Chưa xứng tiềm năng

  • 16/04/2021
  • 09:08

Những năm qua, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo nhiều cơ chế, chính sách song khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 340/QĐ-TTg ngày 12.3.2021 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2030 được trông đợi sẽ tạo sức bật cho khu vực này phát triển, đòi hỏi cần sớm cụ thể hóa chiến lược vào thực tiễn.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, cả nước có 26.040 HTX, thu hút 8,1 triệu thành viên; đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Mặc dù các HTX góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo song khó vẫn chồng khó khiến khu vực này chưa phát huy được tiềm năng.

“Đổi đời” nhờ HTX

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương, Thái Bình có 3 nhân khẩu, đời sống hoàn toàn phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Mỗi năm 2 vụ lúa, cộng thêm chăn nuôi gà vịt song thu nhập bấp bênh vì giá cả thất thường. “Nếu có thóc bán đầu vụ hoặc gặp lúc giá lúa lên cao thì còn gỡ gạc được tiền công, phân bón, chẳng may thời tiết không thuận, mất mùa coi như vụ đó đủ thóc ăn là tốt lắm”, chị nhớ lại.

Từ ngày tham gia HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Định (năm 2010) có liên kết với doanh nghiệp chuyên sản xuất lúa giống, việc canh tác của chị Hoa cũng nhàn hơn, thu nhập dần ổn định. Theo đó, doanh nghiệp sẽ ứng lúa giống cho bà con từ đầu vụ và sẽ chi trả sau thu hoạch. Về phía HTX hỗ trợ dịch vụ máy móc vật tư, từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch với giá rẻ hơn bên ngoài, đồng thời ứng trước phân bón, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho xã viên…

Nhờ liên kết với doanh nghiệp nên hơn 300ha sản xuất lúa theo chuỗi của HTX không phải lo đầu ra, giá cao gấp 1,3 – 1,5 lần so với lúa tẻ thường. Giám đốc HTX Trần Thanh Sơn cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2021, tổng lượng lúa giống, lúa hàng hóa đã cân cho các công ty là gần 4.200 tấn, doanh thu đạt 41,5 tỷ đồng, người dân hưởng lợi hơn 8,3 tỷ đồng. Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, nhận thấy sản xuất lúa giống có hiệu quả hơn, chị đã mạnh dạn thuê thêm ruộng với tổng diện tích 1 mẫu lúa (3.600m2). Mỗi vụ thu nhập cũng được khoảng 25 – 30 triệu đồng, đủ trang trải sinh hoạt và tiền học cho hai con, đứa lớn lớp 12 còn đứa bé lớp 3, chị Hoa thông tin.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh Thái Bình xác nhận, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa đang là hướng đi của nhiều HTX trong tỉnh, tiêu biểu như các vùng sản xuất lúa giống diện tích từ 100 – 200ha/vùng của HTX nông nghiệp Đông Quý, huyện Tiền Hải và HTX nông nghiệp An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ; vùng sản xuất ngô nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi của HTX nông nghiệp Hồng Minh, huyện Hưng Hà… Với cách làm này đã tăng thu nhập của nông dân từ 1,5 – 2 lần so với phương thức sản xuất thông thường.

Tại tỉnh Yên Bái, HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn là một trong những điển hình về xây dựng thương hiệu (Tuyết Sơn Trà), tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm cùng thu nhập cho đồng bào dân tộc H’Mông. Giám đốc HTX Lâm Thị Kim Thoa cho biết, HTX thành lập năm 2008, khi giá chè Suối Giàng mua vào chỉ với giá 1.000 đồng/kg song cũng không mấy ai mặn mà. Với mục tiêu “lấy lại bằng được thương hiệu chè Suối Giàng”, các thành viên trong Ban quản trị đã “5 năm làm không lương”, tập huấn kỹ thuật cho bà con cách thu hái búp chè tươi bảo đảm chất lượng, mua chè luôn cao hơn so với bên ngoài một giá. HTX cũng chú trọng ứng dụng máy móc, kỹ thuật để tạo thành phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đến nay, mỗi năm HTX thu hoạch 500 tấn chè tươi, tương ứng trên 100 tấn chè khô với sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Ngoài 20 thành viên, mỗi ngày HTX tạo việc làm cho 15 – 20 lao động thời vụ với mức thu nhập khoảng 300.000 đồng/người. Bà Sùng Thị May, bản Pang Cáng bộc bạch: “Từ ngày bán chè cho HTX, mình đã bớt lo đến tiền chi tiêu hằng ngày”.

