Nông dân loay hoay để lên ‘chuyến tàu’ chuyển đổi số

  • 06/12/2021
  • 10:26

Để nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì người nông dân, doanh nghiệp sản xuất phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chế biến, bán hàng. Tuy nhiên, vướng mắc về nguồn lực, cách thức thực hiện đang trở thành khó khăn không dễ vượt qua để ngành nông nghiệp bước lên chuyến tàu “chuyển đổi số”.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đề cập nhiều lần về cơ hội trên chuyến tàu nông nghiệp số. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã từng chia sẻ, chuyển đổi số trong nông nghiệp như một “chuyến tàu” mà người làm nông nghiệp không được phép bỏ lỡ. Ông mong toàn ngành nông nghiệp phải hiểu không ai muốn lỡ nhịp tàu, đứng ở sân ga nhìn thiên hạ chuyển động về phía trước mà dũng cảm nhảy lên đoàn tàu đó để khởi hành.

Nông dân, doanh nghiệp đều khó 

Tuy vậy, trên thực tế, nhiều nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của sản xuất nông nghiệp. Nông dân Phạm Văn Lộc, Giám đốc Dự án hệ sinh thái nông nghiệp bền vững UCA, cho biết từ năm 2017, ông đã thực hiện chuyển đổi số, năm 2019 dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhưng đây lại là cơ hội cho những doanh nghiệp chuyển đổi số đẩy mạnh việc xúc tiến bán hàng trên các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-9112-163843835

Nhiều khó khăn cản đường nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. 

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công và mang lại hiệu quả cao thì cần số vốn rất lớn, nhưng rất ít các doanh nghiệp có thể tiếp cận được. “Vậy, làm thế nào có thể tiếp xúc được với nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp”, ông Lộc băn khoăn.

Trong khi đó, nông dân Trịnh Kim Thư (TP.Hà Nội), cho hay để đưa nông sản lên sàn quốc tế thì không khó tuy nhiên rào cản lớn nhất với doanh nghiệp và bà con nông dân là phải dùng tiếng Anh và không phải ai cũng biết các thao tác để đăng lên.

“Vậy làm thế nào để giúp cho nhiều hơn nữa các doanh nghiệp nhỏ và bà con nông dân có sản phẩm chất lượng tốt đưa được sản phẩm lên sàn thương mại điện tử quốc tế ?”, bà Thư đặt câu hỏi.

Tương tự, nông dân Nguyễn Thị Trâm (Bắc Ninh), trăn trở khi có 20ha trồng rau, củ VietGAP ở Bắc Ninh và Hà Giang. Hiện Bắc Ninh là một trong những thủ phủ trồng cà ở miền Bắc, trong đó trồng tập trung ở Lương Tài. Tuy nhiên, nông dân Bắc Ninh chủ yếu xuất bán cà rốt thô, chưa có dây chuyền chế biến sâu, nâng cao giá trị cà rốt.

Bà Trâm trăn trở hiện tại doanh nghiệp rất muốn đầu tư công nghệ để chế biến sâu sản phẩm cà rốt, không chỉ bán cà rốt tươi nữa mà sẽ là nước ép cà rốt, bột cà rốt… Vậy Nhà nước đang có những chính sách ưu đãi nào hỗ trợ những doanh nghiệp trong đầu tư chế biến nông sản? Đồng thời doanh nghiệp cũng muốn được đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ cách chụp ảnh, bán hàng, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Ngay cả những tập đoàn nông nghiệp lớn cũng gặp phải thách thức từ chuyển đổi số. Đại diện Tập đoàn De Heus cho biết, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, nế đứng ngoài, doanh nghiệp sớm muộn sẽ bị kìm hãm, hứng chịu thất bại.

Đầu tháng 11/2021 vừa qua, Việt Nam chính thức trở thành trục sở chính của De Heus khu vực châu Á, điều này đã nâng cao sự tự tin của De Heus trong việc phát triển những hoạt động của mình tại khu vực. Bên cạnh Việt Nam, De Heus cũng đã bước đầu vận hành rất thành công ty Myanmar, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ.

Chuyển đổi số nhanh hơn để nông nghiệp không chậm chân

Tuy vậy, đi cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng trong một thời gian ngắn, De Heus Việt Nam cũng phải đối diện với rất nhiều thử thách trong việc quản lý và vận hành các chi nhánh, nhà máy tại những thị trường khác nhau trong khu vực.

Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus khu vực châu Á cho biết, ở mỗi chi nhánh và nhà máy, chúng tôi có cách hệ thống quản lý và vận hành khác nhau với những cơ chế xác thực riêng, điều đó khiến mọi thứ rất phức tạp trong việc phân quyền và hợp nhất dữ liệu, phục vụ kinh doanh… Theo đó doanh nghiệp này đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tuy vậy, rước những thách thức trên, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đặt câu hỏi về chuyển đổi số có mới không, có khó không? Bà khẳng định với nền tảng số như hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể ứng dụng chuyển đổi số. Đơn cử thay vì ghi chép các dữ liệu vào sổ tay nông hộ, nông dân có thể tải những thông tin này lên mạng, thông qua nhiều ứng dụng đang có sẵn, và chi phí cho việc này chỉ tốn khoảng 500.000 đồng/tháng, con số không hề lớn nhưng lợi ích mà nó mang lại sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, bà Thực cho rằng cần xây dựng cơ sở dữ liệu, ví dụ vào mùa thu hoạch sầu riêng ở Tiền Giang, giá giảm chỉ 40.000 đồng/kg nhưng 40 ngày sau doanh nghiệp phải thu mua tới 70.000 đồng/kg ngay tại vườn. Đây chính là những rủi ro về thị trường, thời vụ mà các doanh nghiệp cần nắm bắt được để tránh thiệt hại.

“Muốn có cơ sở dữ liệu này, chính nông dân sẽ là người xây dựng, họ sẽ phải cập nhật ngày trồng, ngày phun thuốc, dự kiến ngày thu hoạch… Nếu doanh nghiệp nắm được thông tin này sẽ chủ động trong việc thu mua và nông dân cũng sẽ tiện lợi khi cần truy xuất nguồn gốc”, bà Thành cho biết.

Để xuất khẩu hiệu quả qua kênh sàn thương mại điện tử và các kênh khác ra thị trường thế giới, theo bà Bùi Kim Thùy, đại diện cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN tại Việt Nam, không còn cách nào khác là phải chuyển đổi số trong nông nghiệp và số hóa chỉ là một phần của chuyển đổi số.

Ví dụ, hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản và các sản phẩm hàng hóa khác lớn nhất của Việt Nam. Đó chính là điểm thuận lợi, chứ không phải chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc xuất khẩu. Ngành nông nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi số nhanh hơn nữa cho nông dân Việt Nam nếu không sẽ bị chậm.

Về nguồn lực để chuyển đổi số, bà Ngô Hoài Bắc, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho hay Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để bổ sung và điều chỉnh chính sách cho vay sao cho thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ dự án nông nghiệp phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, các dự án cánh đồng lớn đem lại năng suất, hiệu quả lớn, chú trọng đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp có quy mô lớn. Đồng thời, sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các gói vay, giảm lãi suất các gói cho vay nông nghiệp.

Lê Thúy 

https://vnbusiness.vn/viet-nam/nong-dan-loay-hoay-de-len-chuyen-tau-chuyen-doi-so-1082573.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next