Dự thảo Luật HTX (sửa đổi): Cần tạo thêm ‘không gian’ cho HTX phát triển

  • 05/06/2023
  • 13:55

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) là cần thiết. Trong giai đoạn nước rút như hiện nay, cần có những quy định cụ thể hơn về tín dụng, kiểm toán, giao dịch nội bộ… để phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới của các HTX.

Ngày 25/5 vừa qua, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về Dự thảo Luật HTX (sửa đổi), các đại biểu và ban soạn thảo đã bàn bạc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, đảm bảo thống nhất, đồng bộ một số vấn đề như: Giữ nguyên tên gọi là Luật HTX; Không hạn chế số lượng thành viên tham gia HTX, Liên hiệp HTX; chuyển quyền sử dụng đất cho HTX, Liên hiệp HTX nếu góp tài sản bằng quyền sử dụng đất; Khuyến khích kiểm toán nội bộ tại HTX, Liên hiệp HTX…

Cần quy định cụ thể về tín dụng cho riêng HTX

Ngay như vấn đề thành viên HTX, trước đây, trong Luật HTX năm 2012, đã quy định là thành viên phải góp vốn. Điều này tuy không sai nhưng thực tế, HTX phát triển có thành viên trong (thành viên chính thức) và thành viên ngoài. Nếu những người ngoài (thành viên liên kết) không được công nhận thì rất khó thu hút được thành viên. Chính vì vậy, vấn đề này hiện đã được quan tâm và sửa đổi, bổ sung trong dự thảo nhằm tạo điều kiện cho HTX thu hút, mở rộng thành viên.

Trong các vấn đề được bàn thảo, nhiều HTX, chuyên gia đang quan tâm đến chính sách tín dụng vì khi tín dụng được tháo gỡ trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cũng đồng nghĩa sẽ giúp HTX tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển.

Nếu như trong Luật HTX 2012 đã quy định vấn đề tín dụng nhưng yêu cầu HTX phải có tài sản thế chấp dẫn đến tình trạng HTX không tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại thì hiện Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã bổ sung tài sản chung, không chia để HTX làm tài sản thế chấp ngân hàng.

Nhưng thực chất, điều này cũng chỉ giải quyết được phần nào khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn của HTX. Bởi dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện đã cố gắng quy định về quỹ chung không chia nhưng điểm đáng nói là quỹ không chia (sau đó hình thành tài sản không chia), sau này HTX được sử dụng như thế nào thì trong Dự thảo chưa nêu rõ.

-5851-1685438856.jpg

Quang cảnh buổi công bố kết quả nghiên cứu với chủ đề “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã”.

Chẳng hạn, HTX có một máy gặt đập liên hợp là tài sản không chia, trong đó có 30% vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Khi HTX kinh doanh không hiệu quả, phải bán máy đi nhưng vướng Luật HTX 2012 nên tài sản cứ để đó, thậm chí thành sắt vụn và cũng không thế chấp được ngân hàng.

Theo các chuyên gia, quy định tài sản thế chấp của ngân hàng là hợp lý trong tín dụng và đương nhiên HTX phải chấp nhận cuộc chơi. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, HTX thực chất là mô hình tương trợ lẫn nhau. Thế nhưng, người nhiều vốn cho người thiếu vốn mượn lại bị quy định là “kinh doanh vốn, kinh doanh tiền” là chưa đúng bản chất của HTX. Thay vào đó, cần phải hiểu đó là hoạt động hỗ trợ nhau cùng phát triển của các thành viên, từ đó mới tạo ra tính ưu Việt và phù hợp với thực tiễn cũng như bản chất của mô hình HTX.

Chia sẻ tại buổi công bố kết quả nghiên cứu với chủ đề “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã”, PGS TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng Ban Chính sách phát triển (Bộ NN&PTNT), cho rằng Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) quy định HTX chỉ được cho vay nội bộ (tức là HTX chỉ sử dụng nguồn vốn dư thừa cho thành viên vay) nhưng không quy định cụ thể thành viên này được cho thành viên khác vay là chưa hợp lý, kìm hãm việc huy động vốn trong HTX. Điều này cần tiếp tục đưa ra để ban soạn thảo nắm được và quy định cụ thể trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi).

Bên cạnh đó, pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể về tài chính vi mô, còn Luật Tín dụng chủ yếu gắn vào tín dụng thương mại, phù hợp cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn chứ không gắn vào tín dụng nội bộ nên HTX không tiếp cận được vốn.

PGS TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam, cho biết, so với Nhật Bản, Đức, các HTX Việt Nam không hoặc ít tiếp cận được tín dụng vì Việt Nam không có thị trường tín dụng cho riêng khu vực này. Và hiện trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cũng chưa quy định cụ thể về tín dụng cho riêng HTX.

Nếu doanh nghiệp sống được là nhờ đối vốn thì HTX phát triển được là nhờ đối nhân. Chính điều này khiến HTX rất khó tiếp cận vốn theo kiểu truyền thống (quy định có tài sản thế chấp).

Vì vậy cần có hệ thống ngân hàng cho riêng HTX. Hệ thống ngân hàng có thể cho HTX, thành viên HTX vay những khoản nhỏ, trả trong thời gian ngắn. “Nếu không có riêng hệ thống ngân hàng cho HTX thì mãi mãi HTX không tiếp cận được vốn. Trong khi HTX các nước như Nhật Bản, NewZeland…tiếp cận vốn thuận lợi nhờ họ có hệ thống ngân hàng cho riêng HTX”, PGS TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Vướng nhiều vấn đề

Bản chất HTX ra đời là phục vụ thành viên, chứ không phải kinh doanh nên phải có đối tượng để phục vụ. Một điều vướng trong Luật HTX 2012 là quy định phần lớn dịch vụ phải phục vụ thành viên nhưng lại quên rằng, khi HTX thành lập phải đăng ký dịch vụ phục vụ thành viên nên sẽ gây khó khăn cho HTX khi hoạt động. Khi thành viên không sử dụng hết dịch vụ của HTX, buộc HTX phải bán dịch vụ, sản phẩm ra bên ngoài thì lại vi phạm Luật HTX năm 2012.

