Những điểm mới của Điều lệ (sửa đổi) Liên minh HTX Việt Nam

  • 30/07/2021
  • 08:41
Những điểm mới của Điều lệ (sửa đổi) Liên minh HTX Việt Nam

Điều lệ là khung pháp lý tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, là cơ sở quan trọng tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động, tác động quyết định phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.

Điều lệ (sửa đổi) đã kế thừa Điều lệ nhiệm kỳ Đại hội lần trước, bổ sung cụ thể hóa cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; sửa đổi những điểm còn bất cập, bổ sung những nội dung mới do yêu cầu thực tiễn, trong tình hình mới, các vấn đề đã được tổng kết đúc rút về củng cố, phát huy vai trò của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; cụ thể nội dung cơ bản đã được sửa đổi, bổ sung như sau (có Biểu so sánh kèm theo):

(1) Phần mởi đầu Dự thảo Điều lệ (sửa đổi), bổ sung cụm từ “kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã” thay cụm từ “phong trào hợp tác xã ở Việt Nam” và sắp xếp lại câu từ để khẳng định rõ vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

(2) Về tôn chỉ mục đích (Điều 2): Sửa đổi và bổ sung thêm cụm từ: “được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụđóng vai trò nòng cốt…, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể” để khẳng định vị trí, vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, theo đúng Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị và Thông báo kết luận của Ban Bí thư số 158-TB/TW.

Qua tổng kết tồn tại, hạn chế, bất cập của Điều lệ nhiệm kỳ trước: Vị trí, địa vị chính trị và pháp lý của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam chưa được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và vai trò nòng cốt phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Quá trình thảo luận dự thảo Điều lệ đều nhất trí cần xác định rõ vị trí, địa vị chính trị và pháp lý của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; tuy nhiên xác định rõ như thế nào thì có rất nhiều ý kiến trao đổi.

Có ý kiến xác định: “Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của thành phần kinh tế tập thể hoặc Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội và kinh tế phục vụ phát triển kinh tế tập thể…”

Có ý kiến đề nghi xác định Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp hay loại hình tổ pháp nhân cụ thể khác theo quy định của pháp luật để làm cơ sở định hình hoạt động, mối quan hệ và luật pháp điều chỉnh (ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính);

Theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 về tổ chức hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày ngày  01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chín phủ Về việc quy định hội có tính chất đặc thù, Liên minh HTX Việt Nam là hội có tính chất đặc thù, tuy nhiên theo Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị có về hội quần chúng điểm a khoản 2.4: “a) Không xây dựng văn bản riêng đối với một số hội đã được công nhận là tổ chức chính trị – xã hội, hội có đảng đoàn và không quy định hội có tính chất đặc thù”.

Quá trình nhiều cuộc làm việc với các bộ ngành, thảo luận đi đến xác định như nội dung Điều lệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(3) Về nguyên tắc hoạt động (Điều 5),

Bổ sung vào nguyên tắc tại Khoản 1 và 2: “Chấp hành chủ trương của Đảng” và “Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của Đảng” theo Thông báo kết luận của Ban Bí thư số 158-TB/TW.

Bổ sung Khoản 5: “Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh) được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.” để bảo đảm sự thống nhất hệ thống.

Vừa qua, chúng ta đã tổ chức đại hội hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thống nhất nhiệm kỳ và quy định của Điều lệ lần này sẽ bảo đảm thống nhất về Điều lệ, thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 78-KL/TW.

Đồng thời, từng bước tiến tới thống nhất một Điều lệ như theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 về hội quần chúng trong tình hình mới: “…Nếu các hội ở cấp dưới thống nhất thừa nhận điều lệ của Hội ở Trung ương thì không cần xây dựng điều lệ riêng.”, sau khi sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012.

