Chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới thông minh

  • 13/12/2021
  • 09:58

Để thu hẹp hơn nữa khoảng cách về thu nhập giữa người dân nông thôn và thành thị, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để xây dựng nông thôn mới hay xây dựng các làng, xã thông minh thành công, quá trình chuyển đổi số cần phù hợp với đặc điểm của từng địa phương để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nếu ai từng đến xã Yên Hòa (Yên Mô, Ninh Bình) thì đều thấy sự nhanh nhạy của người dân và chính quyền xã trong thực hiện chuyển đổi số để xây dựng xã thông minh.

Gọi điện qua facetime vẫn còn ít diễn ra ở nhiều địa phương khác nhưng đến Yên Hoàn trên 90% dân số đều thực hiện việc này thường xuyên. Gần 100% dân số ở xã đã cài đặt và sử dụng ứng dụng bluzone để thuận tiện trong truy vết dịch Covid-19. Đến nay, 10/10 thôn, xóm tại Yên Hòa đã được kết nối Internet.

Chuyển đổi số là điều bắt buộc

Đặc biệt, HTX sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa từ chỗ chỉ bán sản phẩm cá chạch sụn quanh trong xã, huyện thì nay nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, sản phẩm của HTX đã có mặt ở khắp mọi tỉnh thành và còn phục vụ xuất khẩu.

Trước đây, thu nhập của các thành viên HTX Yên Hòa chỉ khoảng 1.000.000-2.000.000/tháng thì đến nay đã tăng lên 4.000.000-6.000.000 đồng/tháng…

Những gì mà xã Yên Hòa đã và đang thực hiện cho thấy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là điều vô cùng cần thiết. Đặc biệt hiện nay, Nhà nước xác định xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh và thực hiện chuyển đổi số là chủ trương trong giai đoạn 2021-2025. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng đắn.

Chia sẻ tại hội thảo về xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới diễn ra ngày 11/12, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết chuyển đổi số là điều cần thiết và bắt buộc phải làm trong quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng làng xã thông minh nói riêng.

img9995-2-9640-1639222563.jpg

Chuyển đổi số là điều cần thiết nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.

“Việt Nam đang chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 ở các mặt của kinh tế, xã hội, an sinh,… Hầu hết người dân muốn đi lại phải có các ứng dụng chứng nhận đã tiêm vắc xin. Việc mua bán nông sản hiện nay cũng đã được thực hiện chủ yếu trên các mạng xã hội. Chính vì vậy, chuyển đổi số không dừng ở việc có hay không thực hiện mà là điều bắt buộc để thích ứng với thực tại”, ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Không dừng lại ở nhu cầu của xã hội mà các bước triển khai trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng đang rất cần ứng dụng số để giải phóng cách làm thủ công như hiện nay. Chỉ tính riêng một bộ hồ sơ của chủ thể tham gia OCOP cấp huyện cũng đã có tới 470 -500 trang. Nếu là cấp tỉnh và cấp trung ương thì một bộ hồ sơ phải đến 1000 trang. Điều này không chỉ cho thấy lượng tài liệu, sổ sách khổng lồ mà chi phí đầu tư cũng rất lớn.

“Chia sẻ của các chủ thể cho thấy, để đạt được OCOP 3 sao thì riêng tiền photo tài liệu đã mất 10.000.000 đồng. Trong khi hiện nay, có 5289 sản phẩm được công nhận OCOP thì tương đương với khoảng trên 50 tỷ đồng tiền tài liệu, sổ sách. Điều này vừa tốn kém, vừa khó quản lý”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.

Để giải quyết những vấn đề khó khăn trên, chỉ cần thực hiện số hóa sẽ tiết kiệm được kinh phí lại thuận tiện trong công tác quản lý, giám sát. Chính vì vậy, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đang hướng tới đến năm 2022, toàn bộ hồ sơ xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, OCOP,… sẽ được thực hiện và quản lý trên hệ thống điện tử.

“Chúng ta không thể để nông thôn, nông dân ở lại phía sau trong khi cuộc phát triển của tri thức, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Đặc biệt hiện nay, nhiều địa phương đã hỗ trợ người dân, HTX và các chủ thể bán hàng online, thực hiện chuyển đổi số. Và theo khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay 93% các hộ ở các xã đã có điện thoại thông minh, 96% các thôn được phủ sóng 3G. Đi cùng với đó là Nhà nước đang đẩy mạnh hỗ trợ hạ tầng về công nghệ thông tin, môi trường cho phát triển nông thôn. Đây là những nền tảng, điều kiện để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng làng, xã thông minh nói riêng.

“Đau” ở đâu thì chuyển đổi ở đó

Để thực hiện mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh của ngành nông nghiệp thì xây dựng làng, xã thông minh là điều vô cùng cần thiết. Đây cũng là cách nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới là không có điểm kết thúc.

TS Nguyễn Anh Phong, Giám đốc trung tâm thông tin, Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp cho biết, xây dựng mô hình “Làng, xã thông minh” tại Việt Nam là phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp của cả nước và đúng theo hướng đi của thế giới. Và nếu xây dựng làng thông minh theo phong cách Việt Nam từ bây giờ thì khoảng cách với thế giới sẽ dần thu hẹp, đời sống người dân vùng nông thôn sẽ được nâng cao.

