Đầu tư bao bì sản phẩm để mở nút thắt cho HTX tiếp cận thị trường

  • 13/05/2021
  • 10:47

Muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và có thể tiếp cận được với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, việc hoàn thiện bao bì sản phẩm là điều cần thiết đối với các HTX. Tuy nhiên, đến nay, số HTX đầu tư được bao bì sản phẩm đạt “chuẩn” và có sự độc đáo, đặc trưng riêng biệt… chưa nhiều.

Theo nghiên cứu của Nielsen tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và Cần Thơ, 67% người tiêu dùng coi trọng bao bì thiết kế của sản phẩm khi mua sắm. Điều này cho thấy bao bì chính là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp, HTX truyền tải thông điệp, tiếp cận khách hàng.

“Hút khách” từ cái nhìn đầu tiên

Nắm bắt được điều đó, HTX mỳ chũ Xuân Trường (Lục Ngạn, Bắc Giang) không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đầu tư cho mẫu mã, bao bì. Ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc HTX cho biết, trước đây sản phẩm của HTX đã có bao bì nhưng đóng gói không đẹp, sử dụng chủ yếu là túi nilon nên việc tiêu thụ chưa thuận lợi.

Từ năm 2020, HTX lựa chọn loại giấy kraft cao cấp của Nhật Bản để làm túi đựng thành phẩm và thuê đơn vị thiết kế mẫu mã, logo in ấn. Nhờ đó, sản phẩm nhìn đẹp, bắt mắt và phù hợp làm quà biếu tặng, được nhiều người ưa chuộng.

“Việc tiết chế màu sắc, hoa văn phù hợp, khu vực in mã vạch rõ ràng kết hợp sử dụng chất liệu thân thiện môi trường giúp quá trình tiêu thụ thuận lợi hơn. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 85 tấn mỳ, bán giá 30.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với trước”, ông Trường chia sẻ.

Xuan-Truong-2-6682-1620809120.jpg

Sử dụng bao bì giấy kraft đóng gói sản phẩm là bước ngoặt trong việc xây dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng của HTX Xuân Trường.

Sự thay đổi của HTX Xuân Trường cho thấy hướng đi chuyên nghiệp hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một bước chuyển mình của HTX để theo kịp với các nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, đồng thời mở ra nhiều lối đi mới cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tuy nhiên, những HTX làm được như HTX Xuân Trường chưa nhiều. Thực tế cho thấy, có HTX đã đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng việc cải tiến bao bì, mẫu mã vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, cũng như chưa tạo được sức thu hút đối với khách hàng.

Tiêu biểu như HTX làng nghề truyền thống Tân An (Quảng Bình) với sản phẩm chủ đạo là bánh mè. Sản phẩm đã có bao bì nhưng quy trình đóng gói chưa được đầu tư nên vẫn còn thô sơ, xộc xệch, từ đó rất khó tiếp cận với các siêu thị. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX cho biết, quá trình thiết kế bao bì chỉ do thành viên HTX tự nêu ý tưởng, nên hình ảnh và thông tin không đầy đủ khiến người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có 38,3% số chủ thể là HTX tham gia. Trong chương trình này, các HTX phải bảo đảm các tiêu chí về bao bì, nhãn mác của sản phẩm. Theo các chuyên gia, những sản phẩm nào đạt từ 4 sao trở lên cho thấy sự đầu tư của HTX cho bao bì sản phẩm. Còn đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 2-3 sao, tiêu chí bao bì, nhãn mác mới dừng ở mức có đầy đủ các yếu tố, chưa có sự sáng tạo, nét đặc trưng riêng biệt, chưa hiển thị các tiêu chuẩn và chưa phù hợp với tiêu chuẩn thương mại quốc tế.

Đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 1 sao, các tiêu chí về tính hoàn thiện của bao bì, phong cách của bao bì đạt mức điểm thấp nhất, do hầu hết sản phẩm sử dụng bao bì truyền thống, không phát triển thêm hoặc không có bao bì, chỉ để trong túi/chai hoặc đóng gói thông thường. Đây là một sự lãng phí rất đáng tiếc đối với các sản phẩm đặc sản của các địa phương và cũng là “nút thắt” khiến sản phẩm khó có thể tiếp cận với các doanh nghiệp và các siêu thị.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc Siêu thị Big C (hiện đang chuyển sang tên gọi Tops Market và GO!) cho biết, hầu hết HTX gặp khó khăn là chất lượng sản phẩm mặc dù đủ điều kiện theo yêu cầu, có thể truy xuất được nguồn gốc nhưng bao bì nhãn mác lại chưa được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn tem mác của Nhà nước.

“Đây là bước căn bản mà HTX cần phải đáp ứng để có thể từng bước cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại trên kệ siêu thị”, bà Linh chia sẻ.

Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ và nội dung, đa phần bao bì sản phẩm của các HTX vẫn chưa bắt kịp được xu hướng thị trường. Theo các chuyên gia, cuộc sống hiện đại, con người ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm và sự thân thiện với môi trường. Mức độ “xanh” của một sản phẩm có ảnh hưởng lớn tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Điều này được thể hiện qua khảo sát của hãng Nielsen cho thấy, 66% người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền cho sản phẩm đến từ một thương hiệu quan tâm môi trường. Nếu các HTX chậm trễ trong việc cải tiến bao bì sẽ càng khó tiếp cận với khách hàng.

Hợp tác với doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, khi sản phẩm của HTX bắt đầu đi ra thị trường, một thiết kế bao bì đẹp và khác biệt sẽ có khả năng liên kết cảm xúc tới khách hàng. Để làm được điều đó, trước tiên phải đáp ứng đầy đủ phần nội dung để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm. Chính vì vậy, khi thiết kế bao bì, HTX cần phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn quốc gia tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP về thi hành Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa…, có như thế mới thuận tiện cho hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa.

Tại điều 17 của Nghị định 43 quy định rõ, thông tin cảnh báo ghi trên nhãn có thể bằng chữ, hình ảnh hoặc bằng các ký hiệu theo thông lệ quốc tế và quy định liên quan với mục đích lưu ý về các vấn đề an toàn trong sử dụng, môi trường hay vận chuyển. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Số, rất ít HTX để ý đến vấn đề này mà thay vào đó là chú trọng sử dụng hình ảnh, màu sắc thiếu tính thẩm mỹ.

Mai-Duc-THinh-7516-1620809120.jpg

Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 Mai Đức Thịnh cùng đơn vị thiết kế cải tiến bao bì cho các sản phẩm.

Nguyên nhân là do trình độ của các thành viên và HĐQT của nhiều HTX còn hạn chế, chưa nắm bắt được thông suốt các yêu cầu của Nhà nước về bao bì sản phẩm, cũng chưa có khả năng nêu bật sự khác biệt, những giá trị của sản phẩm trên bao bì để khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu.

Để tháo gỡ khó khăn trên, ông Lê Hoàng Anh cho rằng, các HTX cần mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp có chuyên môn về thiết kế bao bì sản phẩm. Thông qua doanh nghiệp, HTX sẽ nhận được những thông tin chính xác, đáng tin cậy và được cập nhật liên tục về đối tượng khách hàng của mình, từ đó xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý nhất để đổi mới bao bì theo đúng yêu cầu của thị trường.

Một trong những điển hình thành công trong mối liên kết này là HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (Mộc Châu, Sơn La). HTX đã cùng ngồi với doanh nghiệp để cho ra những mẫu bao bì đủ về thông tin, đẹp về mẫu mã. Có những bao bì sản phẩm được cải tiến nhiều lần để đáp ứng thị hiếu khách hàng, như: mứt mận, mận sấy, rượu mận… Chính vì vậy, sản phẩm nào của HTX cũng có dấu ấn riêng trên thị trường. Điều đó cũng góp phần khẳng định hình ảnh riêng biệt, đồng thời truyền tải hiệu quả giá trị mà thương hiệu sản phẩm của HTX đem lại cho người tiêu dùng ở trong và ngoài nước.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next