Tính đến hết năm 2022, toàn thành phố có 171 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó, có khoảng 40% chủ thể OCOP của các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác được công nhận đạt từ 3-5 sao. Việc sở hữu các sản phẩm OCOP được xem là một lợi thế cho kinh tế tập thể phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, nâng hạng để các sản phẩm OCOP khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh
Sản phẩm gạo nếp xoắn của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Trào (huyện Kiến Thụy) hiện được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Giám đốc HTX Vũ Bá Quyết cho biết, từ khi gạo nếp xoắn được công nhận sản phẩm OCOP đến nay, giá trị sản phẩm tăng lên đáng kể, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Hiện nay, gần 100% diện tích canh tác vụ mùa của địa phương được cấy giống lúa nếp xoắn (hơn 350 ha). Đây là giống lúa mang hương thơm đặc trưng, vị đậm, cơm dẻo và được Cục Sở hữu trí tuệ, Sở khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Với sự giúp đỡ của Liên minh HTX thành phố, tới đây, HTX tiếp tục triển khai quảng bá thương hiệu để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Còn tại HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên (huyện Tiên Lãng), Giám đốc HTX Nguyễn Văn Chiêu cho biết, từ khi sản phẩm trứng của HTX đạt OCOP 3 sao, người tiêu dùng rất tin tưởng về chất lượng, giá bán cũng được cao hơn. Mỗi ngày đơn vị xuất bán ra thị trường 4-5 vạn trứng, sức tiêu thụ nhanh, cạnh tranh với các đơn vị, tỉnh thành khác.
Sau khi được công nhận OCOP, các đơn vị có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Mặt khác, nhờ tích cực tham gia chương trình OCOP, các HTX tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Với ý nghĩa đó, thời gian qua, Liên minh HTX thành phố có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ các HTX triển khai đăng ký sản xuất sản phẩm chủ lực tham gia chương trình OCOP, tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử… Tính riêng trong 5 tháng năm 2023, Liên minh HTX thành phố phối hợp LĐLĐ thành phố, Liên minh HTX các tỉnh Bắc Cạn, Hòa Bình tham gia 51 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các HTX; tổ chức cho 16 lượt các đơn vị thành viên tham gia “Chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại tỉnh Hà Giang năm 2023”, “Tuần lễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp, nông thôn và làng nghề truyền thống do các HTX sản xuất” và “Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX giữa các Liên minh HTX thành phố giai đoạn 2023-2030”…
Tăng cường tuyên truyền, xúc tiến thương mại
Chăm chút để sản phẩm đạt tiêu chí và trở thành sản phẩm OCOP là cả một quá trình nỗ lực của các HTX. Tuy nhiên, qua đánh giá phân hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, hiện số lượng HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP còn chiếm tỷ lệ thấp. Đặc biệt, việc giữ được chứng nhận, thậm chí nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP thì các HTX và địa phương cần có kế hoạch cụ thể.
Tại HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), sau 3 năm được công nhận OCOP, năm 2023, sản phẩm OCOP của HTX hết thời hạn chứng nhận. Theo Giám đốc HTX Nguyễn Thị Hà, với mục tiêu gia tăng giá trị và đáp ứng yêu cầu thị trường, HTX chủ động xây dựng thương hiệu, chế biến thành các sản phẩm có tiêu chuẩn cao hơn. Theo đó, đơn vị tham gia đánh giá lại 5 sản phẩm OCOP và thêm 3 sản phẩm mới. Hiện, 3 sản phẩm đạt 4 sao, các sản phẩm còn lại đạt 3 sao. Điều này khẳng định OCOP là chương trình quan trọng để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tạo sự tin tưởng, tiếp cận cho nhiều đối tượng khách hàng, góp phần đưa sản phẩm vươn xa.
Theo Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ, quy trình đánh giá sản phẩm OCOP có nhiều điểm mới, phân cấp, phân hạng sản phẩm cho cấp huyện cho các sản phẩm 3 sao với các thủ tục hồ sơ được rút gọn, thang điểm có biến động. Nắm bắt các quy định mới và bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố, thời gian tới, Liên minh HTX thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng cường tuyên truyền, xúc tiến thương mại,. Bên cạnh đó nâng cao nhận thức cho các HTX, tổ hợp tác trong phát triển, sản xuất sản phẩm OCOP, hỗ trợ đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn. Đồng thời tìm hiểu, khảo sát nhu cầu của các đơn vị có sản phẩm OCOP để đưa giải pháp hiệu quả. Qua đó góp phần xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng tại các HTX./.
Đến nay, toàn thành phố có 171 sản phẩm OCOP, trong đó 57 sản phẩm 4 sao; 5 sản phẩm 5 sao. Năm 2023, dự kiến có 70 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, chương trình OCOP thực hiện tại 217 xã, phường, thị trấn; phát triển, nâng cấp hồ sơ đánh giá, phân hạng cho 335 sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, có từ 50-100 tổ chức kinh tế là các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể được lựa chọn phát triển, cơ cấu lại; hoàn thiện, nâng cấp theo chuỗi giá trị cho ít nhất 150-200 sản phẩm OCOP có tiềm năng…
Thanh Vân