Cũng bởi xây dựng được thương hiệu nên ngay trong dịch Covid-19, tiêu thụ của HTX Suối Giàng chỉ sụt giảm khoảng 10% so với trước dịch bệnh. Song, điều mà bà Thoa cảm thấy vui hơn cả là xã Suối Giàng hiện có ít nhất 3 HTX, bởi “HTX Suối Giàng đã lan tỏa đến cộng đồng xung quanh để họ yên tâm thành lập HTX thay vì các mô hình quản lý kinh tế khác”.

	Các đại biểu tham quan cách làm chè thành phẩm tại HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Ảnh: Đan Thanh
Các đại biểu tham quan cách làm chè thành phẩm tại HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái.
Ảnh: Đan Thanh

Rõ ràng, HTX đã và đang đóng góp quan trọng vào việc thay đổi phương thức sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân. Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết năm 2020, cả nước có 26.040 HTX, thu hút 8,1 triệu thành viên. Số HTX hoạt động hiệu quả chiếm 59%; đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.

Vốn, trình độ, công nghệ đang “bó chân” HTX

Tuy vậy, trên thực tế, hoạt động của các HTX vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước chỉ có khoảng 22% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng hoặc đại học; tỷ lệ lao động trong HTX tốt nghiệp phổ thông trung học rất thấp (dưới 30%). Trình độ, công nghệ sản xuất còn thấp, máy móc công nghệ lạc hậu; có tới 50% HTX rất thiếu máy móc, phương tiện làm việc. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, năng lực tài chính hạn chế, nhiều HTX chỉ có vốn dưới 100 triệu đồng… Chính những điều này đang “bó chân” HTX.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi thừa nhận: Nút thắt lớn nhất hiện nay là khó khăn về vốn, trình độ năng lực đội ngũ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất. “Đặc thù kinh tế – xã hội là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, kinh tế sản xuất hàng hóa chưa phát triển. Thêm nữa, nhiều HTX năng lực nội tại yếu, việc xác định phương hướng sản xuất kinh doanh chưa rõ ràng; tổ chức bộ máy hoạt động của hội đồng quản trị yếu, còn ỷ lại trông chờ vào hỗ trợ. Hầu hết thành viên đều là nông dân, hạn chế về vốn và kiến thức”, ông Lợi phân tích.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình Trương Thanh Sơn bổ sung, hiện toàn tỉnh có 445 HTX, trong đó có 331 HTX dịch vụ nông nghiệp. Tuy vậy, Thái Bình là một trong 5 tỉnh chưa có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. “Cái khó bó cái khôn” khiến HTX vẫn chưa phát huy tiềm năng; hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh chủ yếu mới dừng ở khâu tư vấn, phổ biến chính sách. Chỉ khi có nguồn vốn hỗ trợ mới nâng cao vị thế của Liên minh HTX tỉnh cũng như hiệu quả hoạt động của HTX, ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng bởi thế, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức tháng 12.2020, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy đang là Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ rõ: “Nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta phải thừa nhận rằng khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế”. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; phát triển không đồng đều giữa các vùng miền; sự liên kết, hợp tác với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu…

Tới đây, chúng ta phải thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế và khu vực thông qua các hiệp định thương mại tự do, cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra gay gắt cả trong và ngoài nước, việc tìm cách giải quyết những vấn đề trên để thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển là yêu cầu rất cần thiết đang đặt ra.

Đan Thanh

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Diễn đàn kinh tế hợp tác, Hợp tác xã

Liên minh Hợp tác xã thành phố phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ khu vực kinh tế tập, HTX, đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Previous
Next