Ngọt ngào mật hoa rừng ngập mặn

  • 07/04/2021
  • 08:17

Chưa đầy một năm sau ngày thành lập (tháng 5/2020), HTX Mật ong Tùng Hằng, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đã từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Sản lượng mật ong của HTX hiện nay đạt khoảng 10.000 lít/năm và luôn “cháy hàng” tại các hội chợ xúc tiến thương mại.

HTX Tùng Hằng được thành lập trên cơ sở Tổ hợp tác nuôi ong với 12 thành viên. Sau khi thành lập HTX còn 7 thành viên, tổng số đàn ong hơn 800 đàn.

Đặc sản của rừng ngập mặn ven biển

Năm 1997, xã Đại Hợp là một trong những địa phương triển khai thực hiện dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Nhật Bản tài trợ. Diện tích rừng ngập mặn của xã Đại Hợp vào khoảng hơn 650 ha và hàng năm vẫn được trồng mới.

Năm 2000, cây rừng ngập mặn (chủ yếu gồm các loại như vẹt, sú, đước, bần, trang và hệ thống cây dây leo…) bắt đầu cho hoa. Từ đó, các hộ nuôi ong ở các tỉnh, thành khác bắt đầu di chuyển đàn ong theo nhau về khu vực rừng ngập mặn của Đại Hợp để ong hút mật hoa. Khi ấy, nhiều hộ dân tại xã Đại Hợp chủ yếu theo nghề đánh bắt thủy hải sản ven sông liền theo học nghề từ các thợ nuôi ong. Dần dần nhận thấy nghề nuôi ong đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại thân thiện với môi trường nên một số hộ đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang nghề nuôi thả ong. Giống ong được các hộ lựa chọn nuôi chủ yếu là ong nội địa (giống ong châu Á) có kích thước nhỏ, không phải di chuyển theo vùng hoa, ít dịch bệnh…

20210406-105028-1617699845-7185-16177006

Hơn 650ha rừng ngập mặn của xã Đại Hợp cho hoa gần như quanh năm (10/12 tháng) là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong.

Anh Đặng Thanh Tùng – Giám đốc HTX vui mừng cho biết: “Hiện, đàn ong của HTX là 800 đàn. Trung bình một năm, mỗi đàn ong cho thu hoạch 12 lít mật, tổng lượng mật của HTX là 10.000 lít/năm. Giá bán 1 lít mật là 300.000 đồng. Sản phẩm có tem mác, nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có hộp đựng… Hiện nay, mật ong của HTX vắt đến đâu bán hết ngay đến đó. HTX tiêu thụ mật tại các thị trường như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An…”.

Khác với ong nuôi tại những nơi khác khi ong hút mật từ hoa vải, nhãn, hay hoa cà phê chỉ đủ lượng thức ăn cho ong khoảng 1 – 2 tháng, hết mùa hoa, thợ nuôi ong lại phải chuyển đàn. Còn với hơn 650ha rừng ngập mặn của xã Đại Hợp cho hoa gần như quanh năm (10/12 tháng) là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong. Đến khoảng tháng 8 – 9, sản lượng hoa rừng ngập mặn ít đi thì các thành viên trong HTX lại di chuyển đàn ong sang địa phương bên cạnh là phường Bàng La (quận Đồ Sơn) – nơi có hàng trăm ha táo Bàng La trổ hoa để ong hút mật.

20210406-105352-1617699935-2247-16177006

Giám đốc HTX Đặng Thanh Tùng cho biết, đặc sản mật ong rừng ngập mặn được người tiêu dùng săn đón.

So với các sản phẩm mật ong nuôi bán tự nhiên khác thì mật ong nuôi từ rừng ngập mặn luôn đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trong nguồn thức ăn của ong, hàm lượng các chất khoáng cao hơn, vì thế mật ong đảm bảo chất lượng và giàu dinh dưỡng hơn. Do những đặc tính vượt trội như vậy, sản phẩm mật ong của HTX Tùng Hằng được coi là Đặc sản của vùng rừng ngập mặn ven biển. Hiện nay, sản phẩm được UBND TP Hải Phòng xếp hạng 3 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Ứng dụng công nghệ cao trong thu tách mật

Trong 2 năm 2019-2020, Hải Phòng có 45 sản phẩm được xếp hạng OCOP, chỉ có 8 đơn vị được hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong đó có HTX Tùng Hằng.

Hiện nay, HTX Tùng Hằng được UBND TP Hải Phòng, Sở NN&PTNT TP Hải Phòng quan tâm đầu tư cho hệ thống máy tách nước thủy phân mật ong. Nhờ có hệ thống máy móc hiện đại này mà mật ong của HTX sau khi thu hoạch sẽ được ép tách nước để đảm bảo hàm lượng nước trong mật dưới 23%, như vậy mật để lâu không bị chua, chất lượng mật tốt hơn.

20210406-105149-1617700063-2823-16177006

 Hoạt động hiệu quả, HTX Tùng Hằng được UBND TP Hải Phòng đầu tư trang bị cho thiết bị máy móc.

Anh Nguyễn Minh Trá, thành viên của HTX Tùng Hằng nhớ lại: “Trước kia chưa vào HTX, sản phẩm mật ong của chúng tôi dù tốt đến mấy cũng khó cạnh tranh với hàng trăm sản phẩm mật ong từ các địa phương khác trong cả nước. Từ khi HTX ra đời, đời sống kinh tế của thành viên được sung túc hơn, sản phẩm của thành viên không phải lo đầu ra, quá trình sản xuất, kinh doanh từng bước được chuẩn hóa, khoa học góp phần nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm”.

Theo kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025, TP Hải Phòng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm Chương trình OCOP, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý sản phẩm OCOP, đồng thời tiêu chuẩn hóa nguyên liệu và quy trình sản xuất. Thành phố còn hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm tại các vùng nuôi trồng, sản xuất sản phẩm OCOP.

Hải Phòng đang nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2025, toàn thành phố có ít nhất 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP thành phố, trong đó 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao…

Thanh Vân

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next