Các hợp tác xã rau quả tìm động lực từ chuyển đổi số

  • 24/12/2021
  • 10:23

Chuyển đổi số trong ngành rau, hoa quả nói riêng và nông nghiệp nói chung sẽ là yếu tố then chốt giúp nông dân, HTX tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận… Đây cũng là hướng đi hiệu quả, bền vững của ngành nông nghiệp trong thời đại 4.0.

Tại hội thảo: Chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh rau, hoa, quả do Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo rau hoa quả (HIC) tổ chức ngày 22/12, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, nông nghiệp luôn được coi là ngành gian nan, vất vả nhất. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã cho thấy rõ giá trị của nông nghiệp. Chính vì vậy, để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu.

“Nếu bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của ngành nông nghiệp”, PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ.

Hướng đi tất yếu

Thực tế đã có không ít mô hình nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số thành công. Tiêu biểu như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) đã thực hiện sản xuất nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp bằng các giải pháp đồng bộ như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu HTX Rau quả sạch Chúc Sơn.

Bên cạnh đó, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Chính vì vậy, mặc dù thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn vẫn duy trì, phát triển ổn định. Doanh thu của HTX năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

Screenshot-20211222-222458-Zoo-8056-4154

TS Nguyễn Tân Lộc (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho biết chuyển đổi số giúp ngành rau hoa quả nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung thích ứng với tình hình dịch Covid-19.

Đóng góp quan trọng từ hoạt động chuyển đổi còn thấy rõ từ việc hàng nghìn tấn vải thiều của Bắc Giang được tiêu thụ thành công trên sàn thương mại điện tử. Mô hình thành công này đang được nhiều tỉnh, thành trên cả nước áp dụng hiệu quả, từ đó góp phần hạn chế ùn ứ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh.

Có thể thấy, việc áp dụng sản xuất thông minh, thực hiện chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng trong việc minh bạch hóa quy trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm cho thị trường một cách chính xác, đồng thời đảm bảo yêu cầu về đầu ra cho người dân, HTX, doanh nghiệp.

Đặc biệt, sự đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường thông qua môi trường số đã giúp người dân, HTX từng bước thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Việc thay đổi phương thức kinh doanh từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng của người dân, HTX, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng đáng kể.

Theo nghiên cứu, khi thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp cắt giảm chi phí lãng phí trong sản xuất từ 35- 55% so với các phương pháp truyền thống. Thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp cũng là hướng tất yếu khi đây là ngành kinh tế trụ cột của Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, nhưng đại dịch Covid-19 cũng là “cú hích” đáng kể để ngành nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Điều này thể hiện rõ qua sự thay đổi trong xu hướng mua hàng của người tiêu dùng khi ngày càng nhiều người chuyển từ đi chợ truyền thống sang mua trực tuyến. Thanh toán bằng ví điện tử trên nhiều nền tảng như: MoMo, ZaloPay… cũng đang phát triển nhảy vọt tại thị trường Việt Nam.

Thực chất, chuyển đổi số không phải là “đao to búa lớn”, mà là cách làm nông nghiệp khác đi nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Với công nghệ số thì càng ứng dụng nhiều công nghệ sẽ càng thông minh, càng nhiều người dùng thì chi phí sản xuất sẽ càng giảm. Theo các chuyên gia, với 70% dân số là nông dân thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số Việt Nam.

Chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng

Rõ ràng, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là việc người dân, HTX có thể làm. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều HTX nông nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai.

Nguyên nhân là đa số người lao động, thành viên HTX xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương giữa người dân, HTX với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đi kèm với đó là đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn, kinh nghiệm.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Tân Lộc (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho biết, chuyển đổi số thành công cần thực hiện cả trong sản xuất và kinh doanh. Hiện nay, điểm khó khăn của người dân chính là đầu ra cho nông sản, nên việc ứng dụng chuyển đổi số để tránh đứt gãy chuỗi, tránh dồn ứ nông sản cũng là việc hết sức cần thiết.

Giai-phap-nong-nghiep-5205-1640222743.pn

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của ngành nông nghiệp.

Để làm được điều này, người nông dân, HTX cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức ứng dụng công nghệ quảng bá trực tuyến. “Muốn tiếp cận khách hàng tốt hơn trong thời đại số, các hộ sản xuất, HTX cần chú trọng xây dựng hình ảnh, làm các video về sản phẩm bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Hay có những cách quảng bá đánh vào tâm lý khách hàng như: miễn phí ship, có các chương trình ưu đãi. Đây chính là lợi thế trong marketing”, TS Nguyễn Tân Lộc khuyến nghị.

Chia sẻ về việc làm sao có thể tiếp cận với các doanh nghiệp, khách hàng sau khi đã ứng dụng chuyển đổi số thành công trong khâu sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Liên (Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo rau hoa quả) cho biết, nếu muốn tiếp cận khách hàng mục tiêu thì phải hiện diện được thương hiệu của sản phẩm, của đơn vị sản xuất ở nhiều nơi.

Dẫn chứng về việc này, bà Liên cho biết Vingroup (trước đây) đã mở một lúc hàng  trăm cửa hàng, thực hiện treo biển khắp nơi để hiện diện thương hiệu, hay như Bách hóa xanh cũng vậy. Điều này là để khách hàng nhanh chóng nhớ đến và lựa chọn sản phẩm của mình.

“Tuy nhiên, việc hiện diện thương hiệu trong môi trường số thuận lợi hơn cách làm truyền thống là có thể giúp tiết kiệm chi phí. Việc các HTX, người dân cần quan tâm là làm sao để có thương hiệu của mình đẹp, ấn tượng nhằm thu hút khách hàng”, bà Liên nói.

Huyền Trang

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/cac-hop-tac-xa-rau-qua-tim-dong-luc-tu-chuyen-doi-so-1082930.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next