Khai thông ứng dụng công nghệ cho HTX

  • 29/05/2023
  • 10:28

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội), cho biết sản phẩm OCOP của các HTX vào siêu thị, cửa hàng nông sản sạch vẫn còn khiêm tốn nên khó thu hút được người tiêu dùng. Và thực tế, việc nông đặc sản của HTX mới đưa vào các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch cũng sẽ hạn chế việc tiếp cận của người tiêu dùng.

Nhiều thách thức

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Nam Thể (Bắc Giang) cho biết, nông sản của một số HTX đã được xuất khẩu tuy nhiên phần lớn vẫn rơi vào tình trạng ép giá, dư cung khi vào thu hoạch rộ. Nếu không có Trung Quốc nhập khẩu thì đầu ra cho nông sản cũng rất nhỏ giọt.

Điều này đòi hỏi các HTX phải nhanh chóng thích ứng và đưa công nghệ vào sản xuất kinh doanh để thu hút đối tác, tạo ra số lượng khách hàng rộng lớn.

-9789-1685092997.jpg

Cần hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, hầu hết các HTX hiện nay gặp khó khăn trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh. Cụ thể, nếu HTX muốn xuất khẩu sang Nhật Bản, nông sản-thực phẩm của HTX phải đạt chứng nhận HACCP. Tuy nhiên, nhiều HTX cho rằng, tiêu chuẩn này đòi hỏi các tiêu chí rất cao, chặt chẽ, HTX phải đồng bộ và khớp nối mọi khâu trong từng quy trình sản xuất và đầu tư công, cơ sở hạ tầng. Trong khi HTX chưa hoàn thiện về nhân lực, đầu tư chưa liên hoàn, các sản phẩm chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nên mang tính mùa vụ cao.

Ngoài ra, việc kết nối quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử của HTX còn khó khăn. Bà Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX Tây Bắc (Sơn La) cho biết, ở vùng núi nên mạng internet, sóng điện thoại còn chập chờn, chỉ những loại máy điện thoại có chức năng nghe gọi mới dễ bắt sóng nhưng lại không thể ứng dụng vào bán hàng. Bên cạnh đó, các đơn vị gửi hàng, bưu điện đều ở xa gây khó khăn cho việc giao nông sản với số lượng lớn. Đi liền với đó là khâu thanh toán, các đơn hàng có giá trị cao gặp khó khăn do phải ra tận các ngân hàng huyện cách xa nhà người dân.

Chính vì vậy, hệ thống khách hàng của các HTX còn khiêm tốn, thậm chí rất ít HTX có thể xây dựng được tệp khách hàng để chủ động đầu ra và cạnh tranh trên thị trường.

Chỉ đơn giản như việc máy điện thoại không có sóng và mạng internet chập chờn đã làm giảm khá nhiều khả năng tiếp cận khách hàng của HTX. Trong khi một nghiên cứu cho thấy, có đến 71% người dùng muốn được chat online với đơn vị bán hàng trong vòng 5 phút. 41% người dùng mong muốn email được trả lời trong vòng 6 giờ và 36% người dùng mong muốn nhanh hơn thế. Nhưng điều này lại là khó khăn với không ít HTX, nhất là các HTX ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Ngược lại, nếu HTX, doanh nghiệp mở rộng được thêm 5% khách hàng và giúp 5% khách hàng này quay lại sẽ tăng 125% lợi nhuận.

Xây dựng tệp khách hàng

Trước những số liệu trên cho thấy, việc xây dựng và mở rộng tệp khách hàng là điều cần thiết đối với mỗi HTX. Bởi điều này giúp các HTX chủ động trong mở rộng đầu ra, thích ứng với sự thay đổi của khách hàng. Đặc biệt với những HTX đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để làm dịch vụ, việc có tệp khách hàng nhất định và liên tục được mở rộng sẽ giúp máy móc, công nghệ được hoạt động hết công suất, tránh hoạt động theo mùa vụ, làm giảm doanh thu và lợi nhuận.

Vì vậy, để nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ của các HTX, chuyên gia kinh tế nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang bỏ ngỏ vai trò của hệ thống Đoàn thanh niên trong việc hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Thay vì chỉ tập trung vào những hoạt động như vệ môi trường, sinh hoạt văn nghệ…, đoàn viên, thanh niên nên nâng cao vai trò hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, thành viên HTX làm video, làm chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giao dịch, thanh toán… thì mới nhanh tạo ra giá trị sinh lời.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bỏ ngỏ vai trò của hệ thống giáo dục nên không phát huy được giá trị của sản xuất nông nghiệp, người dân khó ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Trọng Thủy dẫn chứng, ở Đài Loan (Trung Quốc), trước khi tham gia WTO, đã có khoảng 10% trường học có học sinh đến đó để học giáo dục thực nông, chuỗi nông sản nên học sinh và người dân Đài Loan rất yêu nông nghiệp, kính trọng nghề làm nông, đồng lòng phát triển nông nghiệp, HTX. Việc học thực nông trong nhà trường cũng giúp Đài Loan có nguồn nhân lực hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ ngay từ trong gia đình theo kiểu “con dạy cha”. Nhưng Việt Nam lại chưa làm được điều này.

Tuy nhiên, một điều cần nhấn mạnh đó chính là muốn ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng đầu ra hiệu quả, yếu tố dự báo thị trường không kém phần quan trọng. Điều này rất cần vai trò của các cơ quan hữu quan trong việc xem xét thị trường nào cần sản phẩm gì để tuyên truyền, định hướng sản xuất, dự báo cụ thể cho nông dân, HTX.

Nhìn từ đất nước Israel có thể thấy, nhờ ứng dụng công nghệ mà quốc gia này trong 5 năm gần đây có giá trị xuất khẩu nông sản luôn vượt 3,5 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu chiếm 20%. Có được điều này là Chính phủ nước này đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ riêng cho phát triển nông nghiệp thay vì để nông dân, HTX tự tìm kiếm và áp dụng công nghệ.

Huyền Trang

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next