Thực tiễn và hướng đi xây dựng mô hình cho HTX thủy sản ở Việt Nam

  • 05/08/2013
  • 09:39

Hướng đến cơ sở là chủ trương lớn của Liên minh HTX Việt Nam, Viện phát triển kinh tế hợp tác trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam luôn chú trọng đến chủ trương trên. Trong chương trình công tác tại Hải Phòng ngày 26/7 vừa qua, Viện đến thăm và làm việc với Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Tân Thành nằm trên địa bàn phường Tân Thành, Quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng. Cùng đi với đoàn có ông Lê Đức Tùng Phó chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hải Phòng. Ông Vũ Kim Quang Phó chủ tịch phường đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Dảo Chủ nhiệm hợp tác xã, ông Phạm Văn Chi trưởng Ban Kiểm soát đã tiếp và làm việc với đoàn. Trong chương trình làm việc lần này, Viện trưởng – TS Nguyễn Thị Thúy Anh cho biết muốn tìm hiểu thực tế hoạt động của HTX để có thêm số liệu phục vụ việc đánh giá những thuận lợi, khó khăn hiện nay của các hợp tác xã thủy sản nói chung, làm cơ sở lý luận cho các dự án mà Viện đang thực hiện và từ đó đề xuất mô hình hợp tác xã phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Theo Lãnh đạo địa phương, Tân Thành trước đây chuyên canh lúa, 13 năm trở lại đây người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn hiện có hai cơ sở nuôi trồng, kinh doanh thủy sản đó là xí nghiệp kinh doanh thủy sản của địa phương và Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Tân Thành.

Theo báo cáo, hợp tác xã Tân Thành nằm trên địa bàn có 1148 hộ gia đình trong đó 651 hộ là xã viên hợp tác xã, số lao động thường xuyên của hợp tác xã cũng là 651 người làm việc 3-4h/ngày, thời kỳ cao điểm số lao động được huy động lên tới 1000. Diện tích nuôi trồng của hợp tác xã tổng cộng 150 ha, trong đó 141 ha nuôi trồng quảng canh (nuôi trồng tự nhiên), 9 ha nuôi trồng công nghiệp, sản phẩm chính của hợp tác xã là: tôm, cá, cua, rau câu, tảo biển sản lượng bình quân đạt 150-180 tấn/năm, doanh thu khoảng 110-120 triệu/ha. Ngoài nuôi trồng thủy sản hợp tác xã còn làm các dịch vụ: thủy lợi (nạo vét kênh mương, điều tiết nước biển); dịch vụ con giống, kỹ thuật nuôi trồng phục vụ thành viên.

Thuận lợi, khó khăn của hợp tác xã:

Ông Dảo cho biết hợp tác xã không lo về lực lượng lao động vì thời gian nông nhàn rất nhiều đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản mỗi lao động chỉ làm 3-4h/ngày. Tuy nhiên, ngày công lao động động còn thấp. Còn khó khăn thì rất nhiều: môi trường, vốn, nhận thức người dân, đầu ra cho sản phẩm nuôi trồng…

Vấn đề đáng báo động hiện nay đó là môi trường, qua trao đổi được biết với diện tích nuôi trồng 150ha nhưng có đến 141ha nuôi quảng canh nên phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên sản lượng rất thấp và đang gặp phải vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì ngay tại địa bàn hợp tác xã có nhiều nhà máy xí nghiệp sản xuất xả thải gần như trực tiếp ra môi trường nên ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích canh tác quảng canh.

