‘Con đường’ đưa nông sản thoát cảnh được mùa – mất giá

  • 17/12/2020
  • 13:45

Hiện nay, bài toán đầu ra cho các sản phẩm nông sản vẫn đang là vấn đề mà rất nhiều HTX quan tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động nghiêm trọng tới thị trường tiêu thụ và sức mua toàn cầu. Vì vậy, con đường sản xuất gắn với chuỗi giá trị là hướng đi bắt buộc mà các HTX nông nghiệp buộc phải lựa chọn.

Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, đến nay đã có 3.219 HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi liên kết – chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cả nước có 1.594 doanh nghiệp (DN) tham gia liên kết với HTX, tổ hợp tác (THT) và nông dân trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy vậy, so với con số hơn 17.000 HTX nông nghiệp hoạt động, rõ ràng số lượng này vẫn rất khiêm tốn.

Nghịch lý ‘thừa – thiếu’

Tính tới tháng 9/2020, HTX nho Evergreen Ninh Thuận có 91 thành viên. Năm 2020, HTX nâng cấp cơ sở vật chất mới và hiện đạt, đạt tiêu chuẩn HACPP gồm khu sơ chế và rửa nho, kho lạnh, phòng sấy nho, khu đóng gói sản phẩm, khu chế biến nước ép, rượu nho, giấm nho, phòng trưng bày, kho phân và thuốc, phòng họp… Trong thời gian tới, HTX cũng định hướng đạt quy mô từ 200-300 thành viên, xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 100% thành viên.

Tieu-thu-san-pham-cua-HTX-2-5622-1607736

Bài toán thị trường đầu ra cho nông sản luôn là vấn đề mà các HTX rất quan tâm. 

Tuy nhiên, điều khiến ông Nguyễn Hải Tấn, Chủ tịch HĐQT HTX Nho Evergreen Ninh Thuận băn khoăn nhất là HTX vẫn còn những khó khăn như chưa thể tiêu thụ hết được sản lượng nho mà thành viên sản xuất ra. Do có lúc thì rất nhiều thành viên có nho chín cần thu hoạch vào cùng một thời điểm với sản lượng quá lớn vượt năng lực tiêu thụ của HTX, có lúc lại không vườn thành viên nào có nho.

HTX vẫn khó khăn trong việc tìm thị trường lớn và ổn định do nguồn cung của HTX chưa ổn định và năng lực chưa đáp ứng được các yêu cầu về hậu cần và chính sách trả nợ của các siêu thị lớn khi bán hàng cho thị trường.

Trong khi đó, đại diện HTX Thanh Bình (Bình Thuận) cho biết đã xuất 3 đơn hàng sang Canada trong năm 2019, và có tiềm năng xuất sang châu Âu. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nước ngoài, dẫn đến khả năng trì trệ trong quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa tại kho cảng (gây khó khăn rất lớn đối với trái cây tươi), phía đối tác nhập khẩu đang tạm hoãn các đơn hàng.

Điều đó dẫn tới, sản lượng thanh long của HTX Thanh Bình đang trong tình trạng “thừa mà thiếu”. Sản lượng mỗi năm tuy nhiều, nhưng thời điểm thu hoạch không trùng khớp với lịch cung ứng đơn hàng cho khách hàng, và chất lượng trái tại các vườn thành viên chưa đồng đều cả về mẫu mã và độ ngọt, độ an toàn. HTX cũng cần phát triển thêm thị trường xuất khẩu trong khu vực châu Á và châu Âu nhằm giảm chi phí và rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Đẩy mạnh hỗ trợ HTX tham gia chuỗi giá trị

Trước khó khăn mà các HTX đang gặp phải, TS. Võ Thị Kim Sa, Phó Hiệu trưởng, Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT 2, Giám đốc dự án Phát triển HTX Việt Nam nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, liên kết ngang giữa nông dân hình thành nên các HTX có đầy đủ tư cách pháp nhân là nhu cầu thiết yếu trong dòng chảy của sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Bởi vì vừa phát huy tối đa lợi thế của sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ của kinh tế hộ, vừa tận dụng tốt nhất lợi thế quy mô lớn của sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Thông qua HTX, người nông dân có thể tham gia bình đẳng với các chủ thể kinh tế khác trong chuỗi giá trị dài và rộng “từ trang trại đến bàn ăn”.

Tuy nhiên, bà Sa cho rằng, quy mô và năng lực của các HTX ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với các DN hoặc so với các HTX trên thế giới. Điều đáng lo lắng là nơi này hay nơi khác đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng các HTX cạnh tranh lẫn nhau.

