Các vùng cây ăn quả hồi sinh sau bão

  • 17/07/2025
  • 09:54

(HPĐT)- Sau hơn 10 tháng kể từ khi bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại, một số vùng chuyên canh cây ăn quả đã thu quả ngọt do nhiều hộ dân tích cực cải tạo, vun trồng để cây hồi phục.

Nhiều cây thanh long ở thôn Trực Trang, xã An Trường bị gãy đổ sau bão Yagi nay đã hồi phục cho thu hoạch quả.

Nhân thêm niềm vui mùa thu hoạch

Thôn Trực Trang và Quán Trang có 2 vùng chuyên canh cây ăn quả có tiếng ở xã An Trường với những vườn trồng vải thiều, thanh long, bưởi, táo Bàng La… Sau bão Yagi, nhiều vườn cây ăn quả bị bật gốc, gãy đổ, nhiều nhất là thanh long và vải. Một số nông dân ở vùng bãi ven sông Đa Độ thuộc thôn Quán Trang thông tin, trong cơn bão, có lúc nước sông dâng cao, ngập trắng vùng trồng cây ăn quả. Nước rút, các cây ăn quả như vải thiều, táo Bàng La, thanh long, hồng xiêm đều bị ngập úng, thối hỏng. Tuy nhiên, ngay sau khi cơn bão đi qua, nông dân tích cực cải tạo lại vườn. Ông Vũ Văn Thùy ở thôn Trực Trang cho biết, gia đình ông có 8 sào trồng thanh long thì 2 sào cây bị hỏng. Sau bão, ông Thùy cắt tỉa, dựng lại cây đổ, chủ động chăm bón bằng phân hữu cơ… Đến đầu tháng 6-2025, hầu hết vườn cây cho quả trở lại và thu hoạch lượt quả đầu tiên với sản lượng 5 tạ. Dự kiến, các lượt thu hoạch sau sẽ đạt năng suất cao khoảng 1,5 tấn thanh long/sào…

Vùng trồng ổi lê ở xã Vĩnh Bảo từ lâu khá nổi tiếng về chất lượng quả ngon. Địa phương xây dựng được thương hiệu và sản phẩm OCOP cho vùng chuyên canh trồng ổi khoảng 300 ha. Sau bão Yagi, phần lớn các vườn ổi đều bị bật gốc. Gia đình ông Phạm Văn Thường, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Bảo trồng khoảng 300 gốc ổi đều bị nghiêng đổ, một số cây bị bật gốc. Ông Phạm Văn Thường chia sẻ, nhìn vườn cây đổ sau bão, ông thật sự nản lòng, khó tin là cây có thể hồi phục. Nhưng bão vừa qua, gia đình ông mua cọc dựng lại từng gốc ổi, chăm bón theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Đến nay, không phụ công người chăm, vườn ổi hồi phục, cây nào cũng trĩu quả.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, sau cơn bão Yagi, tại các xã sản xuất nông nghiệp có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là 32.637,2 ha, ước thiệt hại 2.346 tỷ đồng. Trong đó, cây ăn quả tại các vùng sản xuất tập trung thiệt hại hơn 731 ha, ước thiệt hại 174 tỷ đồng. Để giúp nông dân hồi phục vườn cây ăn quả bị thiệt hại sau bão, các cán bộ khuyến nông đã có mặt tại cơ sở; hỗ trợ nông dân đánh giá thiệt hại; tổ chức tọa đàm hướng dẫn nông dân các biện pháp hồi phục cây trồng sau bão. Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm, đến đầu tháng 7-2025 một số loại cây ăn quả đã hồi phục, cho thu hoạch quả ngọt, tiêu biểu như: nhãn, vải, thanh long, chuối…

Hỗ trợ tìm đầu ra

Nhiều vườn cây ăn quả hồi phục sau bão và cho thu hoạch quả từ cuối tháng 5 – 2025 đến nay như: vải thiều, chuối, thanh long, mít, ổi… Tuy nhiên, theo phản ánh của nông dân, những loại quả trên đều thu hoạch trùng thời điểm nên việc tiêu thụ khó khăn, chủ yếu bán lẻ hoặc do thương lái thu mua. Thậm chí, một số loại quả bán với giá rẻ hơn so với năm trước. Đơn cử như ổi lê Vĩnh Bảo, thông thường nông dân bán tại vườn với giá từ 15 – 20 nghìn đồng/kg, nhưng thời điểm này phần lớn đều bán với giá 10 – 15 nghìn đồng/kg. Vải thiều vào thời điểm chính vụ, nông dân thu hoạch rộ chỉ bán được giá 8 – 10 nghìn đồng/kg… Anh Phạm Văn Quyên, Giám đốc HTX nông nghiệp Nam Việt ở xã Chấn Hưng thông tin, HTX thu hoạch chuối nhưng với giá bán rẻ sẽ không đủ chi phí mua vật tư nông nghiệp. Sau bão để khôi phục một số vùng trồng cây ăn quả có tiếng như: na bở, chuối… là những sản phẩm được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải bỏ chi phí cao hơn…

Để tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân các vùng trồng cây ăn quả tìm đầu ra cho sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng cần tiếp tục hỗ trợ nông dân kết nối với siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn; tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả trên các nền tảng số và hệ thống các cửa hàng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP của Trung tâm Khuyến nông… Trưởng Phòng Đào tạo – Thông tin và Thị trường (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) Lê Thị Đức cho biết, trung tâm sẵn sàng hướng dẫn nông dân các giải pháp để có thể bán hàng online, tự chủ đầu ra. Cụ thể, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hỗ trợ vùng trồng cà chua Bàng La; ổi lê ở xã Vĩnh Bảo livestream quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất và bảo đảm đầu ra.

Với nông dân các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả cũng cần chủ động hợp tác, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để sản xuất cây ăn quả với năng suất, chất lượng cao, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Duy Miện, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Trường cho rằng, việc hỗ trợ bán hàng theo cách giải cứu chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Nông dân luôn mong được hỗ trợ kiến thức, giải pháp bán hàng hiện đại theo cách livestream trên Tiktok, các sàn giao dịch điện tử… Đây là giải pháp lâu dài giúp người nông dân năng động hơn, chủ động từ sản xuất đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tới nhiều người tiêu dùng…

Kinh tế và đô thị: Đổi mới để phát triển

Liên minh HTX thành phố tổ chức kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập

35 năm Liên minh HTX thành phố Hải Phòng

Chi bộ Liên minh HTX thành phố tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025 -2030

Liên minh Hợp tác xã thành phố sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2025

Kinh tế và đô thị: Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã bền vững

Previous
Next