Tháo gỡ khó khăn này, hiện Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã quy định HTX phải đăng ký thành lập nhưng đăng ký như thế nào? Nhu cầu dịch vụ ra sao, khối lượng dịch vụ như thế nào, dịch vụ gì? lại chưa được quy định cụ thể.

Về vấn đề giao dịch nội bộ, trong Luật HTX năm 2012 đã có quy định về tỷ lệ giao dịch với các thành viên, giao dịch ngoài thành viên. Nhưng trong quá trình hoạt động của HTX cho thấy, Luật HTX năm 2012 chưa làm rõ được giao dịch nào được xem là giao dịch nội bộ, giao dịch nào không phải là giao dịch nội bộ, trên cơ sở đó khó thiết kế các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp cho HTX. Hiện, giao dịch như thế nào là nội bộ vẫn đang chờ Chính phủ hướng dẫn, quy định trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi).

-3252-1685438857.jpg

Dù đã được quan tâm nhưng vấn đề thu hút thành viên trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Theo PGS. TS. Chu Tiến Quang, nếu trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) quy định về giao dịch nội bộ thì các HTX được sử dụng mức giá nào là hợp lý bởi nếu theo giá thị trường thì thành viên, nông dân còn cần gì hoạt động trong HTX?

“Như vậy cần có giá nội bộ để thành viên có lợi khi tham gia HTX và cũng tránh tình trạng thực hiện giá nội bộ nhưng theo kiểu một giá (giá thủy lợi nội đồng) mà nhiều HTX đang gặp phải vì bị chi phối bởi chính quyền địa phương”, PGS. TS Chu Tiến Quang nói.

Đặc biệt, để tạo sự minh bạch cho HTX trong quá trình phát triển, Dự thảo Luật HTX (năm 2012) đã quan tâm và có những quy định về kiểm toán HTX và hiện nhiều ý kiến đang nghiêng về kiểm toán nội bộ trong HTX.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần hiểu rõ rằng kiểm toán HTX khác với kiểm toán trong doanh nghiệp. Nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay không có kiểm toán HTX, trong khi kiểm toán HTX đòi hỏi phải có cả tư vấn, hỗ trợ để bảo đảm HTX không hoặc hạn chế tối đa rủi ro vì HTX có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thành viên, nếu để HTX phá sản thì đồng nghĩa với việc hàng nghìn người sẽ “chết” theo.

Chính vì vậy, để phát triển được kiểm toán HTX phải có kiểm toán viên riêng cho HTX chứ không thể mang kiểm toán viên của doanh nghiệp vào kiểm toán HTX. Trong khi trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện chưa có cụm từ “Kiểm toán HTX” sẽ tạo khoảng trống trong thực hiện kiểm toán và HTX lại gặp những khó khăn, mâu thuẫn nội bộ, lúng túng khi thực hiện.

Nhiều quy định còn cứng nhắc

Có thể thấy, HTX là tổ chức kinh tế và cũng là chỗ dựa của người nghèo, người nông dân. Chính vì vậy, các quy định, chính sách trong Dự thảo trong Luật HTX (sửa đổi) cần hướng đến người dân, cụ thể là người nông dân. Vì trong hơn 29.000 HTX trên cả nước, có đến hơn 19.000 HTX nông nghiệp, trong đó thành viên của các HTX này chính là người nông dân.

Do vậy, GS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, dù sửa đổi, bổ sung như thế nào thì trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cần tôn trọng sự đa dạng. Vì mỗi nơi, mỗi vùng miền có một đặc điểm riêng, có những quy định pháp luật riêng, luật lệ riêng và HTX hoạt động ở trong địa phương đó sẽ bị ảnh hưởng, tác động trong sản xuất, kinh doanh.

Hiện, Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã quy định những con số cụ thể về vốn góp, tổng tài sản… nhưng nó lại hoàn toàn cứng nhắc, khó phù hợp với từng HTX ở các vùng miền. Trong khi bản chất của HTX hoạt động không chỉ vì giá trị kinh tế mà hướng đến an sinh, xã hội.

“Muốn HTX hoạt động hiệu quả, các quy định pháp luật liên quan đến HTX phải phù hợp với văn hóa và tâm lý người Việt. Người dân hiện bị quản lý bởi nhiều yếu tố như pháp luật, luật lệ, luật tục… Ngoài ra, tâm lý nghèo cả làng ở trên vùng núi gây khó khăn cho HTX mở rộng thành viên, phát triển kinh tế hàng hóa”, GS. Trần Đức Viên nói.

Vì vậy, theo ông Dự thảo cần quan tâm đến những yếu tố này thay vì những quy định cứng nhắc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng, Luật ra đời nhưng có HTX thực hiện được, lại có HTX không thực hiện được. Nơi thu hút được thành viên, nơi không hoặc khó thu hút được thành viên. Từ đó khó khuyến khích HTX mở rộng vốn, phát triển sản xuất.

“Quy định như thế nào về góp vốn, thành viên, thành lập công ty trong HTX… cần có khoảng không cho HTX tự quyết định thay vì quy định cứng nhắc”, GS Trần Đức Viên nhấn mạnh.

Huyền Trang

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/du-thao-luat-htx-amp-lpar-sua-doi-amp-rpar-can-tao-them-khong-gian-cho-htx-phat-trien-1092921.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next