Xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp

  • 18/02/2021
  • 07:54

Thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đó là đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, qua quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều công ty, đơn vị nuôi tôm theo hình thức chuỗi giá trị khép kín, được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản: GlobalGAP, BAP, ASC, Organic… Ngoài ra, tỉnh phát triển ổn định ngành hàng lúa gạo theo mô hình sản xuất lớn, liên kết chuỗi giá trị, với sản lượng lúa tăng từ 1,066 triệu tấn năm 2015 lên 1,15 triệu tấn năm 2020.

Tại Hải Dương, ngành nông nghiệp cũng đã và đang đẩy mạnh hình thành chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình GAP. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 335 ha lúa sản xuất hữu cơ, 114 mô hình lúa quy mô tối thiểu 30 ha/vùng được gieo cấy “một vùng, một giống, một thời gian”. Các vùng sản xuất rau chuyên canh cho hiệu quả cao tiếp tục được duy trì và mở rộng diện tích… Nhờ sản xuất theo chuỗi giá trị, trong năm 2020, nhiều nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường chất lượng cao, như: vải, nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ; cà-rốt đi Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước khu vực Trung Đông; bắp cải xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản; dưa chuột muối xuất khẩu đi Nga, Hàn Quốc; hành, tỏi xuất khẩu Ma-lai-xi-a.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, tỉnh đã triển khai thành công Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản” theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đề án dành kinh phí hơn 26 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ về khoa học – kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; trong đó, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến vào chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Qua triển khai, trên địa bàn Hưng Yên đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình, tiêu biểu như: Công ty TNHH Hoàng Minh Châu với nhóm sản phẩm từ nghệ gồm: Nano Curcumin, sữa nghệ Nano Collagen, kem nghệ, tinh bột nghệ; Hợp tác xã nhãn Miền Thiết với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên, long nhãn…

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của toàn ngành nông nghiệp. Thời gian qua, một số mô hình chuỗi giá trị đã được hình thành và chứng minh hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên số lượng chưa nhiều và chưa phân bổ đều ở các lĩnh vực, ngành nghề. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng trên cả nước vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, khó hình thành những khu sản xuất tập trung để áp dụng khoa học – kỹ thuật cũng như kiểm soát các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh việc hình thành các mô hình chuỗi giá trị theo các hình thức như: Hợp tác xã/tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp; Doanh nghiệp sản xuất liên kết với doanh nghiệp phân phối; Doanh nghiệp thực hiện toàn bộ các khâu trong chuỗi… Muốn vậy, các địa phương cần sớm quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, làm cơ sở cho việc hình thành các chuỗi giá trị. Như tại tỉnh Bạc Liêu, theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh xúc tiến đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 4.000 ha nuôi trồng; thực hiện cánh đồng lớn gắn với bao tiêu lúa gạo đạt 100.000 ha, chiếm hơn 51% diện tích gieo trồng lúa… Ngoài ra, ngành nông nghiệp các địa phương cũng tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất và kinh doanh theo hướng mở rộng quy mô, bảo đảm đủ các điều kiện để chuyển đổi loại hình hoạt động thành hợp tác xã kiểu mới hoặc doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Nhằm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản địa phương, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCop). Mục tiêu của chương trình này là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp.

THÙY ANH

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next