Mở rộng quy mô để HTX phát triển bền vững

  • 05/01/2021
  • 07:31

Muốn phát triển theo chuỗi, buộc HTX phải sản xuất tập trung theo quy mô lớn và thu hút được nhiều thành viên tham gia. Việc này không chỉ giúp HTX tạo thế cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp đối tác  mà còn mang lại những lợi ích thiết thực là giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.

thanh-vien-6375-1609296105.jpg

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến hết 31/12/2020, cả nước có 119.248 tổ hợp tác, thu hút 1.665.271 thành viên và 26.112 HTX, thu hút 6,1 triệu thành viên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, tập trung cao hơn vào việc hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế thông qua việc cung cấp các dịch vụ và việc làm, đặc biệt là HTX nông nghiệp.

Quy mô nhỏ vì ít thành viên

Ở một quốc gia có thế mạnh phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản như ở Việt Nam, HTX đóng vai trò rất quan trọng, là đơn vị cung cấp các dịch vụ đầu vào như bán vật tư, phân bón, giống, thức ăn, thuốc thú ý hoặc các dịch vụ làm đất, phun thuốc theo nhu cầu. Một số HTX cung cấp các dịch vụ sau sản xuất như sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Thông qua các dịch vụ này, thành viên có thể giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm. Các thành viên cũng được hưởng lãi chia theo vốn góp hay tỷ lệ sử dụng dịch vụ. Nói cách khác, thành viên chính là chủ sở hữu của các HTX, họ vừa được hưởng các dịch vụ do HTX cung cấp và có trách nhiệm phát triển HTX của mình.

Tuy nhiên hiện nay, tổ hợp tác, HTX vẫn còn những khó khăn nhất định. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do số lượng thành viên tham gia vẫn còn khiêm tốn nên quy mô hoạt động của tổ hợp tác, HTX vẫn còn nhỏ. Điều này gây khó khăn trong việc phát triển theo chuỗi giá trị, nhất là ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.

Theo hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX, liên hợp tác xã thông qua số lượng thành viên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, HTX có quy mô siêu nhỏ là HTX có dưới 50 thành viên; HTX quy mô nhỏ có từ 50 – 300 thành viên; HTX quy mô thành viên vừa có từ trên 300-1.000 thành viên; HTX quy mô thành viên lớn là HTX có từ trên 1.000 thành viên.

Hiện, quy mô của các HTX là khác nhau, phụ thuộc vào đặc thù của từng vùng địa lý và lĩnh vực sản xuất… Tuy nhiên, HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp thường có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ.

Theo nghiên cứu của TS. Võ Thị Kim Sa (Trường Cán Bộ Quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2) tại 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, cho thấy đang có 304 HTX hoạt động trong ngành lúa gạo với 38.322 hộ thành viên. Quy mô bình quân của mỗi HTX là 126,1 thành viên, HTX có số thành viên cao nhất là 1.814. Tuy nhiên vẫn có những HTX chỉ có 6 thành viên, trong khi, theo Luật HTX 2012, HTX khi thành lập phải có ít nhất 7 thành viên.

Ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang cũng thừa nhận, một trong những khó khăn của HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay là quy mô còn nhỏ. Số thành viên trong HTX tương đối ít. Chỉ khoảng 20-30% HTX có quy mô từ 300-400 thành viên trở lên.

Thực tế cho thấy, không chỉ các HTX ở An Giang, mà hầu hết các HTX trên cả nước đều có quy mô nhỏ lẻ. Số lượng thành viên chưa cao nên chưa phát huy được thế mạnh của mô hình kinh tế hợp tác. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về bản chất, vai trò của mô hình HTX của các thành viên, thậm chí của Ban hội đồng quản trị và ban giám đốc chưa rõ, dẫn tới việc họ chưa có sự tin tưởng, chung sức phát triển mô hình HTX. Điều này dẫn đến sự gắn kết trong HTX còn lỏng lẻo, khó huy động vốn, hạn chế khả năng mở rộng quy mô và liên kết với doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhận thức về bản chất và vai trò của người dân chưa tham gia HTX vẫn còn hạn chế, khiến họ e dè khi tham gia hoặc thành lập mô hình HTX. Các HTX hiện vẫn còn lúng túng trong việc xác định mô hình kinh doanh, hay việc xây dựng, xác định mô hình kinh doanh cụ thể, chưa minh bạch kế hoạch kinh doanh nên khó huy động các nguồn lực từ các thành viên cũng như nông dân tham gia HTX.

