “Nghĩ lại quãng thời gian mới bắt đầu làm trang trại, 2 vợ chồng gần như đơn độc trên con đường xây dựng quy hoạch trang trại, có bao nhiêu đồng tích cóp rồi vay mượn đều đổ hết vào đây”, chị Yến nói.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nguồn vốn làm trang trại hơn 1 tỷ đồng tích cóp từ trước và vay mượn khắp nơi gần như cạn kiệt trong khi mới quy hoạch được một nửa, chị đành phải tạm dừng công việc quy hoạch trang trại, quay sang trồng rau thu hoạch nhặt nhạnh từng đồng. Thế nhưng, cái khó khăn của một người đi trái ngành đối với chị Yến chính là phần kỹ thuật.

Từ một cô giáo dạy văn chuyển sang trồng rau quả sạch quả không hề dễ dàng, nhưng với quyết tâm khởi nghiệp, chị Yến lại cắp sách vở đi học từ đầu, cứ nơi nào có hội thảo về giống cây trồng, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rau quả của tỉnh chị đều không bỏ sót.

Có được kinh nghiệm từ các cuộc hội thảo, và những chuyến đi thực tế tại các trang trại khác trên cả nước, chị Yến trở về nghiên cứu và trồng rau sạch theo phương pháp hữu cơ không sử dụng phân hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật có chứa thành phần hóa học…

Vụ mùa đầu tiên chị trồng hơn 1.000m2 rau ăn lá như: Đỗ xanh, rau dền, cải ngọt, rau thơm, rau lang… đã cho thu hoạch 30 tấn. Bình quân giá bán 15.000/kg rau ăn lá chị thu về 450 triệu đồng, từ đây chị lại tiếp tục có điều kiện xây dựng trang trại vẫn còn dang dở.

Đối với chị Yến khó khăn nhất bây giờ là tài chính và đầu ra, chị tâm sự, mặc dù đến thời điểm hiện tại sản phẩm rau củ quả của trang trại chưa bị tồn bao giờ nhưng chủ yếu bán cho khách lẻ và sỉ. Sản phẩm đi vào siêu thị thường phải qua khâu trung gian là các thương lái trong vùng, và cũng chưa thể cung cấp liên tục theo nhu cầu của các siêu thị, đây là bài toán mà chị vẫn đang tìm hướng giải quyết.

Sau gần 3 năm bắt tay vào làm trang trại, những nỗ lực của chị Yến dần được đón nhận, giờ đây chị đã có thêm được niềm tin sự ủng hộ của gia đình và bạn bè, người thân. Những chuyến hàng rau củ sạch đều được người dân trong xã và các vùng lân cận đón nhận đặt mua.

“Thậm chí rau củ thỉnh thoảng có khách hàng tận trong Kon Tum đặt mua với số lượng lớn, nhiều khi không đủ cung cấp cho họ làm mình cũng ngại”. Chị chia sẻ.

Quyết tâm áp dụng công nghệ 4.0 vào trồng trọt

Trồng cây nhưng chưa đến ngày hái quả, một năm sau vợ chồng chị Yến “đánh bài liều” lại tiếp tục vay mượn người thân, mang sổ đỏ nhà thế chấp ngân hàng để xây dựng trang trại, gom được số tiền gần 2 tỉ đồng, lần này chị quyết tâm đưa công nghệ 4.0 vào trang trại mở rộng quy mô lên gần 2.000 ha.

“Nhiều người bảo tôi điên, đầu tư gần 2 tỷ đồng vào đó làm gì để suốt ngày nắng mưa ngoài đồng, số tiền đó sao không đi mua đất để sinh lời cho nhàn hạ. Nhưng mình đã thích cái nghề này rồi thì biết làm sao”, chị Yến tâm sự.

San-pham-duoc-trong-theo-phuon-3354-5091

Sản phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ.

Để xây dựng mô hình nhà lưới áp dụng công nghệ 4.0, vợ chồng chị Yến đã quy hoạch hơn 500 ha diện tích đất, đầu tư hơn 700 triệu đồng vào khu nhà lưới riêng.

Thay vì tập chung vào trồng rau ăn lá như năm trước, lần này trồng thêm các loại quả nhằm làm phong phú nguồn thực phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng. Vụ dưa lê, dưa lưới, dưa chuột đầu tiên đã cho ngay thành quả ngọt ngào. Hơn 5.000m2 dưa chuột trái vụ cho thu hoạch 15 tấn vừa qua đã cho thu về 300 triệu đồng. Mới đây chị lại tiếp tục thí điểm trồng nho mẫu đơn trong khu nhà lưới.

Biết được những khó khăn và dự định cho trang trại của chị Yến, giữa năm 2021, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng đông đã hướng dẫn và bàn giao hệ thống giám sát nông nghiệp công nghệ cao 4.0 và tài trợ 70% chi phí lắp đặt ánh sáng trị giá hơn 200 triệu đồng cho khu nhà lưới của trang trại. Đây là trang trại nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được áp dụng mô hình công nghệ cao 4.0 vào theo dõi và chăm sóc.

Được sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành nông nghiệp trong tỉnh, với diện tích quy mô và các loại rau quả ngày càng được mở rộng, chị Yến chuẩn bị mở rộng và đăng ký thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Đào Gia Trang nhằm thu hút được nhiều thành viên cùng tham gia mô hình trang trại sạch, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho người tiêu dùng.

Với dự định không xa, chị Yến ấp ủ xây dựng trang trại nông nghiệp của mình áp dụng hoàn toàn công nghệ 4.0 và phát triển khu du lịch sinh thái nhỏ tại đây để mọi người có thể đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

Nguyễn Quế

https://vnbusiness.vn/kinh-doanh-xanh/roi-buc-giang-co-giao-khoi-nghiep-thanh-lap-htx-trong-rau-huu-co-1084480.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next