Xuân Giáp Thìn 2024, thêm nhiều sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng tiếp tục “lên sàn” thương mại điện tử, đưa đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, từng bước trở thành kênh bán hàng hiệu quả, tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng.
Quảng bá, tiêu thụ rộng rãi qua kênh trực tuyến
Tết này, chị Nguyễn Hoàng Anh (chung cư Dragon Hill, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh) có thêm trải nghiệm mua sắm trực tuyến các sản phẩm chuẩn vị “made in Hải Phòng” như: nước mắm, bánh đa, pa-tê, chả chìa, chả rươi, cá mòi kho… để ăn Tết và làm quà biếu. Chị Hoàng Anh cho biết, mặc dù trong Nam có đa dạng các loại nông sản nhưng gia đình vẫn thích món ăn của Hải Phòng. Trước đây, chỉ khi có người thân bay vào Nam, chúng tôi mới được dịp thưởng thức quà quê. Nhưng bây giờ, qua các sàn thương mại điện tử, tôi dễ dàng lựa chọn đặc sản Hải Phòng với giá cả cạnh tranh, phù hợp. Chỉ sau 1-2 ngày đặt mua là đã nhận được hàng, các sản phẩm cũng giữ được hương vị rất đặc trưng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, phân phối hàng hoá qua các kênh thương mại trở nên phổ biến. Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Sovi (huyện Kiến Thụy) Lê Việt cho biết, với 3 dòng sản phẩm chính là cá mòi kho (đạt OCOP 4 sao), ruốc tôm, pate Cột Đèn, bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống như hệ thống siêu thị, khu du lịch, hiện nay, đơn vị chú trọng bán hàng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội. Đây là kênh bán hàng hiệu quả, chiếm 30% sản lượng tiêu thụ của công ty, giúp đơn vị cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng. Từ đó khắc phục hạn chế để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Ngô Ngọc Khánh nhận định: Với lợi thế thành phố ven biển, Hải Phòng là thị trường lớn, đầy tiềm năng với nhiều đặc sản nổi tiếng như: nước mắm truyền thống đảo Cát Hải, bánh đa cua, cá mòi kho, chả chìa Hạ Lũng, gạo ruộng rươi, chả rươi… cùng gần 200 sản phẩm OCOP. Dựa trên các thế mạnh về ẩm thực, những năm qua, thành phố duy trì, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu các đặc sản Hải Phòng. Đặc biệt, gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử được đẩy mạnh, hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế số, mang lại giá trị thiết thực cho doanh nghiệp, HTX sản xuất và người tiêu dùng khi có thể mua sắm đặc sản địa phương mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.
Trước đó, từ tháng 10-2023, hơn 20 sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng được đưa lên sàn thương mại điện tử thông qua Chợ phiên OCOP Hải Phòng. Chỉ trong 4 giờ livestream trên nền tảng TikTok, hoạt động thu hút gần 20,7 triệu lượt tiếp cận, hơn 578 nghìn lượt người xem trực tiếp, tổng doanh số đến khi đóng máy đạt hơn 750 triệu đồng. Điều này minh chứng cho sức hút các sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng, cũng như hiệu quả giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử
Mặc dù đạt kết quả tích cực, được người tiêu dùng chào đón, song hiện nay, số cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp đưa “đặc sản” Hải Phòng lên sàn thương mại điện tử của còn khá khiêm tốn, chưa thực sự mang lại giá trị như mong muốn. Hiện nay, hầu hết sản phẩm đặc sản được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao, nên mức độ nhận diện thương hiệu chưa phổ biến. Việc thay đổi thuật toán trên sàn thương mại điện tử làm cho nhiều đơn vị lúng túng trong quá trình kinh doanh. Trong khi đó, nhân sự phụ trách kinh doanh trên sàn thương mại điện tử của các đơn vị chưa được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp…
Theo ông Đặng Thanh Tùng, chủ cơ sở Hợp tác xã sản xuất Mật ong Tùng Hằng ở xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), kênh bán hàng online mở ra nhiều triển vọng để HTX giới thiệu sản phẩm mật ong rừng ngập mặn. Tuy nhiên, để đặc sản quê hương “bay” cao, vươn xa hơn, đơn vị mong muốn được chỉ dẫn về cách thức thu hút khách hàng, marketing và bán hàng hiệu quả trên sàn thương mại điện tử; cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu, xây dựng trải nghiệm khách hàng tốt nhất…
Trước thực tế trên, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Ngô Ngọc Khánh cho biết, thời gian tới, Liên minh HTX thành phố tích cực tham mưu thành phố ban hành các chủ trương, chính sách về đổi mới, phát triển kinh tế thập thể, trong đó chú trọng đến việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cho các HTX nông nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại đối với hiệu quả quá trình sản xuất, tạo sự chủ động, tích cực trong tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử của các HTX. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp các sở, ngành đơn vị liên quan (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ…) tạo thêm nhiều cơ hội tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội, mở rộng thị trường liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thành viên thông qua các chương trình, hội chợ, Festival… Song trên hết, các HTX, doanh nghiệp nông sản cần đẩy mạnh sản xuất, chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, phù hợp với xu hướng thương mại toàn cầu, chủ động hình thành khu vực sản xuất tập trung và chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.
Thanh Vân – Ảnh: Trung Kiên- Báo Hải Phòng