Vấn đề quan trọng, quy định Điều lệ lần này khắc phục hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động đó là: Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam có cùng chức năng, nhiệm vụ nhưng Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX cấp tỉnh chưa thống nhất về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ, nhiệm kỳ và nghị quyết đại hội, nội dung điều lệ, cho nên gây khó khăn rất lớn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Mặt khác trong tình hình mới hiện nay, cần tăng cường liên kết hệ thống để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

 (4) Về chức năng (Điều 6) sửa đổi, biên tập và bổ sung chức năng thành nhiệm vụ, phù hợp chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp thực tiễn hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Điều lệ nhiệm kỳ Đại hội lần trước, chức năng được quy định 7 khoản trong Điều 6, trong đó: Khoản 2 “Phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng quy hoạch, kế hoạch …” không phải là chức năng mà là nhiệm vụ. Thiếu một số chức năng mà chúng ta đang có và đang thực hiện: “Tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã”; chức năng “tư vấn” và chức năng “hoạt động kinh tế“; chức năng “tập hợp, liên kết” thành viên, phát triển tổ chức vững mạnh.

Điều lệ (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung và nhóm gộp lại thành 5 chức năng. Trong đó:

– Bổ sung vào Khoản 1 cụm từ “chăm lo”.

– Bổ sung Khoản 2 “Tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã”.

– Tại Khoản 4, bổ sung chức năng “tư vấn” và chức năng “hoạt động kinh tế” và sửa thành “Tư vấn, hỗ trợ, thực hiện dịch vụ công và hoạt động kinh tế phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thúc đẩy xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác”.

– Bổ sung Khoản 5 “Tập hợp, liên kết, hướng dẫn các thành viên hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; chung sức xây dựng hệ thống liên minh hợp tác xã Việt Nam phát triển bền vững”.

Việc sửa đổi, bổ sung này đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể: “Củng cố hệ thống tổ chức Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc phát triển kinh tế tập thể. Mở rộng hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã trong một số lĩnh vực dịch vụ công”; Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị: “Củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống liên minh Hợp tác xã các cấp với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã;

(5) Về nhiệm vụ (Điều 7), cơ bản kế thừa Điều lệ nhiệm kỳ đại hội lần trước, sửa đổi, bổ sung:

– Cụ thể hóa nhiệm vụ để thực hiện chức năng “Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên”, theo đó bổ sung Khoản 6: “Nhận ủy quyền, thay mặt thành viên thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên theo quy định pháp luật”;

– Bổ sung vào Khoản 7 cụm từ “Tổ chức nghiên cứu và thử nghiệm triển khai và chuyển giao các mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ phát triển mạng lưới tổ chức và thành viên trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam”;

– Bổ sung và hoàn thiện các nhiệm vụ tại khoản 7, 11. 12:

  1. Tập hợp, vận động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực, ngành nghề và địa phương trên phạm vi cả nước. Tổ chức nghiên cứu và thử nghiệm triển khai và chuyển giao các mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ phát triển mạng lưới tổ chức và thành viên trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

11. Tập hợp, liên kết phát triển thành viên; củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt độngđào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ và tổ chức phong trào thi đua trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

12. Phối hợp với cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh về tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh; xây dựng, thực hiện các giải pháp, chương trình, kế hoạch và đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

(6) Về thành viên (Chương III):

– Bổ sung là làm rõ quy định về thành viên (Điều 8); trong đó, tại khoản 1, bổ sung quy định có thêm thành viên danh dự (tại khoản 1 Điểu 8); tại khoản 2  về thành viên chính thức bổ sung “tổ hợp tác, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện theo lĩnh vực, ngành nghề, các tổ chức kinh tế liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn cả nước tự nguyện gia nhập và tán thành Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam”; sửa đổi Khoản 4 Điều lệ hiện hành thành Khoản 6 dự thảo Điều lệ như sau: “Tiêu chuẩn, điều kiện và thủ tục gia nhập thành viên do Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quy định phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ này”.

