Làng nghề chiếu cói Lật Dương

  • 01/10/2020
  • 15:45

Ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng, ngoài Lật Dương còn có Lật Khê, Chính Nghị và Lêu vốn có nghề dệt chiếu cói. Nhưng bây giờ thì chỉ còn Lật Dương duy trì nghề truyền thống này.

Trước năm 1990, huyện Tiên Lãng cùng với huyện Vĩnh Bảo kề bên là vùng cói lớn không những của thành phố Hải Phòng mà còn của cả miền duyên hải Bắc Bộ. Chỉ kể hai cơ sở chuyên canh là nông trường Vinh Quang (Tiên Lãng) và nông trường Trấn Dương (Vĩnh Bảo) đã có gần 2.000 ha. Cũng trên địa bàn hai huyện còn có hai xí nghiệp chế biến cói, trang bị khá hiện đại, mỗi năm sản xuất hàng vạn sản phẩm từ cói như chiếu, thảm, bao manh, làn, bị cói… thu hút hàng nghìn lao động. Ðã một thời, bao manh cói, làn, bị cói được coi là “mốt” đóng gói hàng vận chuyển xa và đồ xách tay tiện lợi của các bà, các chị nội trợ. Còn chiếu cói thì khỏi nói, có nhà nào lại không mỗi năm mua một, hai đôi về trải giường, nhất là khi Tết đến muốn có chiếc chiếu hoa. Còn bây giờ, hàng ni-lông xâm nhập vào tất cả, từ chiếc làn đi chợ, túi đựng đồ đến bao bì đóng hàng, và dĩ nhiên không loại trừ cả chiếc chiếu trải giường làm bằng ni-lông bày bán đầy dãy ở các siêu thị. Vậy thì cói và nghề dệt chiếu cói ra sao?

Làng nghề Lật Dương, xã Quang Phục có từ thế kỷ XVII với sản phẩm chiếu cói được trong và ngoài thành phố biết đến. Doanh thu hàng năm của làng nghề có thời đạt từ 10 – 12 tỷ đồng/ năm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, làng nghề đứng trước những khó khăn về vốn, nguyên liệu để phục vụ sản xuất.

Trước đây cuộc sống của bà con trong làng khấm khá lên nhờ nghề truyền thống, sản phẩm được tiêu thụ khắp trong và ngoài thành phố. Việc phát triển làng nghề đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho đại bộ phận người dân. Được biết, tầm tháng 7- 8 âm lịch là thời điểm các hộ dân đi thu mua cói ở các bãi, vùng trong và ngoài thành phố về sản xuất. Tuy nhiên hiện nay ở một số địa phương ven biển, diện tích cây cói bị phá bỏ để khoanh vùng nuôi trồng thuỷ sản đã đẩy nguồn nguyên liệu khan hiếm và giá thành cao. Vì vậy, tại thời điểm này, các hộ dân trong thôn luôn sản xuất cầm chừng với tâm lý sợ hết nguyên liệu.

Ngoài việc thiếu nguyên liệu, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất cũng còn hạn hẹp. Được công nhận là làng nghề từ năm 1999 với việc thành lập HTX làng nghề chiếu cói Lật Dương nhưng sự đầu tư cho trang thiết bị phục vụ sản xuất ở đây vẫn lạc hậu. Thực tế cho thấy, đại bộ phận các hộ khi đi mua cói đều phải vay tiền ngân hàng, thậm chí bán cả tài sản lấy tiền mua nguyên liệu về làm.

Trước thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường, không biết bao nhiêu người ở bao nhiêu nơi đã bỏ nghề dệt chiếu, thì người Lật Dương chẳng những giữ được nghề, mà còn đưa nó thành thương hiệu “Chiếu cói Lật Dương” nổi tiếng khắp vùng Hải Phòng, Hải Dương, ra tới Quảng Ninh, lên tận Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau một thời gian dài mai một, giờ đây làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng) đã trở lại không khí nhộn nhịp, tạo sắc thái mới cho một làng nghề dệt chiếu duy nhất ở thành phố hiện nay.


Nét đặc biệt của làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương là chợ chiều. Chợ được họp từ 12 giờ trưa. Chợ chỉ bán chiếu, người đi chợ đều là người làm nghề và cũng chỉ họp trong khoảng 1 tiếng thì vãn chợ. Đây là một sinh hoạt mang tính đặc thù của làng nghề mà còn ít người được biết.

Theo http://haiphonginfo.vn

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next