Về sản lượng 6 tháng đầu năm 2013, thu hoạch của hợp tác xã đạt 83 tấn trong đó thu hoạch từ 9ha nuôi công nghiệp cho sản lượng 60 tấn. Chủ nhiệm HTX cho biết sở dĩ có sự chênh lệch sản lượng lớn như vậy là do nuôi công nghiệp đã đưa khoa học, kỹ thuật vào trong nuôi trồng từ khâu xử lý nước, con giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh môi trường luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, do nhận thức người dân còn thấp, do đầu tư nuôi công ngiệp chi phí rất cao, nên chủ yếu vẫn là nuôi trồng quảng canh, phó mặc cho tự nhiên nên hợp tác xã đã có chủ trương tăng diện tích nuôi trồng công nghiệp nhưng chưa thể thực hiện đại trà được.

Trong cuộc thảo luận, Viện muốn biết hợp tác xã hay chính quyền địa phương có giải pháp gì để cải thiện môi trường hay không?

Câu trả lời nhận được là rất khó, hợp tác xã đã có kiến nghị với chính quyền địa phương, chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền, nhưng câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ.

Vậy vấn đề mấu chốt ở đây là gì?

Được biết các doanh nghiệp sản xuất xả thải nơi đây là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên thẩm quyền giải quyết không thuộc phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương. Câu chuyện này, có lẽ không riêng gì Hải Phòng mà đang là vấn đề nóng của các tỉnh/thành phố có khu công nghiệp. Do vậy, thiết nghĩ cần có biện pháp đủ mạnh từ phía chính phủ, chính quyền các tỉnh/thành phố để giải quyết triệt để vấn đề cấp thiết này nhằm mang lại quyền và lợi ích chính đáng cho người nông dân.

Môi trường là vậy, khâu tìm đầu ra cho sản phẩm cũng gặp vô vàn khó khăn và có thể nói đây là khâu then chốt không riêng cho hợp tác xã nuôi trồng Tân Thành mà cho bất kỳ cơ sở sản xuất, kinh doanh nào. Qua tìm hiểu hoạt động tiêu thụ sản phẩm nơi đây chủ yếu bán cho đầu nậu nên thường bị ép giá, phần lớn do HTX gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiếu vốn, không có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng như : cơ sở chế biến, kho lạnh, cảng cá… để làm dịch vụ. Điều này khiến cho vai trò của HTX còn mờ nhạt. Ông Dảo tâm sự, mỗi khi hợp tác xã đi tìm nơi tiêu thụ mới cho xã viên thì các thương lái tìm mọi cách cản trở (ví dụ tăng giá thu mua…) Ông còn cho biết, hình như thương lái ở đây còn có bàn tay của thương lái nước ngoài điều khiển….

Ngoài những khó khăn trên, hợp tác xã còn gặp phải một số vấn đề về con giống, thiếu thốn về vốn vì chủ yếu là vốn góp, trợ giúp về kỹ thuật từ phía các nhà khoa học chưa nhiều, chất lượng con giống không đảm bảo do không thể kiểm soát; dịch bệnh cũng vậy. có thời kỳ dịch bệnh gây chết hàng loạt, không kiểm soát được gây thiệt hại không nhỏ cho bà con xã viên. Hệ thống kênh mương cũng còn nhiều bất cập …

Chia tay hợp tác xã chúng tôi ra về với bao trăn trở, câu chuyện hôm nay không phải chỉ xảy ra ở Hải Phòng mà có thể nói hầu hết các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trên cả nước mà chúng tôi đã đến đều gặp phải những khó khăn nêu trên. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi nỗ lực hơn trong nghiên cứu để nhanh chóng đưa ra những giải pháp, mô hình hợp tác xã khép kín từ khâu nuôi trồng, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ phù hợp với điều kiện của Việt Nam, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền đưa ra những chính sách phù hợp nhằm mang lại quyền và lợi ích cho người nông dân.

Để đi đến hiện thực, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và phát huy hơn nữa vai trò đại diện hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX các cấp cùng sự nỗ lực, vươn lên của chính bản thân người dân về mọi mặt từ nhận thức đến hành động.

Nguyễn Thế Phương

(LMHTXVN) Tổng hợp từ Viện Kinh tế hợp tác ICED

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next