– Bổ sung thêm khoản 2 Điều 11. Chấm dứt thành viên: “Sau khi thôi là thành viên thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện hết nghĩa vụ, nhiệm vụ hoặc cam kết (nếu có) chưa hoàn thành trong thời gian là thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam”.

– Bổ sung Điều 12. Quyền và Nghĩa vụ của thành viên liên kết, thành viên danh dự: “Thành viên liên kết, thành viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như thành viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và quyền ứng cử, đề cử, bầu cử Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam“.

Sửa đổi, bổ sung trên để nhằm phát triển tổ chức và thực hiện tốt hơn vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức theo Thông báo số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 kết luận của Ban Bí thư: “… phát triển tổ chức, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân“; phù hợp với quy định tại Điều 15 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Mặt khác, khu vực kinh tế tập thể (kinh tế hợp tác), hợp tác xã, theo nghĩa rộng được hiểu bao gồm các tổ chức, cá nhân tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, bền vững; việc kết nạp các thành viên liên kết và danh dự là các tổ chức khác là nhằm đạt được mục tiêu này.

(7) Về tổ chức và hoạt động (Chương IV) bổ sung các quy định tại Chương này để đảm bảo việc tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được thuận lợi; trong đó:

* Về cơ cấu tổ chức (Điều 13): bổ sung thêm vào khoản 4. Thường trực (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch) và khoản 6. Cơ quan Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

* Về Ban Chấp hành (Điều 15): Bổ sung nhiệm vụ tại Khoản 2:

e) Bầu …. Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra”;

g) Bầu bổ sung, miễn nhiệm, bãi nhiệm …. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra giữa hai kỳ Đại hội;
h) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện và thủ tục kết nạp thành viên; điều kiện và thủ tục chấm dứt thành viên;

i) Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật theo quy định của pháp luật, Điều lệ và quy định của Ban Chấp hành.
– Bỏ cụm từ “dự họp” và sửa Điểm d Khoản 3 Điều 15 thành d) Nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành được thông qua khi có trên 1/2 (một phần hai) tổng số Ủy viên Ban Chấp hành biểu quyết tán thành.

* Về Ban Thường vụ (Điều 16):

Bỏ thẩm quyền ban hành và sửa Điểm e Khoản 2 thành: e) Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật theo quy định của pháp luật, Điều lệ và quy định của Ban Chấp hành”.

Bỏ cụm từ “dự họp” và sửa Điểm d Khoản 3 Điều 16 thành: d) Nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ được thông qua khi có trên 1/2 (một phần hai) tổng số Ủy viên Ban Thường vụ biểu quyết tán thành.

* Về Thường trực (Điều 17):

Bổ sung một số nhiệm vụ của Thường trực cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó, bổ sung tại các điểm của Khoản 2:

a) Điều hành, giải quyết công việc …. và vấn đề phát sinh đột xuất thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ giữa hai kỳ họp; báo cáo Ban Thường vụ tại kỳ họp gần nhất.

c)Triệu tập các kỳ họp thường kỳ và bất thường và Ban Thường vụ.
đ) Chủ trì, chủ động phối hợp với cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh để xây dựng, thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phối hợp công tác tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh.

e) Quyết định việc phân bổ, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật; huy động nguồn lực hợp pháp phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

h) Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát và tạo điều kiện cho hoạt động của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh và thành viên.

i) Đại diện cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

* Về Chủ tịch, các Phó Chủ tịch (Điều 18):

Bổ sung các điểm:

c) Triệu tập, chỉ đạo chuẩn bị và chủ trì các phiên họp của Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; chỉ đạo chuẩn bị và chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ;

d) Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực và theo thẩm quyền ký các văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
đ) Phân công các Phó Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ, lĩnh vực, công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;

* Về Ủy ban Kiểm tra (Điều 19): Sửa đổi và chuyển Chương V. Ủy ban Kiểm tra của Điều lệ hiện hành thành Điều này; trong đó:

+ Tại Khoản 1 quy định “Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra do Ban Chấp hành bầu” và bổ sung quy định “Việc bầu bổ sung, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban kiểm tra do Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quyết định“.

+ Bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra tại các khoản: b) Hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra; đôn đốc, tiếp nhận và tổng hợp báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh; phân công, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành. đ) Giải quyết ….. đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên theo quy định của pháp luật.

+ Sửa, bổ sung vào Điểm 3 Nguyên tắc hoạt động: “Ủy ban Kiểm tra chịu sự chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành; các nghị quyết và quyết định của Ủy ban Kiểm tra được được thông qua khi có trên 1/2 (một phần hai) tổng số ủy viên Ủy ban Kiểm tra biểu quyết tán thành“.

(8) Về Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh: Sửa đổi, bổ sung Chương V. Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh (gồm 02 điều) bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng, quản lý nhà nước đối với Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh; tăng cường phối hợp công tác giữa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh trong triển khai chủ trương, chính sách và pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, về tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh; trong đó:

Điều 22. Tổ chức và hoạt động: đã quy định về vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh. Trong đó:

Khoản 1 quy định: “Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh … thuộc hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy, sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam“.

Khoản 2 quy định: “…. Điều lệ Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh thống nhất về nội dung, hình thức và hiệu lực thi hành của Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.”

Khoản 7 quy định: “Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh báo cáo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trước và sau khi bầu Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra“.

Điều 23. Tài sản, tài chính: đã quy định về việc quản lý tài sản, tài chính của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh.

(9) Về tài sản, tài chính (Chương VI): Quy định cụ thể các khoản thu, trong đó ngân sách nhà nước cấp cho Liên minh theo quy định.

* Khoản 1 Điều 24: Bổ sung các cụm từ “phương tiện làm việc và tài sản hợp pháp khác của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc“, “kinh phí nhà nước cấp, hỗ trợ; kinh phí thu từ hoạt động kinh tế và dịch vụ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc theo quy định của pháp luật” và sửa thành: “Tài sản của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bao gồm: trụ sở, phương tiện làm việc và tài sản hợp pháp khác của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc. Các tài sản này được hình thành từ kinh phí nhà nước cấp, hỗ trợ; kinh phí thu từ hoạt động kinh tế và dịch vụ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc theo quy định của pháp luật và các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài viện trợ, tài trợ, tặng theo với quy định của pháp luật.”.

Tại Điểm a Khoản 2, cụ thể các khoản thu ngân sách “Nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao và tạo điều kiện để hoạt động…” và bổ sung khoản thu từ hoạt động gây quỹ. (Điều lệ nhiệm kỳ Đại hội lần trước chỉ quy định “Ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao“)

* Sửa Điều 25. Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, thành:

1. Việc quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

  1. Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật và tôn chỉ, mục đích hoạt động.”

(10) Về Điều khoản thi hành (Chương VIII): Bổ sung Điều 28. Tổ chức thực hiện (thay thế Điều 26 của Điều lệ hiện hành), gồm 3 Khoản: (1) Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thi hành Điều lệ; (2) Thành viên và thành viên liên kết, tổ chức và cá nhân thuộc hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Điều lệ này; (3) Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ do Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quyết định.

Nhìn tổng quan: Điều lệ (sửa đổi) đã quán triệt nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 78-KL/TW, cơ bản kế thừa Điều lệ nhiệm kỳ trước, những điểm mới của Điều lệ là những điểm hết sức quan trọng, cần thiết, phù hợp chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó:

(1) Xác định rõ vị trí, địa vị chính trị và pháp lý của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam;

(2) Tăng cường chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của hệ thống liên minh HTX với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của thành viên, phát triển tổ chức, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với kinh tế tập thể, HTX;

(3) Thống nhất nhiệm kỳ, Điều lệ, liên kết chặt chẽ hệ thống từ trung ương đến địa phương về tổ chức bộ máy và hoạt động.

 

 

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next