HTX giúp ‘giải bài toán’ rác thải nhà bếp

  • 08/08/2022
  • 10:34

Chưa bao giờ việc “Ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh” lại trở nên “nóng” và được nhiều người quan tâm như lúc này tại Hải Phòng. Nhiều buổi hướng dẫn cách phân loại, ủ rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình từ nông thôn tới thành thị của HTX Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh (quận Dương Kinh) đã thu hút sự tham gia đông đảo của người dân.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, có hiệu lực từ 25/8 tới.

Ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh

Chị Nguyễn Thị Thơm (Hải Phòng) một trong những thành viên tích cực tham gia và lan tỏa việc ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh phấn khởi cho hay: Rác thải sinh hoạt hàng ngày chủ yếu là rác hữu cơ như phần vỏ hoa quả, phần rau củ già úa, vỏ tôm, xương cá, thức ăn thừa bỏ đi… Sau khi được ủ bằng men vi sinh trong các thùng xốp sẽ tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho đất và cây trồng.

Có nhiều loại men vi sinh dùng trong ủ rác với các thành phần, hoạt chất khác nhau. Năm 2015, HTX Môi trường Thành Vinh là đơn vị may mắn được làm việc với chuyên gia môi trường Nhật Bản, được hướng dẫn cách ủ rác và được tặng men vi sinh. Khác với những loại men khác thường có thời gian phân hủy lâu từ 3 – 6 tháng, loại men này giúp rác thải hữu cơ phân hủy hoàn toàn chỉ trong vòng vài ngày đến 1 tháng (tùy kích thước rác). Trong suốt quá trình ủ không phát sinh mùi hôi thối hay rỉ nước.

U-ra-c-hu-u-co-4720-1659749222.jpg

Trung bình lượng vi sinh trong một thùng xốp một tháng sẽ xử lý được khoảng 70kg rác hữu cơ. 

Các công đoạn ủ rác đơn giản, dễ thực hiện, gồm những bước cơ bản như sau: Vỏ trấu, cám và men vi sinh được trộn đều theo tỷ lệ quy định, sau đó cho vào các thùng xốp (thường bằng 1/3 thùng xốp) và phủ 1 lớp vỏ bao lên trên. Hàng ngày, rác thải hữu cơ sẽ được bỏ thêm vào thùng.

Chị Đoàn Thị Mơ – Giám đốc HTX chia sẻ: Nếu là gốc rau hay vỏ hoa quả thì chỉ sau 1 ngày cho vào thùng xốp hàng tỷ men vi sinh mà mắt thường không nhìn thấy sẽ hoạt động và “ăn hết” chỗ rác chúng ta cho vào, đến sáng hôm sau thùng rác đó sẽ xẹp luôn. Nhiệt độ trong thùng xốp thường dao động ở mức 72 độ C. Để rác phân hủy tốt nhất nên trộn đều rác mỗi ngày một lần, đối với những rác to như vỏ mít ta nên cắt nhỏ để phân hủy nhanh. Quá trình ủ rác, người ủ phải cho vi sinh ăn rác thường xuyên, bỏ đói vi sinh sẽ chết, mà cho quá nhiều rác vào cùng một thùng thì cũng quá tải. Trung bình một gia đình từ 4 -5 người, những sản phẩm hữu cơ thải ra sau sinh hoạt có thể ủ được 1 thùng xốp.

“Khi thùng xốp ủ rác đầy sẽ dừng không bỏ rác mới vào và ủ thêm khoảng 5 ngày sau đó mang ra phơi thêm 2- 3 ngày cho phân vi sinh khô lại là có thể dùng bón cho cây trồng. Đồng thời giữ lại một phần rác cũ trong thùng xốp để tiếp tục ủ đợt khác”, chị Mơ nói.

Lan tỏa tới cộng đồng

Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, chị Đoàn Thị Mơ cùng với những người đam mê “Ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh” như chị Nguyễn Thị Thơm, anh Hoàng Đức Bình đang tích cực lan tỏa để nhiều người biết đến phương pháp ủ rác trên. Nhóm đã tiến hành hướng dẫn tỉ mỉ và cho tặng men vi sinh tới hàng nghìn người để về ủ rác. Đa số mọi người ủ rác đều thành công và tiếp tục lan tỏa thông điệp tới hàng xóm, bạn bè, các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội.

Hội ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh được ra đời tập hợp hàng trăm thành viên đam mê ủ rác hữu cơ và ươm cây, trồng rau tại nhà. Chị Vũ Anh Thư, một thành viên tham gia nhóm cho biết: Sau một tuần “vầy” rác theo hướng dẫn của HTX, tôi đã thu được rất nhiều lợi ích. Qua đây, người dân có ý thức phân loại rác cao hơn, chuyện nghiệp hơn. Nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, lại có thêm phân bón hữu cơ cho việc trồng cây, rau màu…

U-ra-c-hu-u-co-1-2543-1659749222.jpg

Bà con nhân dân xã Minh Tân huyện Kiến Thụy đang trộn trấu làm men ủ. 

Bên cạnh việc cho tặng men và hướng dẫn bà con ủ rác, HTX Môi trường Thành Vinh đang thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác của 4 xã và 1 thị trấn của huyện Kiến Thụy; 5 phường của quận Dương Kinh. Sau thời gian tuyên truyền vận động đến nay, tại huyện Kiến Thụy việc phân loại rác đầu nguồn đã đi vào nề nếp, ổn định.

HTX phát các bao tải đến các hộ để phân loại rác thải hữu cơ ra riêng một bao để mang đi ủ, có những hộ gia đình tự ủ tại nhà. Còn rác vô cơ có khả năng tái chế (chai lọ, túi nilon…) đựng riêng một bao. Đối với những sản phẩm rác vô cơ không có khả năng tái chế (vỏ xốp, vỏ bánh kẹo, giẻ lau…), HTX thu gom và đã ký kết hợp đồng với công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ BKS Việt Nam để xử lý, sử dụng làm nguyên liệu đốt phục vụ sản xuất công nghiệp.

Theo giám đốc HTX Đoàn Thị Mơ, mong muốn lớn nhất của HTX là lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác thải, biến những sản phẩm thải từ nhà bếp thành phân bón vi sinh cho đông đảo nhân dân TP Hải Phòng. Hiện nay, sau khoảng 1 tháng nhóm “Ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh” ra đời, các thành viên tham gia nhóm ngày càng tăng. Mọi người thấy quy trình ủ rác rất đơn giản, sạch sẽ và thành công nên giới thiệu thêm rất nhiều bạn bè cùng thực hiện.

“Điện thoại của tôi và các bạn trong nhóm luôn trong tình trạng ngập tràn tin nhắn và cuộc gọi vì thông qua mạng xã hội, sức nóng của phong trào ủ rác tại Hải Phòng đã lan tỏa tới nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Nhiều người dân đã liên hệ để xin men miễn phí và hướng dẫn cách ủ”- chị Mơ vui mừng cho biết.

Thanh Vân

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next