Giải pháp nào?

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị, HTX có quy mô đủ lớn sẽ có dịch vụ đầu vào giảm 10-30% và đầu ra tăng 10-30% so với giá cả thị trường, vì dịch vụ cho số lượng lớn, bán buôn và giá cả đầu vào, đẩu ra ổn định lâu dài.

Năm bắt được điều này, HTX nông nghiệp Phú Thạnh (Phú Tân, An Giang) thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 HTX Đức Lộc, Phú Cường và Trường Thạnh với 154 thành viên vào năm 2005. Lúc này, HTX chỉ thực hiện 2 dịch vụ chính là bơm tưới và sấy nông sản.

Tuy nhiên với mong muốn đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên, hướng tới HTX quy mô cấp tỉnh, HTX Phú Thạnh thực hiện minh bạch trong sản xuất kinh doanh. HTX đã có đội ngũ kế toán thông báo rõ thu chi. Ban giám đốc cũng lập kế hoạch sản xuất cụ thể theo tháng, quý. Đến nay, Phú Thạnh đã mở rộng lên 12 dịch vụ, số lượng thành viên, diện tích sản xuất tăng qua các năm. Nếu như năm 2017, HTX có 314 thành viên, sản xuất 1.646ha thì đến nay là 378 thành viên, sản xuất trên diện tích 1.725ha. Đây là điều kiện thuận lợi giúp HTX đáp ứng được điều kiện của Tập đoàn Lộc Trời trong liên kết sản xuất lúa theo chuỗi.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh, ông Trần Văn Lô Ba, cho biết: “Khi ký kết hợp đồng, Tập đoàn Lộc trời yêu cầu HTX phải có diện tích tối thiểu là từ 200ha. Chỉ tính mỗi thành viên sản xuất trung bình 1 ha thì với diện tích 200ha, HTX phải thu hút được ít nhất 200 thành viên”.

Nhờ thu hút được thành viên, HTX luôn bảo đảm sản lượng lúa cung cấp cho doanh nghiệp theo hợp đồng ký kết, chi phí đầu tư cho sản xuất cũng giảm 10-20% mỗi năm. Tất cả 12 dịch vụ đều hoạt động có lãi. Mục tiêu của HTX trong năm tới là sẽ liên kết được với 2-3 HTX để mở rộng quy mô thành viên lên trên 400, từ đó tạo tiền đề trở thành một trong những HTX quy mô lớn ở trên địa bàn tỉnh.

Thực chất quy mô HTX phụ thuộc vào tính đặc thù của sản phẩm, nhu cầu thị trường và năng lực quản trị của HTX. Có rất nhiều cách đề tăng quy mô nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho HTX. Trong đó, ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và từng tỉnh như hiện nay, cần thúc đẩy việc nâng cao nhận thức về bản chất HTX cho thành viên và những người ngoài thành viên. Cần nâng cao năng lực quản trị HTX trong việc lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch quản trị.

Để làm được điều này, việc làm cần thiết là xây dựng các mô hình đào tạo có hệ thống, phù hợp với nhu cầu chuyên môn của từng vị trí trong HTX, từ đó hấp dẫn trí thức trẻ về làm việc và gắn bó với HTX, đồng thời thu hút người dân tham gia mô hình kinh tế hợp tác.

Bên cạnh đó, theo TS. Võ Thị Kim Sa, các HTX cũng cần năng động và sáng tạo lựa chọn con đường phù hợp nhất và quản trị HTX của mình trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Đặc biệt các HTX có thể chuyển mình, vươn lên một cấp độ cao hơn đó là cùng nhau liên kết thành các liên hiệp HTX hoặc thành các HTX quy mô cấp tỉnh, cấp vùng để thích ứng hơn với bối cảnh toàn cầu hóa và phù hợp với những nguyên tắc trong Luật HTX 2012.

“Trong thời đại toàn cầu hóa, chuỗi giá trị toàn cầu không thể đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy ngoài các chính sách hỗ trợ HTX, người dân cần phải vào các HTX quy mô lớn. HTX nhỏ sẽ làm thành viên HTX quy mô lớn, cấp huyện, tỉnh khu vực, quốc gia, quốc tế”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho biết.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next