HTX liên kết doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa Khai thác nguồn lực đất đai, phát triển sản xuất

  • 28/01/2022
  • 15:25

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hàng trăm ha ruộng người dân bỏ không canh tác, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Trước thực tế này, nhiều HTX nông nghiệp chủ động liên kết với doanh nghiệp, quy vùng diện tích ruộng bỏ hoang để triển khai các mô hình sản xuất mới theo hướng hàng hóa, bước đầu khẳng định hiệu quả cao.

Nhiều mô hình sản xuất mới

Xã An Hưng (huyện An Dương) có gần 200 ha đất nông nghiệp, nhưng có tới 60 ha bỏ không canh tác. Riêng thôn Thắng Lợi có diện tích ruộng bỏ nhiều nhất xã với 20/28 ha, lãng phí đất đai. Trước thực tế đó, thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng xuất khẩu, từ năm 2019, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng An Hưng nghiên cứu, chủ động liên kết với doanh nghiệp triển khai các mô hình sản xuất mới nhằm khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang tại địa phương. Bước đầu, HTX cải tạo 6 ha diện tích ruộng bỏ hoang và hệ thống kênh mương tưới tiêu tại khu vực cánh đồng Nổ, thôn Thắng Lợi xây dựng 4 vùng sản xuất trồng khoai tây, hoa rơn và hành lá xanh. Trong đó, đáng chú ý là mô hình trồng hành lá xanh theo quy trình VietGap trên diện tích 2,3 ha, được HTX liên kết sản xuất Công ty TNHH Âu Lạc Global xuất sang thị trường Nhật Bản. Phó giám đốc HTX  Phạm Văn Đê cho biết: “Sau 2 năm thử nghiệm, năng suất hành hiện đạt từ 24- 27 tấn/ha/năm. Với giá bán 25 – 30 nghìn đồng/kg, giá trị kinh tế từ trồng hành lá xanh cao gấp 5 lần so với cấy lúa”.

Mô hình liên kết trồng hành lá của HTX DVNN và điện năng An Hưng

Cũng với cách làm này, những năm gần đây, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (huyện An Dương) vận động bà con dồn điền đổi thửa, gom 70 ha diện tích ruộng bỏ không canh tác thành các thửa lớn, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, đưa có giới hóa vào sản xuất. HTX đưa vào gieo cấy các giống lúa mới chất lượng cao, trồng rau đậu tương; liên doanh, liên kết với Công ty TNHH Hiền Lê bao tiêu toàn bộ sản phẩm “đầu ra” cho bà con. Hay HTX nông nghiệp Vạn Thanh cải tạo hơn 2,7 ha đất bỏ canh tác tại xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng) xây dựng vùng nuôi thủy sản và trồng rau công nghệ cao.

Không chỉ ở huyện An Dương, Tiên Lãng, tại các huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thụy, nhiều diện tích ruộng bỏ canh tác được các HTX mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản đầu tư, cải tạo thành các vùng sản xuất tập trung phục vụ triển khai các mô hình sản xuất mới theo hướng hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho lao động địa phương. Điển hình như mô hình: trồng bí xanh trái vụ của HTX nông nghiệp Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên), trồng sen của HTX nông nghiệp An Thắng (huyện An Lão), gạo ruộng rươi của HTX nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), nuôi thủy sản của HTX nông nghiệp Hợp Đức (quận Đồ Sơn)…

Tạo điều kiện về giao, cho thuê đất

Theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến Nguyễn Văn Hinh, khi liên kết với doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hàng hóa, ngoài mục tiêu về lợi nhuận, HTX muốn khai thác, tận dụng thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Đồng thời, HTX mong muốn xây dựng các mô hình sản xuất điển hình để người dân thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, học tập và làm theo, gắn bó với nông nghiệp, hạn chế tình trạng bỏ ruộng không canh tác.

Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất mới của các HTX hiện gặp phải một số vướng mắc. Đó là, hiện một số HTX mới “tạm mượn” hoặc thuê ngắn hạn ruộng bỏ canh tác của người dân để thực hiện các mô hình thí điểm. Từ thực tế hiệu quả cao ở nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã triển khai, nhiều HTX muốn mở rộng diện tích. Song, với thời hạn thuê đất ký kết với người dân chỉ từ 3- 5 năm như một số HTX đang thực hiện, rất khó cho các HTX trong việc mạnh dạn đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất. Chưa kể, nhiều người dân có tâm lý thà để ruộng bỏ hoang chứ nhất định không cho HTX, doanh nghiệp thuê để sản xuất…

Do vậy, các HTX đề xuất thành phố xem xét có cơ chế thu ruộng bỏ không canh tác của người dân giao dài hạn cho HTX, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Chính quyền các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tham gia ký kết phối hợp cùng với HTX, doanh nghiệp trong thực hiện các mô hình sản xuất. Nhà nước có chế khuyến khích, hỗ trợ về vốn vay giúp các HTX tăng cường năng lực liên kết với doanh nghiệp nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, hạn chế tình trạng bỏ hoang, lãng phí đất canh tác tại các địa phương hiện nay./.

Bài và ảnh: Ngọc Lan

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next