Công nghệ hậu thu hoạch mở đầu ra cho HTX

  • 04/05/2021
  • 08:03

Hướng đến sản xuất bền vững, khai thác tốt tiềm năng của ngành nông nghiệp, các HTX cần tiếp tục đầu tư áp dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời mở rộng liên kết với doanh nghiệp.

Từng có kinh nghiệm trong việc sản xuất và kinh doanh mặt hàng rau sạch, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã (Phú Thọ) cho biết, nếu không có công nghệ bảo quản sau thu hoạch thì rau chỉ có giá trị khi thu hái tại vườn. Còn sau đó khoảng 12 tiếng, nếu trong điều kiện thời tiết bình thường, rau, nhất là rau ăn lá sẽ biến thành… rác thải.

“HTX từng rơi vào tình cảnh bị đơn vị thu mua từ chối nhập hàng vì rau bị héo, thối, hỏng do không có công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch”, ông Nghĩa chia sẻ.

“Nút thắt” về vốn

Đến nay, nhờ đầu tư khu vực sơ chế, đóng gói, hệ thống kho lạnh trong bảo quản và vận chuyển, rau của HTX luôn đảm bảo chất lượng, thậm chí thời gian bảo quản lâu hơn 5-7 ngày. Riêng rau bắp cải, cà chua có thể bảo quản trong kho lạnh 30 ngày mà không phải sử dụng hóa chất.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đầu tư cho các khâu hậu thu hoạch được một số HTX quan tâm, như: đầu tư công nghệ sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh và bảo quản sinh học…, và đều cho kết quả khả quan. Điển hình là HTX Nông sản Mỹ Hương (Sóc Trăng) xây dựng kho sấy lúa, HTX dịch vụ nông nghiệp Định Tường (Thanh Hóa) đầu tư máy sấy, HTX Rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang) đầu tư nhà sơ chế và kho lạnh để đóng gói và bảo quản rau…

Tuy nhiên, theo chính những HTX này, việc đầu tư công nghệ cho các hoạt động sau thu hoạch cần nguồn vốn rất lớn. Năm 2019, HTX rau sạch Yên Dũng đầu tư khu sơ chế và kho lạnh đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 300m2, kinh phí lên đến 2,7 tỷ đồng. Trong đó, 70% là nguồn vốn của thành viên, 30% là địa phương hỗ trợ.

YD-1342-1619599608.jpg

Hầu hết nguồn vốn đầu tư cho các khâu sau thu hoạch của HTX Yên Dũng là do các thành viên tự góp.

Trao đổi với VnBusiness, Phó Giám đốc Trần Thị Thu Trang cho biết: “Nếu không đầu tư cho khu sơ chế và kho lạnh, HTX không thể hỗ trợ thu mua nông sản cho thành viên, nhất là lúc vào mùa thu hoạch rộ và cũng không bảo đảm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của các siêu thị. Thế nhưng, số tiền bỏ ra rất lớn, nên các thành viên phải thế chấp tài sản cá nhân”.

Với HTX Nông sản Mỹ Hương, dù gắn bó với cây lúa nhiều năm nhưng các thành viên trước đây vẫn phải bán lúa tươi, khi không bán được thì tự bảo quản trong nhà, bởi không đủ tiền đầu tư nhà kho. Chỉ khi liên kết được với một dự án nước ngoài, HTX mới được hỗ trợ xây dựng toàn bộ nhà kho với kinh phí hàng trăm triệu đồng để bảo quản thóc.

Điều đó cho thấy, khó khăn về vốn chính là “nút thắt” khiến các HTX chưa thể đầu tư cho những công nghệ sau thu hoạch. Rất ít HTX chủ động đầu tư được như HTX Yên Dũng và cũng không nhiều HTX có thể nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn như HTX Mỹ Hương, nên việc bảo quản hoặc chế biến… vẫn  còn thủ công, thô sơ và đứt đoạn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất thoát nông sản ở mức cao.

Theo nghiên cứu của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch ở Việt Nam chiếm từ 20-25%, ước tính tổng thiệt hại khoảng 8,8 triệu tấn nông sản (tương đương 3,9 tỷ USD) mỗi năm. Trong đó, tỷ lệ thất thoát ở nhóm rau ăn lá là cao nhất với hơn 30% sản lượng, các loại quả hơn 25%, rau ăn củ từ 10-20%; tổn thất sau thu hoạch lúa từ 14-15%, ngô 18%, sắn 25%, thịt 14%, thủy sản 12%… Khi tổn thất sau thu hoạch không được giải quyết thì không thể nâng cao được giá trị sản phẩm và người nông dân, HTX khó mà sản xuất bền vững.

Trợ lực từ chính sách

Theo các chuyên gia, nông sản, nhất là các loại rau củ quả cần ít nhất 2-24 tiếng để vận chuyển đến thị trường ngoại tỉnh; còn đối với xuất khẩu, thời gian bảo quản cần tối thiểu là 15 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian bảo quản thường kéo dài gấp đôi, gấp ba do nhiều sự cố khác nhau như thiếu xe, chậm vận chuyển, thủ tục… Chính vì vậy, các khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển… cần được đầu tư để bảo đảm giá trị nông sản khi đến tay người tiêu dùng, cũng như bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân và HTX.

Để tránh khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”, hay “được giá mất mùa”, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho bà con nông dân, HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư các thiết bị, sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản, xây dựng kho lưu trữ, dây chuyền đóng gói…, vì việc đầu tư cho các công nghệ này cần nguồn vốn rất lớn. Đây cũng là mắt xích quan trọng để tiến tới cơ giới hóa hoàn toàn trong sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ đã quy định sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, cấp tỉnh và kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ để hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX đổi mới, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Thế nhưng, theo tổng hợp từ các địa phương, đến nay chưa có HTX nào được hỗ trợ từ nguồn kinh phí này.

Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, đối với hoạt động chế biến sản phẩm chỉ được hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản, còn hỗ trợ kho, thiết bị chứa, bảo quản thóc, ngô chỉ áp dụng cho quy mô hộ gia đình.

“Điều này gây khó khăn cho chính người nông dân và các thành viên, vì phần lớn người dân hiện đều tham gia HTX”, ông Thịnh nhận định.

moi-anh-6071-1619599608.jpg

Sự hỗ trợ của Nhà nước và các địa phương là điều kiện quan trọng giúp các HTX phát triển công nghệ sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã vận dụng các chính sách hiện hành như: chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, khuyến nông, chính sách hỗ trợ HTX bảo quản và chế biến. Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh, giai đoạn năm 2015-2020, mới chỉ có 1.600 HTX nông nghiệp nhận được hỗ trợ và mức hỗ trợ chỉ chiếm 30-50%, nên chưa thể giúp HTX đầu tư đồng bộ cho sản xuất, nhất là các khâu sau thu hoạch.

Ông Thịnh kiến nghị, các bộ ngành cần đề xuất rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống các chính sách hỗ trợ như Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg… một cách phù hợp với các luật chuyên ngành và với thực tiễn, nhu cầu của HTX trong đầu tư hậu thu hoạch, để chính sách đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể nhằm giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch trên địa bàn, đi đôi với có các chính sách hỗ trợ (tiền thuê sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư kho lạnh, áp dụng công nghệ…) tạo điều kiện để nông dân, tổ hợp tác, HTX, các cơ sở dịch vụ và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và bảo quản nông sản hàng hóa một cách tối ưu.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next