“Vì vậy, đây cũng chính là thời điểm để các HTX “chuyển mình” vươn lên cấp độ hợp tác cao hơn: hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào HTX trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế”, bà Sa nói.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (KTHT) và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, hỗ trợ nông dân các kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định (VietGAP, GlobalGAP, Organic…) nhằm sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Cùng với đó, ngành tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành cơ chế chính sách thay thế những chính sách đã hết hiệu lực trong giai đoạn 2015-2020, tập trung vào các chính sách như đất đai cho HTX xây dựng hạ tầng: trụ sở, nhà xưởng, sân phơi, bến bãi. Đồng thời, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho HTX trong phục vụ thực hiện chế biến, thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, việc đẩy mạnh phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững các HTX. Định hướng phát triển HTX theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, việc tổ chức lại sản xuất của các HTX theo hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh là giải pháp phát triển bền vững của các HTX.

Tạo ‘cú hích’ hỗ trợ HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị

Để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, bản chất của KTHT, HTX, thời gian qua, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ người dân tham gia vào khu vực KTHT, HTX; hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX và THT sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Anh-chup-Man-hinh-2020-12-12-l-3656-1485

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam 

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam chủ trì, đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về KTHT, HTX; phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng HTX điển hình tiên tiến, mô hình chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển thành viên.

Điều này góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, bản chất của KTHT, HTX, vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong phát triển KTHT, HTX; lòng tin của thành viên HTX, THT tăng lên.

“Liên minh HTX Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau, vốn nhiều, có sức mạnh thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhắc lại câu nói của Bác Hồ trong thư kêu gọi điền chủ, nông gia tham gia HTX nông nghiệp ngày 11/4/1946.

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam cũng đẩy mạnh hỗ trợ các HTX. Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Liên minh HTX Việt Nam đã hướng dẫn thủ tục thành lập cho 10.534 HTX, 81 liên hiệp HTX (chiếm 98% số HTX thành lập mới của cả nước); hỗ trợ hầu hết HTX chuyển đổi, sáp nhập, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động, cung ứng dịch vụ gắn với hợp tác, liên kết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thành viên; phát triển HTX quy mô cấp huyện; đa dạng các loại hình sản xuất; tạo việc làm ổn định cho thành viên, phương án sản xuất hiệu quả.

Trong giai đoạn 2018-2020, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã chủ trì xây dựng được gần 200 mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất của thành viên, phối hợp với các Sở, ngành địa phương xây dựng trên 1.500 mô hình chuỗi giá trị; các HTX được hỗ trợ đã giảm chi phí sản xuất khoảng 8%, doanh thu tăng 15%, lợi nhuận tăng 12%, thu nhập của thành viên HTX tăng từ 5-10%; hơn 1.000 sản phẩm HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3-5 sao.

Anh-chup-Man-hinh-2020-12-12-l-4304-7760

Bà Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý

 Đây là động lực đối với thu hút và mở rộng thành viên HTX, thành viên liên kết của HTX. Bà Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuân, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, HTX được thành lập năm 1957, đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012 có tổng số là 637 hộ với 2.460 thành viên chia làm 6 tổ dịch vụ sản xuất. Tổng diện tích canh tác xấp xỉ 150ha, cây trồng chính HTX là cấy 2 vụ lúa 1 vụ (cây Đông).

Sản phẩm của HTX là lúa, ngô ngọt, ngô nếp, khoai tây, bí đỏ, rau các loại, hoa cúc, ớt… sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn làm thủ tục công nhận thương hiệu “Gạo ngon Phú Xuân” và tham gia chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm 2020.

HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý có được kết quả trên, theo bà Hương, là nhờ Liên minh HTX Việt Nam đã tạo điều kiện giúp đỡ quan tâm tận tình trên mỗi lĩnh vực. Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ kinh phí mua 1 máy sấy thóc động cơ, hỗ trợ HĐQT và thành viên nâng cao năng lực tiếp cận thị trường…

“Thông qua sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam đã giúp HTX nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý tham gia các cuộc kết nối giao thương, tạo cơ hội để HTX quảng bá sản phẩm, giới thiệu sản phẩm gạo, ngô,… đến với khách hàng trong cả nước và nước ngoài, tiếp cận thị trường mở rộng khả năng tiếp cận cho các sản phẩm mà HTX đã sản xuất ra”, bà Hương chia sẻ.

Cùng với hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức 785 lớp bồi dưỡng và đào tạo nghề, đào tạo 39.487 lượt thành viên HTX; Liên minh HTX cấp tỉnh bồi dưỡng cho 108.757 lượt thành viên HTX. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và 55 Quỹ địa phương đã cho vay trên 4.000 lượt HTX, 500.000 THT và thành viên HTX, với số vốn trên 7.000 tỷ đồng…

Trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam xác định phát triển KTHT, HTX nhanh, hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương; đẩy mạnh thu hút hộ cá thể tham gia HTX, THT; phát triển cả số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả HTX, liên hiệp HTX và THT; sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

“Xây dựng hệ thống Liên minh HTX Việt Nam vững mạnh, thống nhất chặt chẽ tổ chức và hoạt động từ Trung ương đến địa phương, đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực KTHT, HTX; tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong phát triển KTHT, HTX”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Lê Thúy

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next