Tuy nhiên, để xây dựng được thành công các làng, xã thông minh là điều không hề đơn giản vì theo các chuyên gia, làng xã vốn là đơn vị hành chính gần như thấp nhất hiện nay. Nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về chuyển đổi số chưa được cởi mở, đi cùng với đó là cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng vẫn có những hạn chế nhất định. Trong khi chuyển đổi số là lĩnh vực mới với người dân nông thôn.

langthongminh-5705-1639222563.png

Xây dựng làng,xã thông minh là một trong các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Th.s Đặng Tùng Anh, Cục Tin học Hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết từ thực tế câu chuyện một phát thanh viên ở xã Yên Hòa phải thường xuyên đi sớm về muộn để đọc các bản tin, ông đã giúp phát thanh viên này ứng dụng phần mềm nhận diện giọng nói. Cách làm này đã phát huy tác dụng khi giúp người phát thanh viên đó không phải đi sớm về muộn mà hệ thống truyền thanh có thể phát liên tục các bản tin ngay cả trong mùa dịch.

Hay tại HTX Thiên An (Bắc Kạn), trước đây giám đốc và các thành viên HTX không hề sử dụng mạng xã hội hay bán hàng online nhưng khi định hướng, hỗ trợ HTX chuyển đổi số bằng cách bán hàng qua mạng, hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc, hiện thu nhập của các thành viên đều đạt khoảng 5.000.000-6.000.000 đồng/người/tháng. Từ chỗ không ai bán hàng qua mạng, sử dụng công nghệ thông tin, đến nay, 100% thành viên HTX và các hộ liên kết đã thực hiện chuyển đổi số. Trung bình mỗi tháng, HTX Thiên An có khoảng 350 đơn hàng đặt online, chiếm đến 70% tổng số đơn hàng của HTX.

Th.s Đặng Tùng Anh cho biết, muốn chuyển đổi số thành công, hay nói cách khác là muốn thực hiện làng xã thông minh thì phải bắt nguồn từ chính nỗi “đau”- chỉ số D.A.U (daily active user: số lượng người dùng hàng ngày. Từ những khó khăn, nỗi “đau” đó, khi được ứng dụng công nghệ thành công, người dân, HTX và cả chính quyền địa phương mới thấy được hết những giá trị, từ đó chủ động hơn trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số tại các làng, xã cần phải phù hợp vì hiện nay mỗi làng, mỗi xã có những đặc điểm khác nhau. Có xã lấy làng nghề là định hướng phát triển, có xã tập trung phát triển nông nghiệp nhưng lại có xã phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Chia sẻ vấn đề này, Th.s Đặng Tùng Anh dẫn chứng, tại xã Yên Hòa, các ngành chức năng đã hỗ trợ người dân sử dụng phần mềm tư vấn sức khỏe trên điện thoại. Người dân được cài đặt để có thể liên hệ với bác sĩ và ngược lại. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là có những hộ không có điện thoại thông minh. Chính vì vậy, để hỗ trợ những người còn lại, xã đã bổ sung một tổng đài để những người không có điện thoại thông minh có thể gọi điện thực hiện tư vấn sức khỏe.

“Như vậy, chuyển đổi số phải chuyển đổi từ nơi khó khăn nhất, từ những người yếu thế nhất để không ai bị bỏ lại phía sau. Có như vậy mới mang lại hiệu quả lâu dài”, Th.s Đặng Tùng Anh cho biết.

Muốn xây dựng làng, xã thông minh thì việc chuyển đổi số phải diễn ra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như: Hạ tầng thông minh, sản xuất kinh doanh thông minh, dịch vụ thông minh, nguồn lực thông minh, thiết chế thông minh,… Điều này có nghĩa là người dân, HTX phải chuyển đổi số ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, khảo sát của Công ty cổ phần Phát triển công nghệ KYC, tại các làng, xã ở Hà Tĩnh cho thấy, 95% người dân được khảo sát sử dụng điện thoại thông minh, 77% người dân lựa chọn hình thức nhắn tin là phổ biến nhất khi dùng mạng xã hội, 83,2% người dân sử dụng zalo, 32% người dân quen thuộc với hình thức tuyên truyền thông tin về nông thôn mới qua mạng xã hội,…

Điều này cho thấy, hiện nay năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của người dân phần lớn là trên mạng xã hội zalo vì nó đơn giản, dễ sử dụng. Chính vì vậy theo các chuyên gia, để thực hiện chuyển đổi số thành công ở vùng nông thôn thì việc sử dụng các nền tảng số “make in Việt Nam” là điều tốt nhất. Các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa,… Nền tảng về an toàn an ninh mạng đều đã có ở Việt Nam. Việc sử dụng các nền tảng này vừa thuận tiện trong công tác triển khai, vừa hạn chế phát sinh chi phí lại bảo đảm an toàn thông tin quốc gia. Đây cũng là cách giúp chúng ta tạo ra làng, xã thông minh mang đặc điểm riêng của Việt Nam.

Như Yến

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/chuyen-doi-so-de-xay-dung-nong-thon-moi-thong-minh-1082727.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next