Nông nghiệp Việt Nam khởi hành ‘con tàu’ 4.0

  • 22/09/2022
  • 14:51

Ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản được đánh giá là con đường tất yếu của ngành nông nghiệp để bắt kịp Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo đó, Nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là những chủ thể tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này, vượt qua quá trình gian khó sẽ là những cơ hội lớn, xóa bỏ tình cảnh nông sản “được mùa rớt giá”.

Giữa tháng 8/2022 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ TT&TT chính thức phát động “Chuyển đổi số nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Sự kiện đánh dấu ngành nông nghiệp chính thức bước lên “con tàu” 4.0, mở kho dữ liệu vùng trồng, xóa sự mù mờ trong sản xuất.

Nông sản được giá nhờ ứng dụng công nghệ

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ bằng chuyển đổi số, chúng ta sẽ xóa đi sự mù mờ trong sản xuất nông sản. Xây dựng thương hiệu để nông sản Việt Nam tiến tới minh bạch, tích hợp hình ảnh, cảm xúc, truyền thông đa phương tiện vào sản phẩm. Làm sao để nông dân hiểu rằng tôi đi bán quả thanh long nhưng không phải chỉ bán thanh long mà bán văn hóa, cá tính, thương hiệu của tôi nằm trên bản đồ chuyển đổi số.

-9844-1663747627.jpg

Chuyển đổi số là con đường tất yếu của ngành nông nghiệp. 

Trên thực tế, chuyển đổi số mấy năm nay đã được nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất. Kết quả, những “quả ngọt” đầu tiên được thu về. Ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp), phấn khởi cho biết mới đây, 3 tấn xoài Cát Chu Cao Lãnh do HTX sản xuất và kết hợp cùng một doanh nghiệp trong tỉnh xuất sang thị trường châu Âu. Mức giá xuất khẩu xoài là 11-13 EURO/kg (tương đương 258.000 – 305.000 đồng/kg), còn mức giá bán xoài tại các siêu thị châu Âu là 18 EURO/kg (tương ứng 422.000 đồng/kg).

“Lô xoài 3 tấn dù không lớn nhưng đó là lô hàng đầu tiên của năm 2022. Đặc biệt, qua lần liên kết xuất khẩu này, HTX tiếp tục mở rộng thị trường cho sản xuất đặc trưng của địa phương, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Và đây cũng là định hướng của HTX ngay từ khi thành lập”, ông Bảo chia sẻ.

Được biết, diện tích sản xuất của HTX là 150ha, sản lượng hàng năm gần 2.000 tấn. HTX đã phối hợp triển khai thực hiện mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ cho tất cả thành viên HTX, với 100% thành viên HTX áp dụng theo quy trình VietGAP an toàn, bán ra thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Trung Quốc, Mỹ, Nga; còn lại bán trong nước.

Theo đó, để xuất khẩu được sang châu Âu, Giám đốc HTX Tịnh Thới cho hay HTX đã phải thay đổi mô hình sản xuất từ đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với DN để sản xuất theo chuỗi. HTX cũng xúc tiến, tìm kiếm thị trường để giải quyết đầu ra cho trái xoài.

Tương tự, những năm gần đây, nhiều người biết tới HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông (Đông Lai, Tân Lạc, Hòa Bình) với những sáng kiến sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như HTX trồng cây có múi và cây ăn quả chuyên sử dụng các loại phân chuồng được ủ nóng trên 75 độ C, sử dụng các loại thuốc thảo mộc tự chế để phòng trừ sâu bệnh hại. Ông Trần Hồng Năng, Giám đốc HTX cho hay, HTX đang đẩy mạnh đầu tư vốn để nhân rộng một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng tầm ngành nông nghiệp

Trong khi đó, với DN – ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed, chia sẻ 20 năm trước đã nhận thức rằng ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của sự phát triển trong nền kinh tế thị trường.

“Chúng ta đang chứng kiến sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế nước ta vào nền kinh tế thế giới cùng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Điều đó đồng nghĩa với quá trình chuyển giao khoa học công nghệ của thế giới vào nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, sản phẩm chất lượng cao và trình độ quản trị tiên tiến sẽ cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà”, ông Báo nhấn mạnh.

Theo vị lãnh đạo ThaiBinh Seed, trong chiến lược phát triển của nền kinh tế đất nước giai đoạn tới, Đảng và Nhà nước đã xác định “Nông nghiệp, du lịch và kinh tế số” là những lĩnh vực được ưu tiên và đây cũng chính là một lợi thế của nền kinh tế Việt Nam. Điều này nói lên rằng, cần phải khai thác hết lợi thế để phát triển nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới đã định nghĩa về Cách mạng 4.0 là “công nghệ sinh học, kinh tế số và vật lý hiện đại”. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 là một ưu tiên của nền nông nghiệp Việt Nam.

“Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong những năm qua đã giúp ThaiBinh Seed từ DN nhỏ bé của tỉnh Thái Bình vươn lên trở thành một trong những DN đầu ngành Giống cây trồng Việt Nam và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà”, ông Báo khẳng định và cho biết ThaiBinh Seed đã xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, phấn đấu trở thành trung tâm giống cây trồng của cả nước, trong đó khoa học công nghệ tiếp tục được coi là nền tảng chiến lược để phát triển.

Tuy vậy, Chủ tịch Trần Mạnh Báo cũng chỉ ra trình độ, nguồn lực khoa học công nghệ và quản trị của ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế, sản phẩm ít có tính cạnh tranh. Chính vì vậy, chúng ta không còn con đường nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm tốt cho xã hội. Để làm được điều đó không những chúng ta phải chủ động mà còn phải tăng cường kết nối, hợp tác để khai thác hết nguồn lực khoa học công nghệ của đất nước.

“Câu hỏi đặt ra là nhà khoa học trẻ đặc biệt là nhà khoa học nông nghiệp trẻ cần làm gì và làm thế nào để góp phần xây dựng đất nước nói chung và nông nghiệp Việt Nam nói riêng”, ông Báo đặt vấn đề.

Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 4,8 triệu ha diện tích cây trồng gồm: cây ăn quả, sản xuất lúa và cây công nghiệp. Trong đó, có khoảng 4.000 vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Tuy nhiên, để kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, cần phải đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt để nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường và người tiêu dùng. Đây cũng là nhiệm vụ để kết nối thông tin, chấm dứt tình cảnh “được mùa mất giá”.

Theo đó, để tiếp tục hỗ trợ các thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ, thời gian tới, ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới cho biết sẽ xúc tiến quảng bá hình ảnh HTX và sản phẩm của HTX thông qua website của đơn vị; tập trung nghiên cứu thị trường, áp dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm chế biến sâu từ trái xoài.

-1333-1663747628.png

Ông Lê Đức Thịnh

Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT)

Chúng ta cần hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại theo hướng kết hợp hợp lý, hài hòa và liên tục củng cố các yếu tố cấu thành nền nông nghiệp, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi nông nghiệp và tiến trình phát triển nền kinh tế quốc gia. Lấy tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là phát triển kinh tế hợp tác là nền tảng, lấy áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại với tiêu chí phù hợp và gia tăng hàm lượng tri thức trong các sản phẩm nông sản làm động lực cho quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, cần xây dựng các dự án, chương trình đào tạo những mô hình nông nghiệp mới cho nông dân, HTX, DN. Xây dựng các liên minh, diễn đàn quốc tế về tri thức hóa người nông dân, người nông dân trong thời kỳ 4.0, nông dân hội nhập toàn cầu…

-7827-1663747628.png

Ông Johan Van Den Ban

Tổng giám đốc De Heus Việt Nam

Mặc dù bước vào kỷ nguyên chăn nuôi công nghệ 4.0, tuy nhiên thực trạng ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam vẫn chủ yếu là theo hộ gia đình, trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Cuộc khủng hoảng giá heo 2017 và đầu năm 2018 là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bấp bênh đầu ra của người chăn nuôi. Vì vậy, De Heus đang liên kết với người chăn nuôi để tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn phổ biến tiến bộ kỹ thuật hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng công nghệ mới, cũng như sử dụng thức ăn đúng cách tiết kiệm.

-3376-1663747628.png

PGS.TS. Đào Thế Anh

Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 giúp đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Cơ hội về hoạt động kinh tế số, lợi ích cụ thể đầu tiên là người nông dân có thể ra quyết định sản xuất chính xác hơn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Tuy vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam cũng còn nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là số lượng hộ nông dân lớn, nhưng quy mô canh tác nhỏ, vốn đầu tư ít, thiết bị cũ, lạc hậu. Vì vậy, để áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp thành công thì hộ nông dân trước hết phải thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, tham gia hợp tác liên kết vào các HTX theo chuỗi giá trị.

Nhật Linh 

https://vnbusiness.vn/viet-nam/nong-nghiep-viet-nam-khoi-hanh-con-tau-4-0-1088057.html

Kinh tế và đô thị: Phát triển kinh tế tập thể gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết 20

Liên minh HTX thành phố tổ chức ngày hội thành phố Hải Phòng 2024

Kinh tế và đô thị: Gỡ khó về vốn cho các hợp tác xã

Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Liên minh HTX thành phố tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng năm 2024

Kinh tế và đô thị: Phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể – Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Previous
Next